Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn trạm cân lưu động

08:06, 02/06/2014

Cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (gọi tắt là trạm cân lưu động) ở Đồng Nai được đưa vào hoạt động từ tháng 4-2014.

Cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (gọi tắt là trạm cân lưu động) ở Đồng Nai được đưa vào hoạt động từ tháng 4-2014. Kết thúc giai đoạn 1 (hoạt động trên quốc lộ 51), từ tháng 6-2014, trạm cân lưu động ở Đồng Nai tiếp tục kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ 1 và đã có nhiều băn khoăn nảy sinh.

Xe quá tải nằm chờ né trạm cân lưu động trên quốc lộ 51. Ảnh: T.Toàn
Xe quá tải nằm chờ né trạm cân lưu động trên quốc lộ 51. Ảnh: T.Toàn

Chánh thanh tra Sở Giao thông - vận tải (GTVT) Dương Mạnh Hưng cho biết, theo quy định, trạm cân lưu động phải được đặt trên đường có 3 làn xe mỗi chiều, đường không có trạm cân xe cố định, phải gia cố mặt đường (nơi đặt bàn cân) chịu tải trọng gấp 3 lần tải trọng cho phép… Thế nhưng, nơi hoạt động của trạm cân lưu động giai đoạn 2 là Bến xe Dầu Giây nằm trên quốc lộ 1, tuyến có mặt đường hẹp, chỉ 2 làn xe mỗi chiều, xung quanh khu vực này có quá nhiều đường nhánh để các xe tải có thể chạy tránh trạm cân.

* Lợi bất cập hại

Theo khảo sát của Sở GTVT, có nhiều con đường để các tài xế chở quá tải có thể né trạm cân lưu động, gồm: quốc lộ 20, quốc lộ 56, hương lộ 10, đường tỉnh 769, đường liên huyện Suối Tre - Bình Lộc, đường tỉnh 763.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết hoạt động của trạm cân cố định Dầu Giây đã gây ra tình trạng xe né trạm cân gây hư hỏng đường tỉnh, huyện, đường nông thôn. Thiệt hại do đường sá hư hỏng (70 tỷ đồng) gấp hàng chục lần tiền thu phạt từ Trạm cân Dầu Giây đã gây bức xúc rất nhiều trong nhân dân. Trường hợp trạm cân lưu động hoạt động tại Bến xe Dầu Giây, liệu có đảm bảo không lặp lại thiệt hại (do xe quá tải gây ra) như hoạt động của trạm cân cố định đã xảy ra? Trong tình trạng quân số công an các huyện phải tập trung thực hiện nhiều việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như hiện nay, việc “căng” quân hỗ trợ kiểm tra trạm cân lưu động sẽ gây thêm khó khăn cho lực lượng công an.

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của trạm cân lưu động diễn ra ngắn hạn nên việc đề nghị Trạm dừng nghỉ Xuân Lộc hỗ trợ hoạt động của trạm cân lưu động là hoạt động lợi ích quốc gia, vì mục đích bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh cũng như của cả nước.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho biết thêm, hiện tai nạn giao thông đang gia tăng trên các tuyến đường tỉnh, huyện, đường nông thôn. Nếu có thêm tình trạng xe né trạm cân phá hư đường địa phương, gia tăng phương tiện kém an toàn lưu thông sẽ có nguy cơ tiếp tục gia tăng tai nạn giao thông trên toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Tại, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, cho biết các con đường: Suối Tre - Bình Lộc, hương lộ 10, đường tỉnh 769 mới được đầu tư nâng cấp, nếu xảy ra tình trạng xe trốn trạm cân gây hư hỏng sẽ gây bức xúc rất lớn trong dân. Ông Tại cho biết, có nhiều người tỏ vẻ băn khoăn vì trạm cân lưu động được đặt cách trạm cân cố định Dầu Giây chỉ khoảng 20km, trên cùng quốc lộ 1. Nếu việc kiểm tra xe ở 2 trạm cân cho ra kết quả khác nhau thì giải thích ra sao với chủ xe, tài xế? Nếu sai số lớn dẫn đến khiếu kiện sẽ gây thêm tình hình phức tạp, bức xúc, bất lợi cho hoạt động của trạm cân lưu động.

* Giải quyết ra sao?

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Điệp phân trần, dù biết việc đặt trạm cân lưu động ở Bến xe Dầu Giây có nhiều bất lợi, nhưng đây là chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tổng cục yêu cầu Đồng Nai nhanh chóng đưa trạm cân lưu động vào hoạt động giai đoạn 2, đồng thời yêu cầu đặt trạm cân trên quốc lộ 1 để hỗ trợ trạm cân lưu động tỉnh Bình Thuận và Trạm cân Dầu Giây (đang sửa chữa cân ở chiều Đồng Nai - Bình Thuận).

Đoàn khảo sát của Sở Giao thông - vận tải tìm nơi đặt trạm cân lưu động.
Đoàn khảo sát của Sở Giao thông - vận tải tìm nơi đặt trạm cân lưu động.

 Được biết, Sở GTVT đã khảo sát trên tuyến quốc lộ 1 để tìm chỗ đặt trạm cân và có 2 điểm tạm thỏa mãn yêu cầu mặt bằng rộng là Trạm dừng nghỉ Xuân Lộc (thuộc Công ty Tín Nghĩa) và Bến xe Dầu Giây. Trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Xuân Lộc, có nhiều đoạn ít hoặc không có đường nhánh để có thể đặt trạm cân, nhưng mặt đường quá hẹp, không có bãi hạ tải nên không thể đặt trạm cân lưu động. Trạm dừng nghỉ Xuân Lộc có mặt bằng rất thuận lợi, nhưng đơn vị quản lý không chấp thuận đặt trạm cân lưu động.

Giám đốc Sở GTVT cho biết, trước mắt trạm cân lưu động tạm hoạt động tại Bến xe Dầu Giây. Các đơn vị chức năng của Sở phải nhanh chóng khảo sát, làm việc với UBND huyện Xuân Lộc để tìm thêm địa điểm thuận lợi hơn. Mặt khác, Đồng Nai cần kiến nghị với Tổng cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp phù hợp để hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe ở Đồng Nai hoạt động thuận lợi hơn.

Thanh Toàn

 

 

 

Tin xem nhiều