Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: Kiên quyết xử lý yếu kém

10:07, 01/07/2012

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết này với việc đánh giá rất sâu sắc những kết quả đạt được cùng những hạn chế, nguyên nhân yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh. Yêu cầu đặt ra là biện pháp “trị bệnh” ra sao để khắc phục được những yếu kém đó. 

 

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết này với việc đánh giá rất sâu sắc những kết quả đạt được cùng những hạn chế, nguyên nhân yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh. Yêu cầu đặt ra là biện pháp “trị bệnh” ra sao để khắc phục được những yếu kém đó. 

* Đã bắt được bệnh

 Kế hoạch 69 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 nêu rõ, giai đoạn 2001-2011, toàn Đảng bộ tỉnh có 3.757 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Như vậy, bình quân mỗi năm tỷ lệ đảng viên bị thi hành kỷ luật chiếm 0,6-1,65% trong tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh. Và trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật có 3.223 đảng viên (gần 86%) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Cán bộ, đảng viên góp ý Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trên địa bàn tỉnh.  Ảnh: P.Hằng
Cán bộ, đảng viên góp ý Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Hằng

Điều đáng suy nghĩ là số đảng viên bị thi hành kỷ luật tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hành chính, nhà nước (trong đó nhiều nhất là địa chính, chiếm hơn 67%; tiếp đến là xây dựng, tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải, quản lý hành chính, tư pháp, xét xử...). Bên cạnh đó, số đảng viên bị thi hành kỷ luật còn có ở lĩnh vực công tác Đảng, lực lượng vũ trang, sản xuất - kinh doanh.

Ngoài số đảng viên bị thi hành kỷ luật nói trên, 10 năm qua toàn Đảng bộ tỉnh còn có 106 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và 54 tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng; việc ra và thực hiện các quyết định của cấp trên và cấp mình; đoàn kết nội bộ...

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến yếu kém, vi phạm kỷ luật của tổ chức Đảng, đảng viên? Kế hoạch 69 của Tỉnh ủy chỉ rõ, đó là do mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhiều quy định chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương chậm được sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện. Động cơ phấn đấu vào Đảng của một số người có biểu hiện lệch lạc, xem việc vào Đảng là một hình thức để tiến thân. Tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh xây dựng trong nội bộ Đảng còn yếu, tính chiến đấu chưa cao; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại đụng chạm nên không nói thẳng, nói thật khuyết điểm cho nhau. Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cơ sở còn hạn chế nên chưa đủ sức giải quyết những vấn đề bức xúc khi xảy ra. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học tập, lười suy nghĩ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Có cấp ủy chưa quản lý đảng viên chặt chẽ, chưa thực sự là nơi lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Việc xử lý sai phạm còn nể nang, thiếu cương quyết, chưa đủ sức răn đe...

* Phải kiên quyết xử lý

Đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho rằng, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải suy xét, kiểm điểm lại mình trên từng lĩnh vực công tác. Người lãnh đạo, cấp càng cao càng phải gương mẫu. Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, bởi đây là phương châm, là sự tồn vong của Đảng.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Công Ngôn, muốn làm cho công tác xây dựng Đảng có hiệu quả điều quan trọng phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện. Chúng ta đã bắt được “bệnh”, kê được “thuốc”, chỉ còn cách “uống” sao cho có hiệu quả. Bên cạnh đó,  cần đặc biệt quan tâm đến công tác hậu kiểm điểm và phải có sự giám sát việc khắc phục các khuyết điểm, yếu kém trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, vấn đề quan trọng vẫn là phải tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên. Qua đây để chỉ rõ yếu kém, đề ra những giải pháp khắc phục, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, kiểm điểm không phải để thanh trừng lẫn nhau, nhưng cũng không được làm qua loa đại khái. Việc kiểm điểm đòi hỏi phải có sự gương mẫu của cấp trên với cấp dưới. Không phải cứ Đảng bộ nào, nơi nào có đông cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật là dở, là xấu mà nguy hại là việc “giấu bệnh”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Công Ngôn, trong thực tế ít ai có dũng cảm tự công khai nhận khuyết điểm của mình. Vì vậy rất cần có sự gợi ý của cấp trên để giúp người có khuyết điểm nhìn nhận, kiểm điểm mình. Trong công tác cán bộ phải thực hiện nghiêm túc việc lấy tín nhiệm của quần chúng và đồng nghiệp trong cơ quan đơn vị, nơi có cán bộ được bổ nhiệm.

Đồng chí Lê Đình Nghiệp, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh thì nhìn nhận rằng, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có hiệu quả, điều quan trọng là nói phải đi đôi với làm, kiên quyết xử lý những yếu kém. Đảng từ nhân dân mà ra, vì thế không được xa rời nhân dân, phải phát huy được tinh thần của quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng; có thể sử dụng Mặt trận, đoàn thể để tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến với Đảng, trên tinh thần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều