Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Ánh sáng soi đường của cách mạng Việt Nam

07:11, 04/11/2017

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.

>>> Bài 1: Bước ngoặt lịch sử:

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế...

Chấm dứt thời kỳ khủng hoảng  đường lối

Nói về bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ 19, TS.Lê Thị Huyền, Trưởng bộ môn Lý luận chính trị (Trường đại học Đồng Nai), cho biết chế độ phong kiến đã làm Việt Nam lâm vào khủng hoảng nặng nề. Đúng lúc ấy, thực dân Pháp nổ súng xâm lược và nhanh chóng biến nước ta thành thuộc địa và thi hành các chính sách cai trị tàn bạo. Hệ quả của chính sách này là làm cho kết cấu giai cấp, thái độ chính trị của các giai tầng trong xã hội Việt Nam thay đổi, mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc. Mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp địa chủ chưa được giải quyết thì mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp lại phát sinh.

Cách mạng tháng Tám thành công là mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời (Ảnh: Nguồn Internet)
Cách mạng tháng Tám thành công là mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời (Ảnh: Nguồn Internet)

Trước những mâu thuẫn gay gắt đó, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta. Từ khi thực dân Pháp xâm lược đến những năm đầu thế kỷ 20, cả nước có khoảng 300 cuộc đấu tranh nhưng tất cả đều không giành được thắng lợi vì không có đường lối cứu nước đúng đắn. Trong đó phải kể đến như: phong trào Cần Vương không phù hợp với lòng dân khi đưa ra chủ trương khôi phục lại chế độ phong kiến đã suy tàn; hay phong trào Đông Du của Phan Bội Châu chủ trương tranh thủ sự giúp đỡ của Nhật chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; hoặc các cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản Việt Nam non trẻ cũng thất bại do không nhìn thấy được vai trò lịch sử của từng giai cấp trong xã hội...

Ông Popov Aleksey Vladimirovich, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng việc kế thừa tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười ở Việt Nam đã được lịch sử mối quan hệ 2  nước khẳng định các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại tự do cho nhân dân ở Việt Nam. Và cho tới hôm nay, Việt Nam đã và đang là người bạn tin cậy lâu đời nhất của nước Nga và mối quan hệ với Việt Nam thực chất là mối quan hệ chiến lược toàn diện.

Đất nước chìm đắm trong đêm dài nô lệ, trong khi nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước và sau 6 năm bôn ba trên đất khách quê người, Người đã tìm thấy ở Cách mạng Tháng Mười, ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường cứu dân, cứu nước. Tháng 7-1920, Bác Hồ đọc được Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Người đã “vui mừng đến phát khóc”.

Cũng chính từ đây, Nguyễn Ái Quốc và nhiều người yêu nước khác bắt đầu quá trình truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, thành quả của Cách mạng Tháng Mười đến với giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, đào tạo cán bộ, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, cho rằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm qua. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có Đảng lãnh đạo với đường lối cách mạng khoa học, sáng tạo; đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng

ThS.Trần Quang Toại chia sẻ thêm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam luôn kiên định đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười - đó là con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Xác định đường lối đúng đắn, cách mạng Việt Nam với sự soi sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, sự hỗ trợ của Liên Xô và tài lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu đề ra.

TS.Lê Thị Huyền (thứ 2 từ trái sang), Trưởng bộ môn Lý luận chính trị (Trường đại học Đồng Nai), trao đổi với sinh viên về sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga trong giờ giải lao.
TS.Lê Thị Huyền (thứ 2 từ trái sang), Trưởng bộ môn Lý luận chính trị (Trường đại học Đồng Nai), trao đổi với sinh viên về sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga trong giờ giải lao.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở thành một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, phá tan 2 xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng tỏ sự đúng đắn của con đường mà Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”.

Tuy nhiên, độc lập chưa lâu, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc kháng chiến mới - thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ 2. Đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam. Chưa bao giờ trên đất nước Việt Nam lại có nhiều kẻ thù như thế. Trong khi đó, lực lượng mọi mặt của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ chưa kịp củng cố và phát triển; nền độc lập đã tuyên bố nhưng chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận; kinh tế đất nước kiệt quệ... Thế nhưng nhờ có lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười soi sáng và sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô cùng với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi được thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hoàn thành trọn vẹn.

TS.Vũ Thị Nghĩa, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường chính trị Đồng Nai) cho hay, chưa dừng lại ở cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 2 cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, bài học kinh nghiệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này thể hiện khá rõ nét qua thành tựu của 30 năm đổi mới (1986-2016) được đánh giá tại Đại hội XII của Đảng: đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu vững bước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu trong quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nhiệm vụ quốc tế vẻ vang mà Đảng và nhân dân ta đã giành được trong nhiều năm qua một lần nữa chứng tỏ con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn. Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ThS.Trần Quang Toại cho rằng bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc đổi mới cách thức tuyên truyền giáo dục là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc tuyên truyền giáo dục cần xuất phát từ thực tiễn. Song song đó là giáo dục bằng sự nêu gương của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên...

Nga Sơn

Bài 3: Nước Nga, niềm nhớ

Tin xem nhiều