Báo Đồng Nai điện tử
En

Kể chuyện câu đối ở Đồng Nai

03:01, 25/01/2019

Câu đối là hình thức diễn đạt tư tưởng, ý chí, tình cảm của con người qua hình thức văn "biền ngẫu", gồm hai vế đối nhau, có nguyên tắc ước định về đối ý, đối chữ, đối thanh theo luật bằng trắc. Tương truyền, câu đối có từ lâu đời (có tài liệu ghi cách đây khoảng 3 ngàn năm), gắn với văn chương chữ Hán, còn gọi là "tinh hoa của tinh hoa chữ Hán"; đến nước Việt đã được Việt hóa theo phong tục tập quán của người Việt.

Câu đối là hình thức diễn đạt tư tưởng, ý chí, tình cảm của con người qua hình thức văn “biền ngẫu”, gồm hai vế đối nhau, có nguyên tắc ước định về đối ý, đối chữ, đối thanh theo luật bằng trắc. Tương truyền, câu đối có từ lâu đời (có tài liệu ghi cách đây khoảng 3 ngàn năm), gắn với văn chương chữ Hán, còn gọi là “tinh hoa của tinh hoa chữ Hán”; đến nước Việt đã được Việt hóa theo phong tục tập quán của người Việt.

Câu đối ở nhà từ đường họ Đào (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch)
Câu đối ở nhà từ đường họ Đào (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch)

Xưa nay, người Việt trọng câu đối và thường kể chuyện hay chuyện vui về câu đối, nhất là trong những ngày tết. Đồng Nai là bộ phận máu thịt của Việt Nam, sống bằng giá trị văn hóa Việt Nam. Ông bà ta xưa đi khẩn hoang mở cõi đất phương Nam, ngoài hạt giống và công cụ sản xuất, còn mang theo hình bóng tổ tiên, kinh nghiệm sống và giá trị văn hóa của bản quán, trong đó có hình thức diễn đạt ý tưởng, tâm tình bằng hình thức hoành phi, câu đối. Nội dung về hoành phi dành cho dịp khác. Ở đây, xin kể chuyện về câu đối.

* Câu đối ở mộ Trịnh Hoài Đức

Trong dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm (1998), mộ của Trịnh Hoài Đức ở KP.6, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa được trùng tu. Mộ phục hiện đẹp, nhưng chữ nghĩa ở mộ lu mờ, khó đọc. Phải nhờ đến nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng (có sự giúp sức của các chuyên gia về câu đối mộ cổ) mới phục hồi và giải mã được 2 cặp đối ở trụ mộ.

Câu đói tết
Câu đối tết

Cặp đối 1: Thể hiện triết lý đượm màu thiền về con người với tự nhiên:

Sơn thủy hữu tình thành quyến thuộc

Càn khôn vô vực thị gia hương

(Núi sông hữu tình thành người thân trong nhà

Trời, Đất không có ranh giới chính là quê nhà).

Cặp đối 2: Đạo lý về ứng xử ở đời mang tính giáo huấn:

Các nhân chính tẩu mã

Cử thế kiên hành chu

(Người sống ở đời chính là đang cưỡi ngựa

Việc xử thế ở đời như là kiên trì chèo thuyền).

Muốn hiểu thâm ý cặp đối 5 chữ này, phải thuộc lời giáo huấn của cổ nhân cũng qua câu đối:

Tâm như bình nguyên mục mã, dị phóng nan thu

Học như nghịch thủy hành chu, bất tiến tất thoái

(Lòng người như cưỡi ngựa trên bình nguyên, phóng đi thì dễ, ghìm giữ mới khó.

Việc học như chèo thuyền ngược nước, không tiến tới được, ắt sẽ tụt lùi).

Câu đối đã gần 200 năm tuổi nhưng ý nghĩa giáo huấn về cách sống vẫn còn tươi mới trong đời sống hiện nay.

* Câu đối ở nhà cổ

Trong các đợt sưu tầm văn hóa dân gian ở Đồng Nai, thường thấy ở các ngôi nhà cổ có treo cặp đối:

Hoành phi, liễn đối, đại tự ở nhà ông Nguyễn Văn Hảo (xã Thạnh Phú)
Hoành phi, liễn đối, đại tự ở nhà ông Nguyễn Văn Hảo (xã Thạnh Phú)

Tổ công phụ đức thiên niên thạnh

Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh

(Công đức của tổ tiên, cha mẹ: Ngàn năm thạnh vượng

Sự hiếu thảo, hiền hòa của con cháu: Muôn đởi hiển vinh).

Nguồn gốc cặp đối này ở đâu ra? Câu hỏi không lời đáp. Các bô lão chỉ biết rằng của ông bà xưa lưu truyền, quý lắm; thời kháng chiến bị giặc đốt nhà, gia chủ chạy giặc mang theo như vật gia bảo, có lúc bị thất lạc, khi hồi gia, chữ nghĩa còn trong đầu, tái hiện. Đến khi thăm di tích nhà ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An và một số gia đình ở tỉnh Quảng Bình, thấy có treo câu đối này, đem chuyện thuật lại, các cụ bô lão mừng lắm, càng quý vì biết rằng đó là tài sản ông bà mình mang theo từ thời khai hoang mở cõi.

