Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận 4 dự án Luật

04:05, 29/05/2013

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 28-5, các đại biểu đã nghe Tờ trình và thảo luận 4 dự án Luật có liên quan đến nông nghiệp, thuế, phòng cháy chữa cháy và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 28-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;

Trước đó, sáng 28-5, các đại biểu cũng đã thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

* Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện

Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật nêu rõ sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Các quy định trong Pháp lệnh mang tính cụ thể trước mắt, chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định đáp ứng yêu cầu của thực tế trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong thời kỳ mới.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai , Quảng Ngãi, Phú Thọ thảo luận ở tổ
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Quảng Ngãi, Phú Thọ thảo luận ở tổ

Theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN-MT) - cơ quan thẩm tra dự án Luật - thì việc ban hành Luật còn nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban KHCN-MT cho rằng dự án vẫn còn có nhiều điều, khoản quy định chung chung.

Trên cơ sở tán thành với đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật là thực vật, Ủy ban KHCN-MT cho rằng để cách hiểu được thống nhất, Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm “thực vật” và khái niệm “tài nguyên thực vật”; đồng thời bổ sung giải thích khái niệm “thực vật” vào Điều 3 về giải thích từ ngữ.

* Bảo đảm tính cụ thể, minh bạch về thuế giá trị gia tăng

[links(left)]Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết phải ban hành Dự án Luật này.

Liên quan đến vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở, các đại biểu cho rằng việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đại biểu lo ngại việc giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Về quy định ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, các đại biểu đề nghị cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn, vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn. Mặt khác, chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý, áp dụng thuế giá trị gia tăng vì ở nước ta, thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng trong khoảng thời gian khá dài nhưng các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đáp ứng mục tiêu “tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế” đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.

Tuy nhiên, có đại biểu thì cho rằng, mỗi doanh nghiệp có trình độ, năng lực khác nhau, những doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng theo phương pháp khấu trừ thường khó khăn và phức tạp, tốn kém nhiều chi phí trong việc thực hiện thủ tục kê khai thuế, vì vậy cần có biện pháp thu thuế đơn giản với đối tượng này.

Về đối tượng không chịu thuế, các đại biểu cho rằng số lượng 25 nhóm đối tượng miễn thuế giá trị gia tăng như dự án Luật còn nhiều, chưa phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Bởi, việc ưu tiên càng nhiều đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng càng gây khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng, hoàn toàn không mang lại ưu đãi cho doanh nghiệp...

* Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Qua thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Một số đại biểu cho rằng, những nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật PCCC hiện hành là cần thiết nhưng chưa đủ, chưa bao quát hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Luật PCCC hiện hành nhằm bảo đảm luật khi ban hành đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình hình cháy nổ đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hiện nay.

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm phát biểu thảo luận ở tổ
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm phát biểu thảo luận ở tổ

Về trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong công tác PCCC, một số đại biểu cho rằng các hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao phải bắt buộc phải trang bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; khuyến khích các hộ khác trang bị các dụng cụ, phương tiện PCCC; không được sử dụng nhà ở trong khu dân cư làm kho chứa các vật tư, hàng hóa nguy hiểm dễ cháy, nổ; các trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết phục vụ công tác PCCC tại chỗ để người dân có cơ sở thực hiện đúng luật.

Nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC, nhất là đối với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC; bồi hoàn chi phí chữa cháy trong trường hợp do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ; thậm chí nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần có chế độ chính sách hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng, nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tham gia PCCC ở địa phương, cơ sở.

Cũng tại pghiên thảo lậun các đại biểu còn đề cập các vấn đề về kinh phí PCCC; thông tin trên bao bì đối với các sản phẩm dễ xảy ra cháy nổ; phòng cháy đối với nhà máy điện hạt nhân...

* Tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp, khi thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng, chỉ có sửa đổi, bổ sung quy đinh này mới tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc sửa đổi này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn ĐTNN chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần phải xem xét cụ thể đối với từng doanh nghiệp; không nên tạo thuận lợi cào bằng giữa các doanh nghiệp, mà phải ưu tiên những doanh nghiệp có vốn ĐTNN hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả trước. Đối với những doanh nghiệp hoạt động không đạt hiệu quả, cần phải xem xét cẩn thận và cân nhắc kỹ càng.

Theo dự thảo dự án luật, khoản 2 Điều 170 được điều chỉnh theo hướng sau, doanh nghiệp có vốn ĐTNN được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau: Đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Hoặc không đăng ký lại, trong trường hợp này, doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp và các quy định khác của Luật này, pháp luật có liên quan. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại Giấy phép đầu tư, doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung.

Thứ tư, ngày 29-5, Quốc hội làm việc ở hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều