Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ môi trường bằng những việc làm ý nghĩa, đẩy lùi thông tin xấu, độc

08:19, 17/04/2024

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều người dân, doanh nghiệp đã bảo vệ môi trường thông qua việc tuân thủ các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Người dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vui mừng vì được cung cấp nước ngọt sinh hoạt. Ảnh: TTXVN
Người dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vui mừng vì được cung cấp nước ngọt sinh hoạt. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, các thế lực thù địch lại lợi dụng việc “bảo vệ môi trường”, núp bóng “nhà hoạt động môi trường” để ngày ngày lên mạng xã hội đăng tải những thông tin xấu, độc, tuyên truyền xuyên tạc chống phá cách mạng. Những hoạt động của các thế lực thù địch mang động cơ xấu, có yếu tố phá hoại về chính trị, chứ không mang ý nghĩa về bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên nào cả.

* Thế lực thù địch lợi dụng vấn đề môi trường để tuyên truyền chống chế độ

Những ngày gần đây, thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt làm một số địa phương xảy ra tình trạng hạn mặn, các thế lực thù địch đã nhanh chóng thông tin tình hình và cài cắm những thông tin xấu, độc, xuyên tạc cho rằng “Đảng, Nhà nước thờ ơ, không hành động, không lo cho dân…”; từ đó không ngừng công kích Đảng và chế độ ta.

Đây không phải lần đầu các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề xảy ra liên quan đến môi trường như: lũ lụt, sạt lở, thiếu nước… để thông tin những vấn đề không chính xác, chưa được kiểm chứng, không khách quan; hoặc “bẻ lái”, thông tin phiến diện theo hướng tiêu cực để gây kích động dư luận xã hội. Thậm chí, các đối tượng thù địch còn nhân danh “nhà hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu” để thực hiện các thủ đoạn chống phá cách mạng thông qua việc lập các hội, nhóm trái phép, muốn can thiệp vào công việc của cơ quan chức năng. Do đó, các tầng lớp nhân dân cần đề cao cảnh giác, tránh rơi vào bẫy phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch.

Anh Nguyễn Nhật Tuấn, người sáng lập Nhóm Biên Hòa xanh, cho biết: Ra đời từ tháng 6-2023, Nhóm Biên Hòa xanh hiện có 63 thành viên độ tuổi từ 18-25, với nhiều công việc, điều kiện sống khác nhau, nhưng đều có chung nhiệt huyết cống hiến sức trẻ, không ngại khó, không ngại khổ trong thực hiện các công việc ý nghĩa, giữ gìn, bảo vệ môi trường như: dọn rác ở cống thoát nước, mương, suối… có mức độ ô nhiễm cao.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn lợi dụng những yếu kém, thiếu sót trong cấp phép, quản lý các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gây ô nhiễm môi trường để tuyên truyền kích động người dân chống chế độ. Điển hình như với danh nghĩa vì môi trường, kiện Công ty Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung, các đối tượng thù địch kích động tổ chức các cuộc biểu tình gây rối loạn an ninh trật tự, ách tắc giao thông ở Nghệ An và Hà Tĩnh vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-2017.

* An ninh môi trường - một trong những yếu tố an ninh phi truyền thống

An ninh của một quốc gia bị ảnh hưởng không chỉ đến từ an ninh truyền thống khi có kẻ thù xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, mà còn là những yếu tố về mất an ninh phi truyền thống như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh hoành hành, khủng hoảng kinh tế… Trong đó, trên lĩnh vực môi trường, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người dân, sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia trên thế giới và trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, khí hậu đã thay đổi, trái đất nóng lên, nước biển dâng, thời tiết cực đoan khiến đất đai nhiều nơi bị hoang hóa, tính đa dạng sinh học giảm, khô hạn, lũ lụt… Tình trạng khô, hạn, ngập mặn hàng triệu hécta đất nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam của nước ta xảy ra vào năm 2016 là một điển hình về tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng đối với kinh tế - xã hội. Hệ quả của những tác động môi trường này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như đời sống người dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của đất nước.

* Đảng và Nhà nước lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường để phát triển đất nước bền vững, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện rất rõ trong nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng. Đáng chú ý, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đó là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường…

Ở Đồng Nai, từ hơn 20 năm trước, tỉnh đã đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ môi trường sống, phát triển bền vững…

Nhóm Biên Hòa xanh ra quân dọn dẹp rác thải ở rạch Bàu Sấu (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa). Ảnh: NVCC
Nhóm Biên Hòa xanh ra quân dọn dẹp rác thải ở rạch Bàu Sấu (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa). Ảnh: NVCC

Trước tình hình hạn mặn xâm nhập ở các tỉnh phía Nam, ngày 8-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Công điện nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài. Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ chuyên ngành, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân (người dân ở một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng vẫn được bảo đảm nước sinh hoạt thông qua các biện pháp tăng cường cấp nước của chính quyền).

Do đó, việc các đối tượng thù địch thông tin phiến diện tình hình, xuyên tạc thông tin theo hướng “chính quyền không chăm lo cho dân” là hoàn toàn sai trái và vô cùng thâm hiểm.

Theo cơ quan chức năng, từ nay đến giữa tháng 5-2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn, nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Thông tin và truyền thông và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15-1-2024, số 19/CĐ-TTg ngày  8-3-2024 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1-4-2024.           

Lâm Viên

Tin xem nhiều