Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể chấp nhận thái độ vô ơn, đi ngược lại truyền thống dân tộc

Lâm Viên
08:08, 24/04/2024

Những ngày gần đây, Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1-5-1904 - 1-5-2024). Các thế lực thù địch cũng nhân sự kiện chính trị này để thông tin xuyên tạc, kích động trong nhân dân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại phần mộ Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 17-4 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Theo đó, trên một trang mạng xã hội gần đây đăng video clip xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú; phủ nhận công lao, đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Video clip có hơn 20,2 ngàn lượt xem sau 6 ngày đăng tải.

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, nổi bật có Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 16-4. Tiếp đó, vào sáng 17-4, tại tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Buổi lễ được diễn ra trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo nước ngoài, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú cùng các tầng lớp Nhân dân.

Có thể nói, trong suốt lịch sử gần 100 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, những đóng góp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - về chủ trương, đường lối cách mạng cơ bản trong những ngày đầu là những đóng góp to lớn. Tổng Bí thư Trần Phú còn là tấm gương sáng ngời về lòng quả cảm, về lòng trung thành, yêu nước vô hạn, một khí tiết kiên trung, bất khuất đến hơi thở cuối cùng trước sự tra tấn ác liệt của nhà tù thực dân.

Người chiến sĩ cộng sản ấy đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng những đóng góp, công lao của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng thì mãi được sử sách khắc ghi, được các thế hệ mai sau tưởng nhớ, tôn vinh.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tiến sĩ NGUYỄN HỒNG ÂN khi triển khai chuyên đề trực tuyến đã nhấn mạnh: “Xây dựng con người Đồng Nai trong thời kỳ mới phát triển hội nhập với các giá trị chuẩn mực phù hợp với thế giới quan khoa học, có nhân cách lối sống đẹp, với đức tính cơ bản là: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đạo đức, thân thiện môi trường; tăng cường giáo dục về tri thức nhân cách, đạo đức, thể chất, kỹ năng về xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên; xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp nhân văn, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái phi văn hóa, cái phản văn hóa, bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ…”.

Uống nước nhớ nguồn - bài học làm người phải khắc ghi

Việc Đảng, Nhà nước và các tầng lớp Nhân dân tổ chức các hoạt động ý nghĩa, trang trọng để tri ân Tổng Bí thư Trần Phú nhằm tôn vinh, tri ân công lao, những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…

Các hoạt động kỷ niệm này là việc làm phù hợp với truyền thống đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Bài học vỡ lòng “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ trong mỗi gia đình lan tỏa ra ngoài xã hội, là nguyên tắc, bài học làm người cơ bản mà ai ai cũng phải có.

Vậy mà, các thế lực thù địch đem những giá trị vật chất để cân đo đong đếm, kích động một bộ phận người dân, cho rằng các hoạt động kỷ niệm đều “vô bổ, lãng phí, không thiết thực và không ý nghĩa đối với người dân”. Những luận điệu xuyên tạc được các thế lực thù địch nhai đi nhai lại, tự cho đó là “lời công luận”, “ý kiến của đại đa số người dân”… nhưng thực chất đều là những luận điệu của các thế lực thù địch, đi ngược lại đạo lý làm người cơ bản, truyền thống đạo lý của dân tộc.

Rõ ràng, các thế lực thù địch đang cổ súy trong một bộ phận người nghe, nhất là giới trẻ, thái độ sống vô ơn bạc nghĩa, khuyến khích lối sống thực dụng, chạy theo các giá trị vật chất một cách mù quáng… Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, muốn thế hệ trẻ quay lưng với các bậc cha ông, rời xa nguồn cội và dần dần sẽ mất gốc rễ là bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, chúng sẽ dễ dàng thực hiện những ý định chống phá nước ta.

Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Để thể hiện sự tri ân và tưởng nhớ đối với các thế hệ cha ông đi trước nói chung và Tổng Bí thư Trần Phú nói riêng, mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, cần phải đấu tranh, phản bác mạnh mẽ với những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú, cũng như những thông tin chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời, củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua học tập, lao động và sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Bàn về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ngày 3-4, tại buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân khi triển khai Chuyên đề Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững đã nhấn mạnh: “Đến năm 2025, phấn đấu 95% thanh thiếu niên trong các trường học trên địa bàn tỉnh hàng năm được trải nghiệm, giáo dục truyền thống, tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa, các thiết chế văn hóa, các di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh, các di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Đến năm 2030, phấn đấu chỉ tiêu này là 100%. Hiện nay, các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh, đặc biệt là các di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh như: Di tích Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U3, Chiến thắng La Ngà ở xã La Ngà (huyện Định Quán)… là những di tích thường xuyên thu hút đông đảo thanh thiếu niên, đặc biệt là các em học sinh đến sinh hoạt truyền thống, ôn lại lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là lịch sử cách mạng của địa phương”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều