Báo Đồng Nai điện tử
En

Những cuộc tìm kiếm lịch sử (bài 2)

10:07, 09/07/2017

Chỉ đúng 1 tháng sau khi cuộc tìm kiếm hài cốt ở Chốt Vườn Điều (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) kết thúc và tìm được trên 100 hài cốt liệt sĩ, ngày 19-8-2014 hố chôn tập thể 36 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Căn cứ Hoàng Diệu (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) năm 1969 đã "lên tiếng".

Bài 2: 22 năm… Hoàng Diệu

>>> Bài 1: Từ Chốt Vườn Điều

Chỉ đúng 1 tháng sau khi cuộc tìm kiếm hài cốt ở Chốt Vườn Điều (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) kết thúc và tìm được trên 100 hài cốt liệt sĩ, ngày 19-8-2014 hố chôn tập thể 36 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Căn cứ Hoàng Diệu (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) năm 1969 đã “lên tiếng”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương (bìa phải) và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (bìa trái) xúc động khi nhìn lại các di vật của liệt sĩ được khai quật tại xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương (bìa phải) và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (bìa trái) xúc động khi nhìn lại các di vật của liệt sĩ được khai quật tại xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh.

Những hố chôn liệt sĩ tập thể liên tiếp được tìm thấy đã giúp cho bao thân nhân, đồng đội và nhân dân cảm thấy xúc động, nhẹ lòng...

Trận đánh ác liệt

Năm 1992 những cựu chiến binh của Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95/F27 bắt đầu hành trình đi tìm những đồng đội của mình hy sinh trong trận tập kích Căn cứ Hoàng Diệu của địch vào đêm 17 rạng sáng 18-5-1969 tại xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh). Cuộc tìm kiếm này rất khó khăn vì không có nhiều thông tin, nhất là địa hình Căn cứ Hoàng Diệu sau ngày giải phóng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, các cựu chiến binh của Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5 và Trung đoàn 95/F27 vẫn không nản lòng vì luôn được sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, lãnh đạo TX.Long Khánh. 

Ngày 12-10-2014, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ truy điệu và an táng 36 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Long Khánh. Buổi lễ có sự tham gia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Không lâu sau lễ truy điệu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đã tới viếng. Đồng chí Đinh Thế Huynh xúc động khi những đồng đội của mình đã được tỉnh Đồng Nai tìm thấy và đưa về an táng trang trọng, chu đáo.

Theo lịch sử Đảng bộ TX.Long Khánh, tháng 5-1969, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và đợt tiến công Xuân Kỷ Dậu 1969 ở chiến trường miền Ðông Nam bộ, chính quyền Sài Gòn tăng cường “bình định nông thôn” một cách ráo riết. Địch không từ một hành động nào nhằm đạt được mục đích của mình, trong đó có việc sử dụng chất độc hóa học, chất khai quang, bom hạng nặng nhằm dồn dân trong vùng kháng chiến vào các ấp chiến lược.

Tại khu vực quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh (nay là KP.2, phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh), quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã thiết lập Căn cứ Hoàng Diệu. Căn cứ này là nơi đóng quân và các loại vũ khí tối tân của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 35. Trong tình thế bất lợi, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo mở cuộc tiến công trên nhiều chiến trường, trọng điểm là miền Đông Nam bộ. Hướng tỉnh Long Khánh được xác định là trọng điểm của cuộc tiến công. Các điểm mục tiêu cần phá hủy được xác định là giao thông, sinh lực địch và các loại vũ khí. Nếu làm được điều này sẽ làm địch suy yếu và ngăn chặn được các âm mưu tiếp theo.

Từ 22 giờ ngày 17 tới rạng sáng 18-5-1969, các lực lượng của ta đồng loạt tập kích vào Căn cứ Hoàng Diệu với khí thế quyết tâm để đạt được các mục tiêu trên giao. Mở đầu cuộc tập kích ta nắm ưu thế, làm cho địch trong Căn cứ Hoàng Diệu hoảng loạn. Tuy nhiên, tới rạng sáng địch cho rất nhiều máy bay yểm trợ bắn pháo sáng nhằm phát hiện mục tiêu của ta và nã đạn xối xả về phía lực lượng ta. Để bảo toàn lực lượng, ta cho lực lượng rút lui mà không kịp đưa những đồng đội hy sinh về lại căn cứ. Sáng ngày 18-5-1969, địch gom thi thể chiến sĩ ta tới một nơi và chôn cất mà ít người biết rõ chính xác vị trí chôn cất.

