Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người lính là bác sĩ

09:02, 20/02/2017

Là bác sĩ chuyên khoa I, có hơn 32 năm kinh nghiệm nhưng bác sĩ Trịnh Văn Phúc vẫn gắn bó với Phòng khám đa khoa xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), một vùng quê cách trung tâm huyện đến 40km.

Là bác sĩ chuyên khoa I, có hơn 32 năm kinh nghiệm nhưng bác sĩ Trịnh Văn Phúc vẫn gắn bó với Phòng khám đa khoa xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), một vùng quê cách trung tâm huyện đến 40km.

Bác sĩ Trịnh Văn Phúc, Trưởng phòng khám đa khoa xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) siêu âm cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trịnh Văn Phúc, Trưởng phòng khám đa khoa xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) siêu âm cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phúc kể, rất nhiều người hỏi vì sao lại gắn bó cuộc đời mình với nơi “rừng thiêng nước độc” lâu như thế? Cuộc sống có vất vả lắm không? Những lúc ấy vị bác sĩ đã bước sang tuổi 57, có gần 28 năm gắn bó với vùng đất Phú Lý lại trả lời hết sức bình thản rằng ông thấy bình thường, cũng có cái vất vả, thiệt thòi hơn nhưng không thấm vào đâu so với cực khổ, khốc liệt của chữa bệnh trong thời chiến mà ông đã từng trải qua.

* Gắn bó với “rừng thiêng nước độc”

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Hữu Tài cho biết, Phòng khám đa khoa xã Phú Lý có số lượng bệnh nhân khám rất đông, trung bình mỗi ngày có 65-70 bệnh; vào ngày thứ hai và thứ sáu lên đến 100 bệnh, nhưng chỉ có một mình bác sĩ Phúc khám nên áp lực công việc ở đây rất lớn. Việc tuyển bác sĩ về huyện làm việc đã khó, huống gì về làm việc ở phòng khám tận vùng sâu, vùng xa như Phú Lý lại càng khó. Chỉ có những bác sĩ chịu được gian khổ, hết lòng hết sức với bệnh nhân như bác sĩ Phúc mới có thể gắn bó lâu dài được.

Cái duyên đưa đẩy ông đến với nghề y cũng hết sức đặc biệt. Cách đây 38 năm, khi còn đóng quân ở Campuchia, ông rất đau lòng khi thường xuyên phải chứng kiến cảnh đồng đội bị thương nặng hoặc hy sinh vì thiếu bác sĩ, thiếu thuốc men chữa bệnh. Đến khi đơn vị cho về Cần Thơ học y sĩ quân y, ông đã nỗ lực học tập trung 3 năm. Đến năm 1985, học xong ông quay về chiến trường để tham gia cứu chữa cho đồng đội.

Khi ra quân, ông được phân công về làm việc tại Bệnh xá Lâm trường Vĩnh An, thuộc Sở Nông lâm Đồng Nai (nay là Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Thời gian đầu, nhiều cán bộ ở đây còn nói đùa rằng nhìn tướng tá thư sinh như ông thì sao làm việc nổi. Những lúc ấy ông chỉ cười trừ và tập trung làm việc. Năm 1989-1990, dịch sốt rét bùng phát, công nhân của lâm trường bị sốt rét rất nhiều, mỗi ngày có từ 30-40 ca bệnh, y sĩ Phúc phải làm việc liên tục bất kể ngày đêm. Nhờ có kinh nghiệm chữa sốt rét từ chiến trường nên hiệu quả điều trị khá tốt, ít có ca bệnh biến chứng nặng.

Ông học xong chương trình bác sĩ năm 2006 tại Đại học y dược TP.Hồ Chí Minh. Từ đó, bác sĩ Phúc được tín nhiệm và bén duyên với vùng đất Phú Lý đến tận ngày nay. Ông được cử đi học bác sĩ chuyên tu, rồi bác sĩ chuyên khoa I tại Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, sau đó lần lượt được chuyển về làm việc tại Trạm y tế xã và hiện nay là Trưởng phòng khám đa khoa xã Phú Lý, thuộc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu.

* Tận tụy với bệnh nhân

Tuy là phòng khám đa khoa nhưng với người dân xã Phú Lý, nơi đây chẳng khác gì bệnh viện. Hễ gặp tai nạn hay đau bệnh là người dân chạy thẳng ra đây, không chỉ vì phòng khám đã được xây dựng khang trang, có nhiều trang thiết bị mà còn vì họ tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ Phúc. Ông từng cấp cứu, cứu sống rất nhiều ca bệnh nặng do bị tai biến, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, tự tử, rắn cắn... Bà Trần Thị Thanh (ấp 2, xã Phú Lý) chia sẻ: “Bác sĩ Phúc khám chữa bệnh tận tình lắm, nói chuyện nhỏ nhẹ, giải thích chu đáo. Hồi trước, nhờ bác sĩ Phúc sơ cứu kịp thời mà chồng tôi thoát khỏi biến chứng của tai biến mạch máu não, giờ đã khỏe mạnh trở lại”.

Khi hỏi chuyện với các bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh, chúng tôi ghi nhận được tình cảm và sự nể trọng của bà con trong vùng dành cho vị bác sĩ này rất lớn. Khi được biết bác sĩ Phúc sẽ được nhận danh hiệu thầy thuốc ưu tú vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 sắp tới, nhiều người dân ở Phú Lý rất mừng nhưng không bất ngờ vì trong lòng họ, bác sĩ Phúc rất đúng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Chị Đào Thị Ánh Thủy (ấp Bình Chánh, xã Phú Lý) kể ở xã Phú Lý, nhà nào có người già, bệnh nặng không đi được, bác sĩ Phúc đều tới tận nhà cứu chữa mà không nhận thêm một đồng thù lao nào. Như trường hợp của cha chị bị ung thư, sức khỏe rất yếu, bác sĩ Phúc đến nhà kiểm tra sức khỏe, tiêm thuốc giảm đau, an ủi giúp ông bớt đau đớn, mạnh mẽ chống chọi với bệnh hiểm nghèo.

Không chỉ được người dân yêu quý, bác sĩ Trịnh Văn Phúc còn được nhân viên của Phòng khám đa khoa Phú Lý rất tín nhiệm. Ông là một tấm gương sáng về y đức cho mọi người tại phòng khám noi theo từ cách khám chữa bệnh tận tình, chu đáo đến tinh thần học hỏi không ngừng và trên hết là luôn hết lòng vì người bệnh. Y sĩ Đinh Thị Nương chia sẻ, cả phòng khám có một bác sĩ nên dù không phải vào giờ trực, ngay cả vào ban đêm nếu có ca cấp cứu nặng, bác sĩ Phúc luôn sẵn sàng có mặt đến khi bệnh ổn mới về nhà.

Trong khi nhà của bác sĩ Phúc cách phòng khám tới 7km, đêm tối, đường vắng, 2 bên toàn rừng, nhà cửa thưa thớt nhưng không làm vị bác sĩ này ngại khó ngại khổ. “Đó là chuyện bình thường, có tối tôi phải ra vô 2-3 lần làm mất ngủ luôn. Giờ lớn tuổi rồi nhưng nghĩ bà con đang cần mình, nếu làm được gì cho bệnh nhân thì ráng làm. “Cứu người như cứu hỏa”, nếu được cấp cứu ban đầu tốt có chuyển lên tuyến trên cũng giảm được biến chứng hơn, điều trị đỡ khó khăn, giảm tốn kém cho bà con, vì người dân vùng này đa số vẫn còn khó khăn lắm” - bác sĩ Phúc bộc bạch.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều