Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấn tượng buổi sinh hoạt pháp luật vui nhộn dưới cờ

Đoàn Phú
09:01, 07/11/2023

Hàng chục cánh tay của học sinh Trường THCS Tân Thành (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) giơ cao vì em nào cũng muốn được mời đứng lên trả lời câu hỏi sau các tình huống pháp lý mà luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư Đồng Nai) đưa ra tại buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Luật sư Đồng Nai phối hợp với Phòng Tư pháp H.Long Thành tổ chức ngày 3-11.

Luật sư Nguyễn Như Tuấn nói chuyện chuyên đề pháp luật về bạo lực gia đình và bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Thành (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Ảnh: Đ.PHÚ

Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành Lê Đình Ký bày tỏ, do các em được tiếp cận phương thức truyền thông pháp luật vui nhộn nên rất hào hứng, không e dè khi trả lời các câu hỏi mà luật sư nêu ra.

* Hấp dẫn bởi sự tương tác

Là người dẫn chương trình, kiêm tuyên truyền pháp luật, bằng những câu hỏi dí dỏm, cùng các phần đố vui có thưởng, luật sư Nguyễn Như Tuấn đã “biến” buổi tuyên truyền pháp luật dưới cờ như là một buổi sinh hoạt vui nhộn, hấp dẫn, tạo được sự tương tác mạnh mẽ của học sinh.

Luật sư Nguyễn Như Tuấn bắt đầu buổi tuyên truyền bằng câu hỏi: “Các em ơi, ở trường các em có bao giờ bị bạn bắt nạt không? Nếu bị như vậy thì các em phải làm sao?”. Ngay lập tức, nhiều cánh tay của học sinh giơ lên và một vài em được chọn trả lời. Cuối cùng, luật sư Tuấn đã tổng hợp các câu trả lời thành hướng dẫn học sinh cách xử lý khi bị bạo lực học đường, bắt nạt học đường. Cụ thể là: báo ngay vụ việc với cha mẹ, thầy cô, chính quyền địa phương để có sự can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.

Em NGUYỄN NGỌC HOÀNG ANH, học sinh lớp 7/3, Trường THCS Tân Thành bày tỏ mong muốn nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt pháp luật như thế để các em học sinh hiểu biết được nhiều kiến thức pháp luật hữu ích để tự bảo vệ mình.

Tiếp theo, luật sư Tuấn hỏi: “Khi các bạn đánh nhau, các em có nên quay clip lại rồi tung lên mạng không?”. Một số học sinh trả lời có, một số trả lời không. Luật sư Tuấn khẳng định: “Không nên nhé các em, bởi chính các nạn nhân bị đánh cũng không muốn đưa sự việc lên mạng xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của bạn. Khi thấy sự việc này cần báo cho thầy cô, người lớn để xử lý giúp bạn”.

Để tạo sự tương tác khi tuyên truyền pháp luật cho học sinh, luật sư Tuấn đã tự soạn chương trình, nội dung cho phù hợp với thông điệp “chung tay đẩy lùi bạo lực học đường”. Theo luật sư Tuấn, trách nhiệm này không của riêng ai, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng”.

“Khi tuyên truyền pháp luật cho học sinh, tùy độ tuổi, tôi có phương pháp tiếp cận riêng. Quan điểm của tôi không phân tích sâu, diễn giải dài dòng về các quy định pháp luật mà chỉ tập trung vào những nội dung cơ bản của chủ đề bạo lực gia đình và bạo lực học đường. Các trò chơi đố vui có thưởng là không thể thiếu trong các buổi tuyên truyền để thu hút sự tương tác của học sinh. Qua đó nhằm giúp các em dễ dàng ghi nhớ, cập nhật kiến thức pháp luật và rèn luyện kỹ năng tranh luận", luật sư Tuấn cho biết.

Chẳng hạn, sau khi em Nguyễn Hoàng Hiếu (lớp 6/1) trả lời câu hỏi trắc nghiệm về các hành vi bạo lực học đường, luật sư Tuấn hỏi: “Vì sao em biết đó là câu trả lời đúng?” và được em trả lời đầy tự tin và hồn nhiên: “Bởi vì đó là câu trả lời đúng”.

Tương tự, được tặng phần quà nhỏ sau khi trả lời đúng câu hỏi của luật sư Tuấn, em Huỳnh Yến Nhi (lớp 7/2) cho biết, em xung phong tới mỏi tay mới được trả lời câu hỏi. Cách tổ chức buổi sinh hoạt pháp luật dưới cờ như vậy rất vui và bổ ích. Em có thể nhớ ngay các quy định pháp luật về bạo lực gia đình, bạo lực học đường.

* Thiết thực, bổ ích

Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành Lê Đình Ký đánh giá cao hình thức tuyên truyền pháp luật hấp dẫn được Đoàn Luật sư Đồng Nai triển khai.

“Chỉ có những người am hiểu pháp luật sâu rộng, có phương pháp sư phạm, quản trò tốt mới “mềm hóa” kiến thức pháp luật vốn khô khan thành những trò chơi vui nhộn, hấp dẫn. Đồng thời là những người hiểu sâu về pháp luật nên các kiến thức tuyên truyền cho học sinh là chính xác. Do đó, buổi sinh hoạt pháp luật dưới cờ thực sự ý nghĩa, thiết thực với hơn 600 học sinh của nhà trường” - ông Ký bày tỏ.

Còn cô giáo chủ nhiệm lớp 8/3 Võ Thị Lộc bộc bạch, sự dẫn dắt đầy thu hút của luật sư Tuấn không chỉ giúp học sinh thể hiện được sự hiểu biết về kiến thức pháp luật được nêu ra, mà còn biết cách xử lý khi xảy ra các tình huống pháp lý liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực học đường.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh thời gian qua không chỉ được ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng mà cả hệ thống chính trị cùng chung tay. Với vai trò, trách nhiệm của mình, mỗi năm Đoàn Luật sư Đồng Nai đã cùng tổ chức được từ 6-8 đợt tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, với người nghe là học sinh, đoàn lựa chọn hình thức tuyên truyền khác với người nghe là người dân, công nhân, cán bộ cơ sở. Theo đó, tại các buổi tuyên truyền, các luật sư đều chọn hình thức nói chuyện, phân tích, chia sẻ những vấn đề thiết thực và thật gần gũi với các em như: cách thức phòng, tránh bạo lực học đường; sử dụng mạng xã hội an toàn; nói không với ma túy; đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông…

Luật sư Lê Quang Y đúc kết, để truyền thông những điều tích cực đến các em, ngoài nội dung, chủ đề nói chuyện, Đoàn Luật sư Đồng Nai chọn các phương thức phù hợp như: trao đổi, đặt câu hỏi tình huống mời học sinh trả lời, giải đáp câu hỏi pháp luật có thưởng… nhằm tạo không khí vui học, thoải mái trình bày quan điểm, tăng cường tương tác giữa người nói và người nghe. Qua đó giúp học sinh bổ sung, cập nhật kiến thức pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật; cũng như phòng ngừa các tệ nạn xã hội cho học sinh.           

Đoàn Phú

Tin xem nhiều