Ngày các anh lên tiếng

Theo Đại tá Dương Hòa Hiệp, nguyên Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh), hố chôn tập thể liệt sĩ tại xã Bảo Vinh
từng được xác định là một trong số các trọng điểm cần tìm kiếm và khai quật hài cốt liệt sĩ. Tiếp nhận được thông tin nào có cơ sở là lực lượng tìm kiếm lại tới hiện trường đào tìm. Từ năm 1992 tới năm 2014 đã có tổng cộng gần 10 đợt đào tìm kiếm tại khu vực này.

Lực lượng khai quật hài cốt liệt sĩ của tỉnh tiến hành khai quật hố chôn liệt sĩ tại xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) vào năm 2014.
Lực lượng khai quật hài cốt liệt sĩ của tỉnh tiến hành khai quật hố chôn liệt sĩ tại xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) vào năm 2014.

Qua nghiên cứu đoạn phim tư liệu của nhà báo Mỹ quay từ trên máy bay về Căn cứ Hoàng Diệu sau 5 ngày bị quân ta tập kích, từ đầu tháng 5 tới trung tuần tháng 9-2014, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự TX.Long Khánh đã tiến hành đào tìm kiếm 2 đợt quy mô với khối lượng đào bới lên tới 15 ngàn m3.

Từ một nguồn tin giá trị, đúng 13 giờ ngày 13-9-2014 hố chôn tập thể 36 liệt sĩ đã được phát hiện ở góc Nghĩa trang xã Bảo Vinh, thuộc ấp Bảo Vinh B, cách Căn cứ Hoàng Diệu cũ khoảng 200m. Thông tin hố chôn được tìm thấy đã khiến nhiều người xúc động, nhất là người thân và đồng đội các liệt sĩ, có người ở tận Thái Nguyên, có người ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Các  đồng chí lãnh đạo tỉnh đã lập tức có mặt tại hiện trường động viên và chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm tỉ mỉ, cất bốc được hết hài cốt và các di vật dưới hố chôn.

Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng phòng Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, người có nhiều kinh nghiệm trong tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), được cử trực tiếp chỉ đạo cất bốc các hài cốt và các di vật ở xã Bảo Vinh, nhớ lại: “Trở về từ Nhơn Trạch sau vụ khai quật hài cốt ở Chốt Vườn Điều, tôi lập tức xuống xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh trong khí thế hỏa tốc. Mất 4 ngày tỉ mỉ đào từng nắm đất, gom nhặt từng mảnh xương, chúng tôi mới hoàn thành việc cất bốc, đưa hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ TX.Long Khánh”.

Trong số hài cốt liệt sĩ được xác định ở hố chôn tìm được tại xã Bảo Vinh, có liệt sĩ quê ở Kiên Giang, có liệt sĩ ở Bắc Giang, Lạng Sơn. Tuổi đời nhiều liệt sĩ còn rất trẻ. Thượng tá Tâm bùi ngùi nhớ lại: “Từ khi các liệt sĩ hy sinh tới khi tìm thấy mộ đã hơn 45 năm, lại chung dưới hố chôn tập thể nên chẳng liệt sĩ nào còn nguyên vẹn hài cốt, không thể phân biệt rõ từng bộ hài cốt nên chúng tôi chỉ còn biết cố gắng để cất bốc hết các hài cốt”.

Bà Lê Thị Mỹ Phượng, nguyên Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, chia sẻ: “Sự kiện tìm được hố chôn hài cốt liệt sĩ tập thể tại xã Bảo Vinh cùng với lễ truy điệu và an táng được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Long Khánh ngày 12-10-2014 là một trong những kỷ niệm không thể quên được trong những năm làm cán bộ lao động - thương binh và xã hội của tôi. Có rất đông thân nhân liệt sĩ, đồng đội được tỉnh mời về dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ. Có nhiều người quê ở tận miền Bắc, miền Trung. Mỗi người vào mang theo một nắm đất quê nhà để bỏ xuống mộ tập thể nơi các anh được an nghỉ cùng nhau...”.

Công Nghĩa

Bài  3: Chưa dừng lại

 

Tin xem nhiều