Nội dung câu đối như là nghị quyết của gia đình về giá trị văn hóa và đạo lý, không thấy đề cao tiền tài, của cải. Cũng có câu đối có nói về tiền tài nhưng nội dung đề cao vẫn là văn hóa, đạo lý:

Tiền tài như phấn thổ

Nhơn nghĩa tợ thiên kim

(Tiền của như là bụi đất

Nhơn nghĩa như là nghìn vàng).

Vậy, những ai trọng đạo lý, chuộng câu đối, có thể treo câu đối nêu trên trong nhà, cổ truyền nhưng không cũ.

* Câu đối ở cổng Văn miếu Trấn Biên

Văn miếu Trấn Biên được phục dựng, khánh thành và đưa vào vận hành năm 2000. Năm sau đó, dựng cổng Văn miếu Trấn Biên với họa tiết, trang trí bằng hoa văn gốm Biên Hòa, tỉnh phát động thi để xét chọn câu đối khắc ghi ở trụ cổng. Hơn 1 năm, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 7 cặp đối dự thi, không cặp nào đạt yêu cầu. May sao, có cặp đối của một thành viên Ban tổ chức (không được dự thi) rụt rè trình lên, Ban tổ chức (lúc đó đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Hiếu Trung là Trưởng ban tổ chức) xem qua, duyệt ngay và cho khắc ghi:

Nguyên khí thiên niên thịnh

Hiền tài vạn đại vinh

Cặp đối này không phải dịch nghĩa cũng hiểu. Nếu tinh ý, sẽ thấy tác giả khôn khéo lấy ý trong câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” ghép duyên với vế đối trong gia đình “...Thiên niên thịnh... Vạn đại vinh”.  May quá, cặp đối vừa mới vừa quen, cũng rõ lý hợp tình.

* Cặp đối ở Đền liệt sĩ nghĩa trang tỉnh

Ở Đền thờ liệt sĩ trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cũng vậy. Năm 2006, đền liệt sĩ được xây dựng, nội thất gồm bàn thờ Bác Hồ và các bàn thờ liệt sĩ được bài trí đơn giản mà trang trọng, chỉ thiếu chữ nghĩa cho hợp với tục cổ truyền. Một cuộc thi sáng tác câu đối cho Đền thờ liệt sĩ tỉnh được tổ chức, nhưng ít có tác phẩm dự thi. Cuối cùng, cũng một thành viên Ban tổ chức cuộc thi dâng tặng cặp đối khắc ghi ở bàn thờ Bác Hồ:

Anh linh phù Tổ quốc

Thần khí tráng sơn hà

Cặp đối âm Hán chữ Việt ai đọc cũng hiểu, không cần phải phiên dịch.

* Ở thời đương đại

Vậy, thời đương đại, có câu đối phù hợp với những nhân tố mới không? Cũng có. Ví dụ, ngành bất động sản có thể dùng câu đối về đất đai:

Thổ năng sinh bạch ngọc

Địa khả xuất hoàng kim

(Đất có thể sinh ngọc trắng

Đất cũng có thể tạo ra vàng ròng)

Giới doanh nhân, doanh nghiệp phù hợp với câu đối mới:

Doanh nghiệp phát tài: Đa, Cát, Lợi

Quốc gia hưng thịnh: Phú, Lạc, Cường.

(Doanh nghiệp giàu lên: Nhiều, Tốt, Lợi

Quốc gia hưng thịnh: Giàu có, Vui vẻ, Hùng mạnh).

Vậy, năm mới, có câu đối nào dành cho báo chí? Khó đây! Người viết bài này mạo muội khởi ý vài câu dành cho làng báo. Đối với tờ báo, chức năng quan trọng nhất là thông tin thời sự kịp thời và kết tinh giá trị lâu dài:

Thời sự năng cập nhật

Tinh hoa khả trường xuân.

(Thời sự thường xuyên cập nhật

Tinh hoa kết nối dài lâu).

Đối với người làm báo, việc rèn luyện tài năng, nghề nghiệp là trọng; tấm lòng, đạo đức phải sáng như sao khuê:

Tài nghệ như lưu thủy

Tâm đức thị minh khuê.

(Tài năng, nghề nghiệp thông suốt như nước chảy

Tấm lòng, đạo đức phải trong sáng như sao khuê).

Còn bạn đọc thì sao? Bạn đọc cũng là tác nhân quan trọng của báo chí, nên có vế đối: Độc giả đọc thật, không tin giả (Bạn đọc đọc thật, không tin điều giả sẽ không còn tin giả).

Chỉ được một vế như thế (câu đối vang lên bỗng tắt nửa chừng). Vế sau, bí lối, nhờ độc giả tiếp sức. Ai có vế đối hay, xin cùng chia sẻ.                       

  ONG MẬT

Tin xem nhiều