Báo Đồng Nai điện tử
En

Phê phán mọi luận điệu gây chia rẽ tình đoàn kết dân tộc

Lâm Viên
08:41, 26/04/2024

Cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam chính là lòng yêu nước thương nòi luôn chảy trong huyết quản của mỗi người, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Ấy vậy mà với âm mưu chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch đã tung các thông tin mang ý đồ chia rẽ, gây mâu thuẫn nhằm phá hoại tình cảm Bắc - Nam, tình đoàn kết dân tộc.

Nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Thống Nhất) chụp ảnh lưu niệm bên một hiện vật chiến tranh. Ảnh: L.Viên
Nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Thống Nhất) chụp ảnh lưu niệm bên một hiện vật chiến tranh. Ảnh: L.Viên

Càng gần đến dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024), các thông tin xấu độc mang hàm ý chia rẽ, kích động mâu thuẫn lại rộ lên.

Lòng yêu nước nồng nàn - cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam

Trước cuộc đối đầu với quân đế quốc xâm lược có tiềm lực kinh tế - quân sự hùng mạnh nhất thế giới, Việt Nam chỉ là một đất nước không rộng, người không đông, kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, vũ khí chiến đấu thô sơ. Thế nhưng, với ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, quân và dân ta đã đoàn kết, quy tụ một lòng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

20 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, trải qua 5 đời tổng thống, Mỹ đã đổ rất nhiều tiền của, nhân lực, vũ khí hiện đại để thực hiện 4 chiến lược chiến tranh ở miền Nam, 2 cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, gần 8 triệu tấn bom đạn cùng chất hóa học rải xuống mảnh đất quê hương. Nhiều cuộc thảm sát, “tìm diệt” kinh hoàng, cùng các đòn tra tấn, bắt bớ, kiềm kẹp dã man… vẫn không khuất phục được ý chí kiên cường, sắt son của mỗi người dân cùng toàn dân tộc.

Vậy cội nguồn của chiến thắng vĩ đại ấy là gì nếu không phải là lòng yêu nước nồng nàn? Tất cả nhân dân khắp các vùng miền, không phân biệt già - trẻ, gái - trai, dân tộc - giai cấp… đều tham gia vào cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc để có thể làm nên thắng lợi vĩ đại trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Mỗi người dân Việt Nam đều là con cháu Lạc Hồng, cùng gọi nhau là đồng bào (cùng tổ tiên, nguồn cội) để cư xử và sẻ chia với nhau như những người ruột thịt.

Thắt chặt tình dân tộc - nghĩa đồng bào

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nếu miền Nam là thành đồng vững chắc của cả nước thì miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam. Quân dân miền Bắc với tinh thần “Một người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho tiền tuyến”… đã kịp thời chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam đến ngày thắng lợi hoàn hoàn.

Con đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh đã chứng kiến biết bao đợt hành quân tiếp viện từ miền Bắc vào miền Nam qua vĩ tuyến 17. Cựu chiến binh - nhà báo Đỗ Trung Tiến, nguyên Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, thuộc thế hệ “Thanh niên 3 sẵn sàng" ngày ấy đã khắc ghi nhiều ký ức xúc động và rất đỗi tự hào về những ngày tháng gian khổ vượt Trường Sơn vào chiến trường Đông Nam Bộ trong cuốn Những năm tháng không quên (Tập bút ký về đề tài chiến tranh cách mạng).

Tình dân tộc - nghĩa đồng bào thắt chặt nên rất nhiều lớp thanh niên miền Bắc đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến trường miền Nam chiến đấu, có biết bao người đã để lại một phần xương thịt, thậm chí là nằm lại mãi mãi nơi chiến trường miền Nam. Dẫu vậy, mỗi tin quân dân miền Nam thắng trận luôn làm nức lòng nhân dân cả nước.

