Báo Đồng Nai điện tử
En

50 năm Hiệp định Paris: Mốc son lịch sử chói lọi

03:01, 19/01/2023

Cách đây 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết giữa 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại, buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Cách đây 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết giữa 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại, buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Paris (Pháp) từ ngày 26-2 đến 2-3-1973. Ảnh: VĂN LƯỢNG/TTXVN
Quang cảnh Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Paris (Pháp) từ ngày 26-2 đến 2-3-1973. Ảnh: VĂN LƯỢNG/TTXVN

Hội nghị Paris diễn ra từ ngày 13-5-1968 đến 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber thủ đô Paris nước Pháp, kéo dài ròng rã 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, 500 cuộc họp báo và xấp xỉ 1 ngàn lần trả lời phỏng vấn. Lịch sử ngoại giao Việt Nam và thế giới thế kỷ XX đã có nhiều cuộc đàm phán quan trọng, nhưng với Hội nghị Paris thì tầm vóc và mức độ tác động đã vượt ra khỏi một cuộc đàm phán thông thường.

Việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc chiến tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; là thành quả cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta suốt 18 năm trước đó, đã đánh bại liên tiếp 4 chiến lược chiến tranh của Mỹ: chiến tranh một phía, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và “Việt Nam hóa” chiến tranh. Đây là một cuộc đấu trí lâu dài nhất trong lịch sử ngành ngoại giao giữa nền ngoại giao Việt Nam non trẻ với nền ngoại giao Mỹ lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh: Văn Lượng/TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh: Văn Lượng/TTXVN

Đến cuối năm 1967, chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ trên chiến trường Nam Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm, với 120 vạn quân trong đó có hơn 50 vạn lính Mỹ nhưng vẫn thất bại thảm hại với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Xuân Mậu Thân 1968. Cuộc tổng tiến công đã đánh thẳng vào các thành thị và trung tâm đầu não chỉ huy cuộc chiến tranh của Mỹ - ngụy, gây cho chúng những tổn thất nặng nề về người và phương tiện chiến tranh. Dư luận Mỹ cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội Mỹ đứng trước nguy cơ bị thua trong một cuộc chiến tranh, ý chí xâm lược của Mỹ đã bị lung lay.

Trong bài phát biểu trên đài truyền hình Mỹ ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson thừa nhận, ông đã ra lệnh chấm dứt mọi cuộc tiến công chống miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, cam kết “sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường xuống thang” và không ra tranh cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong tình thế có lợi cho ta, một đòn tiến công ngoại giao mới, ta chấp nhận đàm phán với Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp)
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp)

Hội nghị Paris giai đoạn 6 tháng đầu chỉ có 2 bên. Bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ; phía Mỹ có Thứ trưởng ngoại giao Averell Herriman, Trưởng đoàn và cố vấn Henry Kissinger. Sau đó, mở rộng thành hội nghị 4 bên, ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, có đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn và đoàn Việt Nam Cộng hòa do Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm làm Trưởng đoàn.

Ngày 25-1-1969, hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: Đọ sức trên mặt trận ngoại giao đồng thời với đọ sức trên chiến trường, với Việt Nam là tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Phía ta và đối phương đến hội nghị với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Phía Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn; nghĩa là tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam.

Giai đoạn 1968-1972, các phiên đàm phán thường rơi vào bế tắc do tình trạng giằng co trên chiến trường và phía Mỹ không chịu đi vào đàm phán thực chất đối với việc rút quân Mỹ. Cùng với những phiên họp công khai, một kênh đàm phán bí mật cấp cao được mở ra từ ngày 21-2-1970 là các cuộc gặp trực tiếp giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với Trợ lý an ninh Tổng thống Mỹ Henry Kissinger, thực chất đây là những cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngày 8-10-1972, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trao cho đối phương bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 20-10-1972, 2 bên đạt được thỏa thuận, dự định ký hiệp định vào ngày 31-10-1972. Với thỏa thuận này, Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra là Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng đến ngày 22-10-1972, phía Mỹ lật lọng, không giữ lời hứa, viện những lý do không chính đáng để thay đổi những điều thuộc nội dung hiệp định và thời gian đã thỏa thuận.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William Harriman ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp)
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William Harriman ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp)

Đến giữa tháng 12-1972, Mỹ ngừng đàm phán và mở cuộc tấn công 12 ngày đêm từ ngày 18-12-1972 bằng máy bay B52 vào Hà Nội với mật danh Linebacker-II. Cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ thất bại, kết thúc bằng chiến thắng “Ðiện Biên Phủ trên không” của quân và dân miền Bắc. Sau thất bại này, Mỹ chấp nhận nối lại đàm phán vào sáng 8-1-1973. Sự kiện này chúng ta nhớ lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần làm việc với Quân chủng Phòng không không quân cuối năm 1967, như một lời tiên tri: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Ngày 13-1-1973, phiên họp cuối cùng của quá trình đàm phán. Ngày 23-1-1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Trợ lý an ninh Henry Kisinger ký tắt bản hiệp định. Sáng 27-1-1973, lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris được tiến hành. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William P.Rogers, Tổng trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm đã ký vào hiệp định.

Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi cực kỳ to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi hiệp định khó khăn hơn nhiều, do phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách phá hoại.

Tháng 6-1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương (khóa III), Ðảng ta nhận định tình hình miền Nam có thể phát triển theo 2 khả năng: Một là, ta từng bước buộc địch phải thi hành hiệp định. Hai là, xung đột quân sự ngày càng tăng và mở rộng, ta phải tiếp tục chiến tranh cách mạng một thời gian nữa để đánh bại Mỹ - ngụy, giành thắng lợi hoàn toàn. Thực tế chiến trường diễn ra theo khả năng thứ 2.

Tháng 10-1974, Bộ Chính trị quyết định: “Ngay từ giờ phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, thắng gọn và thắng triệt để trong 2 năm 1975, 1976”.

Sau đó, với cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

50 năm đã qua nhưng tính thời sự, những kinh nghiệm lịch sử, bài học quý giá của Hội nghị Paris vẫn còn nguyên giá trị, được nhiều người quan tâm, giới học giả tìm tòi, nghiên cứu. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu, tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường thì Hiệp định Paris càng có ý nghĩa trong quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong các quan hệ quốc tế.

Phan Sĩ Anh

 

 

Tin xem nhiều