Báo Đồng Nai điện tử
En

HĐND tỉnh giám sát 2 vấn đề "nóng"

10:08, 31/08/2016

Làm sao để đầu tư các cụm công nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp cho hiệu quả? Giải pháp nào để thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung khả thi?

Làm sao để đầu tư các cụm công nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp cho hiệu quả? Giải pháp nào để thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung khả thi? Đó là 2 nội dung trọng tâm được các đại biểu tham dự phiên họp thứ 2 của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào sáng 31-8 tập trung bàn bạc, thảo luận.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N.Thư
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N.Thư

Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy việc triển khai lấp đầy các cụm công nghiệp cũng như việc triển khai quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn gặp nhiều khó khăn, cần có những chính sách, giải pháp đồng bộ hơn để tháo gỡ.

* Ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp

Đến nay mới có 17/27 cụm công nghiệp được quy hoạch có đơn vị đầu tư hạ tầng và một số cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất góp phần tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho lao động nông thôn. Việc triển khai cụm công nghiệp chưa đạt so với quy hoạch được duyệt là do một số cụm công nghiệp thuộc vùng sâu, vùng xa hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém; quy hoạch cụm công nghiệp chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ; một số doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, cho biết từ khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết và UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ cho các cụm công nghiệp, các nhà đầu tư hạ tầng đua nhau đầu tư vào các cụm công nghiệp để hưởng chính sách hỗ trợ. Hiện đang có hiện tượng các nhà đầu tư hạ tầng đăng ký để đầu tư giữ đất ở cụm công nghiệp, nhưng không chịu đầu tư mà chủ yếu để sang, bán lại dự án. Sở Công thương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại để tham mưu UBND tỉnh xử lý những trường hợp này. Riêng những cụm công nghiệp hình thành trước quy hoạch, hoạt động sản xuất với hạ tầng không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Xây dựng tháo gỡ cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng và tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp có lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng hoàn thành cụm công nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: với những cụm công nghiệp có doanh nghiệp vào rồi, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập trung tâm quản lý cụm công nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp đóng góp xây dựng hạ tầng, trong đó làm đường, thoát nước, xử lý nước thải. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan cấp phép xây dựng và đất đai để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Song song đó, chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư có năng lực, không gây ô nhiễm môi trường. Ban Pháp chế HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát thủ tục hành chính liên quan cấp phép xây dựng và đất đai để có kiến nghị UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

* Kiên quyết dẹp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lậu

Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, toàn tỉnh có 102 cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động trong và ngoài quy hoạch. Trong đó, chỉ có khoảng 20% cơ sở giết mổ có phép đủ điều kiện vệ sinh thú y; khoảng 7% cơ sở giết mổ có phép đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có 14 cơ sở giết mổ tập trung hoạt động nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa hết công suất thiết kế gây lãng phí. Điều đáng nói, hiện trên địa bàn có đến 149 cơ sở giết mổ trái phép hoạt động, nhiều nhất là TP.Biên Hòa có 38 cơ sở và huyện Trảng Bom có 33 cơ sở. Hiện nay có đến 57% lượng thịt heo cung cấp hàng ngày ra thị trường chủ yếu là từ các cơ sở giết mổ ngoài quy hoạch, cơ sở giết mổ trái phép.

Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng đó là những vấn đề tỉnh cần quan tâm hơn nữa. Vì qua kiểm tra, giám sát cho thấy tình trạng kiểm soát giết mổ còn chưa chặt chẽ, tỷ lệ các cơ sở giết mổ đạt chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá thấp nên đề nghị HĐND tỉnh cần có nghị quyết chuyên đề về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm để trên cơ sở đó UBND tỉnh cùng các địa phương triển khai kế hoạch thực hiện. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, xử lý nghiêm các hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm không đúng quy định; tiếp tục xây dựng các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; quan tâm bố trí vốn để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: đường, điện ở các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Về thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiên quyết dẹp những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đạt tiêu chuẩn, giết mổ lậu; phải tính toán đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra tình trạng giết mổ lậu tràn lan. Riêng trên địa bàn TP.Biên Hòa, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và UBND TP.Biên Hòa tham mưu cho UBND tỉnh xem xét đưa một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh còn chưa được lấp đầy diện tích để tạo điều kiện cho người dân không phải di chuyển xa. Các cơ quan báo, đài của tỉnh cần tăng cường tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngọc Thư

 

Tin xem nhiều