Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội làm rõ thêm những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực xây dựng

04:11, 14/11/2012

Tiếp tục Phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm những vấn đề "nóng" trong lĩnh vực xây dựng…

Tiếp tục Phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm những vấn đề về quản lý thị trường bất động sản; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu các nhà máy xi măng; an toàn đập thủy điện sông Tranh 2…

* Khẳng định sự an toàn của thủy điện sông Tranh 2

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề an toàn Thủy điện sông Tranh 2, Bộ trưởng cho biết: Thủy điện sông Tranh 2 tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng, từ khâu khảo sát, thiết kế đã có tư vấn độc lập của Nhật Bản kiểm tra khẳng định an toàn. Sau khi đập đưa vào sử dụng có vấn đề thấm nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã cùng Bộ Công Thương, chủ đầu tư, nhà tư vấn tập trung để xử lý; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập khác kiểm tra toàn diện và đã kết luận đập an toàn cả về chất lượng thi công.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn của Báo chí sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn tại hội trường.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn của Báo chí sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn tại hội trường.

Những trận động đất, rung chấn ở khu vực Bắc Trà My tuy đều nhỏ hơn mức 5,5 độ rích ter nhưng người dân lo lắng nên quan điểm của Chính phủ và Hội đồng ngiệm thu nhà nước là phải tập trung xử lý mọi vấn đề liên quan đến an toàn, coi đây là nhiệm vụ số 1, thực hiện yêu cầu an dân. Khi dân còn lo lắng sẽ không tích nước. Chính phủ cũng đã cho phép yêu cầu Viện Vật lý địa cầu, Bộ Khoa học Công nghệ mời các nhà tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới đánh giá toàn diện về động đất và địa chất khu vực Bắc Trà My. Hiện nay, các nhà địa chất của Nga đã đến sông Tranh, sắp tới là các nhà địa chất Ấn Độ, Nhật Bản, sẽ nghiên cứu, đánh giá toàn diện để khẳng định động đất khu vực này không thể vượt quá 5,5 độ rích ter. Đồng thời, tuyên tuyền để người dân yên tâm. Khi đó, mới cho tích nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thông tin thêm với Quốc hội: Chính phủ đã cử các đoàn công tác do các Phó Thủ tướng dẫn đầu khảo sát trực tiếp tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2. Mặc dù thông số kỹ thuật cho thấy hiện vẫn yên tâm nhưng vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, khẳng định tính an toàn của đập. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng phải tuyên bố rõ ràng về vấn đề này, bởi người dân không quan tâm đến các con số mà chỉ lo lắng việc có thể yên tâm ở lại hay phải dời đi chỗ khác? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định “bà con hoàn toàn yên tâm ở lại, không phải đi đâu hết!”, dù nước tràn có đến mức 161m cao trình, công trình cũng “gần như tuyệt đối an toàn”. Chỉ còn những yếu tố đặc biệt như nếu động đất cao hơn 5,5 độ rích ter cần phải nghiên cứu tiếp.

Về vấn đề động đất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện đã mời các nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu, rà soát tổng thể, nếu thấy rằng động đất cũng không có tác động lớn, mới cho tích nước. Còn việc dừng hay tiếp tục công trình sẽ được quyết định khi có kết luận nghiên cứu về động đất. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ làm rõ hơn về vấn đề này trong phần trả lời chất vấn ngày 14/12.

* Tái cấu trúc lại các doanh nghiệp của ngành xây dựng

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những tham mưu của Bộ Xây dựng góp phần tái cấu trúc nhanh nền kinh tế, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tái cấu trúc có 3 trụ cột, trong đó trụ cột về hạ tầng được đánh giá là một trong những yếu tố quyết định để tạo môi trường và các cơ sở vật chất phát triển kinh tế. Bộ Xây dựng đã cùng với các bộ, ngành hữu quan tham mưu những công trình hạ tầng quan trọng, trong đó có những công trình hạ tầng về giao thông, quản lý đô thị….

Phân tích những nguyên nhân của tình trạng đầu tư xây dựng dàn trải, Bộ trưởng cho biết hiện nay đang có 54 nghìn công trình đang thực hiện. Theo báo các các địa phương, để rà soát lại toàn bộ những công trình và tổng nguồn vốn phải điều chỉnh tăng lên là hơn 8 nghìn tỷ. Bộ trưởng đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng trong xây dựng, trong đó có nguyên nhân nhiều công trình chưa có vốn cũng bố trí đầu tư hoặc nguồn vốn chưa đủ nhưng cũng bố trí đầu tư để mong những năm sau tiếp tục có vốn chứ không căn cứ vào nguồn vốn cụ thể. Một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng, do chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, đầu tư quá nhiều công trình…

Báo cáo với Quốc hội về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ quản lý, Bộ trưởng Trình Đình Dũng cho biết, các công ty này cũng đang trong tình trạng khó khăn như tình trạng chung hiện nay. Bộ đang tập trung để xử lý các vấn đề, trước mắt sẽ rà soát lại tất cả các khoản nợ để phân loại khoản nợ nào có thể xử lý được, khoản nợ nào không thể xử lý được và khoản nợ nào cần phải có thời gian mới giải quyết được.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đánh giá chung của Quốc hội và Chính phủ, quản lý thị trường bất động sản là vấn đề lớn, bởi tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản tác động xấu tới nền kinh tế, gây ra ách tắc đối với sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và cả một số lĩnh vực khác. Tình trạng này tạo ra sự tồn đọng đối với các loại vật liệu xây dựng và một số loại vật liệu của các ngành công nghiệp, tạo nên khó khăn trong hàng loạt doanh nghiệp đầu tư trong xây dựng, cũng như doanh nghiệp vật liệu xây dựng; tác động tới hệ thống mạch máu ngân hàng và gây nợ xấu rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có nhiều giải pháp để làm ấm lên thị trường bất động sản. Trước hết là giải quyết cân đối cung cầu; tập trung rà soát tất cả các dự án bất động sản đang tồn đọng, tồn kho căn hộ, nhà, đất bỏ hoang… để quyết định cho làm tiếp, đình chỉ hay dừng thi công. Cùng với đó, cơ cấu lại thị trường một cách cân đối cung - cầu để có điều chỉnh cần thiết đối với quy hoạch, thiết kế các khu đô thị và các chủng loại thị trường nhà ở, nhà cho thuê, khu thương mại, khu công nghiệp, khu đô thị, khu chung cư…

Nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong quản lý ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng cần làm tốt hơn việc rà soát Luật xây dựng, các nghị định về quản lý xây dựng, chất lượng xây dựng để có chỉnh sửa theo hướng tăng cường quản lý công tác chuyên môn về xây dựng, đảm bảo từ thiết kế tới thi công, nghiệm thu, quyết định cho công trình đưa vào sử dụng; rà soát đảm bảo chất lượng nhà thầu, kiểm soát để đảm bảo thiết kế, thi công tốt hơn, công tác nghiệm thu chặt chẽ hơn…Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tiêu cực, tham nhũng, rút ruột công trình là một nguyên nhân lớn, nghiêm trọng không những làm chất lượng công trình kém mà còn làm hư hỏng đội ngũ cán bộ. Do đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm điểm sâu sắc.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều