Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Đổi mới hoạt động

08:05, 24/05/2018

Muốn khẳng định chỗ đứng và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải thực sự vững mạnh, đoàn kết, am hiểu và hoạt động hiệu quả.

[links()]Muốn khẳng định chỗ đứng và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải thực sự vững mạnh, đoàn kết, am hiểu và hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý trao cờ thi đua toàn diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho tập thể các Công đoàn cơ sở trong tỉnh đạt thành tích xuất sắc.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý trao cờ thi đua toàn diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho tập thể các Công đoàn cơ sở trong tỉnh đạt thành tích xuất sắc.

Do vậy, nhiều Công đoàn cơ sở cần phải khắc phục được những điểm yếu mà thời gian qua còn mắc phải.

* Bỏ lửng quyền lợi của người lao động

Vụ việc của Công ty TNHH KL Texwell Vina (vốn Hàn Quốc, đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) xảy ra vào đầu năm 2018 là bài học đắt giá đối với tổ chức Công đoàn và nhiều cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh.

Có doanh nghiệp tư nhân do có sự đồng thuận cao từ phía chủ doanh nghiệp và người lao động nên việc thành lập Công đoàn cơ sở có nhiều thuận lợi. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) Phạm Thế Linh cho hay công ty được thành lập năm 2010. Đến năm 2012 thì thành lập Công đoàn cơ sở với sự tham gia của 100% cán bộ, người lao động công ty; chủ tịch Công đoàn cơ sở là một cán bộ của phòng kinh doanh. Những năm qua, vào các dịp lễ, tết Công đoàn công ty đều tổ chức hoạt động chăm lo, gắn kết người lao động với doanh nghiệp.

“Công ty luôn đề cao trách nhiệm với người lao động. Do vậy, với những đề xuất chính đáng của Công đoàn cơ sở, công ty đều chấp thuận và ủng hộ” - ông Thế Linh chia sẻ.

Với lý do công ty làm ăn thua lỗ, giám đốc công ty này đã âm thầm bỏ trốn khỏi Việt Nam về Hàn Quốc, để lại khoản nợ lương tháng 1-2018 của gần 2 ngàn công nhân lao động cùng khoản nợ 17,5 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội...

Điều đáng nói, trong suốt thời gian công ty “rục rịch” phá sản, Công đoàn cơ sở công ty không có động thái gì để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Mặc dù có đến không dưới 3 lần công nhân đình công vì công ty nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, nhưng các cơ quan chức năng cũng không thể lường trước được sự việc chủ doanh nghiệp sẽ bỏ trốn, để lại gần 2 ngàn người lao động lao đao khi Tết Nguyên đán 2018 cận kề. Đặc biệt, hầu hết người lao động đều không nắm được những chính sách, pháp luật liên quan nên hoang mang, dễ bị kích động.

Trước đó, vào tháng 9-2017, hàng trăm lao động của Công ty TNHH Splendour (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) bất bình trước những chính sách mới của công ty gây bất lợi cho người lao động, đặc biệt là những lao động lớn tuổi. Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng người lao động công ty còn đề cập đến việc Chủ tịch công đoàn của công ty mặc dù đã nghỉ việc trước đó vài tháng nhưng vẫn làm Chủ tịch công đoàn cơ sở. Trong thời gian công ty thay đổi chính sách, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty có những lời nói, thái độ không đúng với người lao động.

Điều này cho thấy rõ ràng có tình trạng cán bộ Công đoàn cơ sở vì lợi ích của riêng mình mà chưa quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động khi bị chủ doanh nghiệp xử ép.

* Phải đủ bản lĩnh

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết một trong những khó khăn của hoạt động công đoàn tại cơ sở, là hầu hết cán bộ Công đoàn đều kiêm nhiệm, vừa làm công việc chuyên môn ở công ty, vừa đảm nhiệm công việc của Công đoàn. Do hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên tiếng nói của nhiều cán bộ Công đoàn bị hạn chế.

Trong năm 2017, các cấp Công đoàn toàn tỉnh đã dành 11,52% tổng kinh phí Công đoàn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hơn 12,9 ngàn lượt cán bộ Công đoàn. Các cấp Công đoàn cũng tổ chức 94 lớp tập huấn nghiệp vụ Công đoàn cho hơn 4,5 ngàn cán bộ Công đoàn, công nhân lao động, cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Nếu cán bộ Công đoàn là những người trực tiếp sản xuất thì sẽ hiểu, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tuy nhiên lại rất khó trong việc nắm bắt tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp. Ngược lại, nếu cán bộ Công đoàn là cán bộ nhân sự hay thành viên ban lãnh đạo công ty sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc đề xuất chính sách, chế độ cho người lao động, nhưng khi đó việc tiếp xúc trực tiếp để hiểu rõ đời sống của người lao động lại bị hạn chế.

PGS-TS.Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng khâu cán bộ của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn ở cơ sở, đang có nhiều vấn đề. Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở không phải do trực tiếp công nhân lao động bầu ra mà do các tổ chức chính trị - xã hội cơ cấu trước rồi đưa vào đại hội. Từ đó, hình thành đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở chưa toàn tâm, toàn ý cho hoạt động Công đoàn. Một số chủ tịch Công đoàn cơ sở chưa lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công nhân lao động.

Ngoài ra, có những cán bộ Công đoàn có thể nắm được những nguyện vọng của công nhân lao động nhưng không biết trình bày ý kiến đó như thế nào và ở đâu. Nguyên nhân là do cơ chế, năng lực, trình độ của cán bộ Công đoàn còn hạn chế. Do vậy, nguyện vọng của công nhân lao động không đến được tai người quản lý và không được giải quyết.

Mặt khác, cũng phải kể đến nhiều chủ doanh nghiệp chưa sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để Công đoàn cơ sở hoạt động. Họ có thể ủng hộ những hoạt động của Công đoàn nhưng những hoạt động đó phải được tổ chức vào các ngày nghỉ chứ không được tổ chức vào ngày làm việc, sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất lao động của công ty. Nếu cán bộ Công đoàn không đủ bản lĩnh, sẽ rất khó để thương lượng, thuyết phục chủ doanh nghiệp.

* Cần đổi mới mạnh mẽ

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết vụ việc của Công ty TNHH Texwell Vina là bài học để các cấp Công đoàn trong tỉnh tự nhìn nhận lại vai trò, vị trí của mình trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Không chỉ phải nắm tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp mà Công đoàn cần phải làm tốt hơn trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2,8 ngàn Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn với hơn 27 ngàn cán bộ Công đoàn/hơn 670 ngàn đoàn viên. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên Công đoàn đạt hơn 94%.

Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Ngọ Duy Hiểu cho rằng nhu cầu được phổ biến, tuyên truyền, tư vấn pháp luật trong công nhân lao động ở cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng rất cao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở lại chưa đáp ứng được yêu cầu này.

“Cần phải đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, hoạt động của Công đoàn để các chính sách, pháp luật đến gần hơn với người lao động. Điều này đòi hỏi cái tâm và cái tầm của cán bộ Công đoàn cơ sở. Cần phải lường trước được những vấn đề gì người lao động thường gặp để có giải pháp định hướng, tuyên truyền cho phù hợp. Cần tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm, để người lao động dễ nhớ, dễ áp dụng” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng cơ cấu cán bộ Công đoàn cơ sở, thời gian qua nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai đến các công ty, doanh nghiệp về việc thành lập tổ chức Công đoàn. “Khi người lao động có nguyện vọng thành lập tổ chức Công đoàn sẽ làm đơn gửi Công đoàn cấp trên. Sau khi được chấp thuận, người lao động được thành lập Công đoàn cơ sở, được trực tiếp bầu ra ban chấp hành Công đoàn là những người mà họ tin tưởng, chứ không có bất kỳ sự áp đặt nào từ phía doanh nghiệp hay Công đoàn cấp trên”  - Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho hay.

Hạnh Dung

Bài 3: Để Công đoàn là điểm tựa tin cậy

Tin xem nhiều