Một clip của các thế lực thù địch thông tin sai trái. Ảnh cắt từ clip
Một clip của các thế lực thù địch thông tin sai trái. Ảnh cắt từ clip

Trong cuốn Sài Gòn từ Hiệp định Pari đến mùa xuân 1975 (Hỏi và đáp) của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nêu một vài con số miền Bắc chi viện cho chiến trường: “Hơn hai triệu rưỡi lượt người vào ra, gồm 2 triệu chiến sĩ và hàng chục cán bộ dân, chính, đảng, kỹ thuật. Riêng Chiến dịch Hồ Chí Minh có 41 vạn chiến sĩ. Từ năm 1958-1964 chuyển được 3.429 tấn vật chất. Năm 1965-1975 chuyển được 666.143 tấn vật chất (gồm 15,5 vạn tấn vũ khí, 32,3 vạn tấn lương thực), cho Trị Thiên 24,4 vạn tấn, Tây Nguyên 13 vạn, Khu 5 12 vạn, Nam Bộ 18 vạn… Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 đã huy động 3.400 ô tô các loại, 31 tàu biển, 310 toa xe lửa và hàng trăm lần chuyến máy bay vận tải đưa người và vũ khí vào Nam Bộ; gần 200 ngàn quân; 90.000 tấn hàng…”.

Mọi luận điệu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân hoàn toàn lạc lõng

Trong 49 năm kể từ Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giữ gìn thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Nhà nước, các tầng lớp nhân dân trong cả nước đã chung tay góp sức bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển theo mô hình xã hội chủ nghĩa; qua đó đạt được nhiều thành quả tích cực, ấn tượng. Giữ gìn truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, nhân dân khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam, miền xuôi cũng như miền ngược luôn sống chan hòa, đoàn kết và chia sẻ với nhau, nhất là những khi hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh, đời sống khó khăn…

Ngay tại Đồng Nai, địa phương có 1,2 triệu lao động thì trong đó có hàng trăm ngàn lao động ở khắp các vùng miền trong cả nước, đủ các dân tộc anh em, nhiều tôn giáo, đều tìm thấy ở vùng đất lành này những cơ hội để lập thân lập nghiệp. Chính vì sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự đùm bọc, sẻ chia của người dân địa phương, nhiều người dân xa xứ gắn bó với Đồng Nai nói riêng và miền Nam nói chung trong suốt nhiều năm, xem đây như quê hương thứ hai của chính mình. Đặc biệt, tại Việt Nam ngày nay, các gia đình nhiều thế hệ có thể có các thành viên là dâu, rể ở các vùng miền Bắc - Trung - Nam, tôn giáo khác nhau, dân tộc khác nhau, luôn sống hòa hợp và tôn trọng phong tục tập quán của nhau. Đó chính là thực tiễn khách quan mà bất cứ người Việt Nam nào cũng thừa nhận.

Do đó, mọi luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân hoàn toàn lạc lõng. Chỉ những kẻ luôn mang trong mình sự thù hằn cá nhân, không thoát ra được những ý nghĩ ấu trĩ, tăm tối mới không nhìn thấu, không chấp nhận sự thật khách quan này.

Tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Càng trân quý giá trị của độc lập - tự do và hạnh phúc hôm nay, càng yêu hơn tình dân tộc, nghĩa đồng bào và càng phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục truyền thống hào hùng, lịch sử vàng son của dân tộc. Theo đó, những ngày này, cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân đều hướng về các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với niềm tự hào dân tộc, tri ân các thế hệ cha ông. Nhiều trường học tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa như: nghe các nhân chứng lịch sử kể chuyện chuyên đề; về nguồn, thăm viếng các di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Đó chính là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ măng non của đất nước, là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Cùng với đồng nghiệp đưa 360 học sinh tham quan Bảo tàng Đồng Nai trong những ngày cuối tháng tư này, thầy Lê Hồng Diệp, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Tôi cho rằng hoạt động ngoại khóa thực tế này rất ý nghĩa, mang tính giáo dục cao và học sinh rất hào hứng. Tận mặt thấy những hiện vật chiến tranh, nghe thuyết minh, các em sẽ hiểu rõ hơn sự hy sinh của cha ông đã đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước, từ đó giúp các em ý thức rõ hơn trách nhiệm giữ gìn thành quả của cha ông, phát huy truyền thống dân tộc”.

Lâm Viên

Từ khóa:

dân tộc

Tin xem nhiều