Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: Chú trọng vai trò người đứng đầu

08:06, 08/06/2012

Để thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”,  Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Để thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”,  Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Kế hoạch nêu rõ: Mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, từ cán bộ lãnh đạo quản lý đến từng đảng viên, từ đảng viên đương chức đến đảng viên đã nghỉ hưu phải thực sự tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, có dũng khí tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa, không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm. Kiểm điểm phải thực sự cầu thị, khách quan với ý thức xây dựng.

* Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải tự kiểm điểm

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc, cấp trên phải gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Qua việc kiểm điểm này phải có kết luận, làm rõ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm; tăng cường đoàn kết nội bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Tỉnh ủy tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho khối dân vận của tỉnh.  Ảnh: P.Hằng
Tỉnh ủy tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho khối dân vận của tỉnh. Ảnh: P.Hằng

Theo kế hoạch, tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trước; Bí thư Tỉnh ủy, các ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sau. Ở cấp huyện và tương đương, các cấp ủy trực thuộc tỉnh, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trước; Bí thư các cấp ủy trực thuộc tỉnh, Bí thư ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, ủy viên Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc tỉnh, ủy viên ban cán sự Đảng, ủy viên Đảng đoàn, cấp ủy viên kiểm điểm, tự phê bình sau. Ở cấp cơ sở, tập thể Đảng ủy, chi ủy kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trước; Bí thư, đảng ủy viên, chi ủy viên, đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sau. Các đảng viên khác và đảng viên đã nghỉ hưu, hiện nay sinh hoạt ở chi bộ nào thì kiểm điểm ở chi bộ đó.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên được tập trung vào các nội dung: về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; việc thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, từng đảng viên và người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm; những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí, thực hiện chính sách cán bộ; về những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”...

* Phát huy vai trò người đứng đầu

 Cũng theo kế hoạch của Tỉnh ủy, kết quả kiểm điểm lần này là căn cứ để xem xét, sàng lọc và xây dựng đội ngũ cán bộ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với quy hoạch cấp ủy và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại đối với tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh và cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, nếu xét thấy kiểm điểm không đạt yêu cầu.

Tương tự, Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc tỉnh, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng phải xem xét, chỉ đạo kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại đối với tổ chức và cá nhân trực thuộc cấp mình nếu xét thấy kiểm điểm chưa đạt yêu cầu.

Đóng góp vào kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Tỉnh ủy, nhiều ý kiến cho rằng khi kiểm điểm phải khắc phục tư tưởng coi khuyết điểm chỉ là của người khác, đơn vị khác. Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó giám đốc Công ty Donavik đặt vấn đề, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc, gây bức xúc dư luận xã hội, vậy những người đứng đầu ở những nơi xảy ra các vụ việc đó đã tự giác đứng ra kiểm điểm, nhận trách nhiệm chưa?

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Triển khai kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, bản thân tôi sẽ nghiêm túc và gương mẫu thực hiện tự kiểm điểm theo tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, đánh giá đúng mức về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, nhất là chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém của bản thân, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi để làm gương trong toàn Đảng bộ thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Ông Nguyễn Việt Trân, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng công ty cao su Đồng Nai thẳng thắn chỉ rõ, việc tự phê bình và phê bình thời gian qua còn dĩ hòa vi quý, chưa chí công vô tư nên chưa thẳng thắn tự phê bình và phê bình được.

Trong khi đó bà Phan Thị Diệu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, để củng cố lòng tin của nhân dân vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng thì phải xử lý nghiêm từ trên xuống dưới; cấp trên làm sai phải chịu trách nhiệm, đừng đổ hết tội cho cấp dưới.

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (không thường kỳ)  vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nêu rõ, là người chịu trách nhiệm trước hết và cao nhất trước Ban chấp hành Trung ương, trước Ban chấp hành Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đồng chí sẽ chủ động, tích cực cùng Ban thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong kế hoạch của Tỉnh ủy. Tăng cường kiểm tra, giám sát để những giải pháp mà Ban chấp hành thông qua thật sự đi vào thực tiễn, từ đó ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; khắc phục những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều