Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người lao động làm việc an toàn

09:07, 02/07/2018

Ngoài việc tham gia bảo vệ các chế độ về tiền lương, phụ cấp… theo đúng quy định, tổ chức Công đoàn cơ sở còn thể hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Ngoài việc tham gia bảo vệ các chế độ về tiền lương, phụ cấp… theo đúng quy định, tổ chức Công đoàn cơ sở còn thể hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Đại diện công đoàn cơ sở Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (huyện Trảng Bom) thăm và tặng quà cho anh Nguyễn Minh Tài (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bị tai nạn lao động khi làm việc tại công ty này với tỷ lệ thương tật 97%. Ảnh: V.TUYÊN
Đại diện công đoàn cơ sở Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (huyện Trảng Bom) thăm và tặng quà cho anh Nguyễn Minh Tài (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bị tai nạn lao động khi làm việc tại công ty này với tỷ lệ thương tật 97%. Ảnh: V.TUYÊN

Đặc biệt, khi có sự cố xảy ra làm tổn thương người lao động, tổ chức Công đoàn đã làm cầu nối hỗ trợ điều trị y tế, chăm lo cuộc sống sau tai nạn nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau của người kém may mắn cũng như người thân của họ.

* Vì lao động an toàn

Theo bà Dương Thục Đoan, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần cơ điện - điện lực Đồng Nai (TP.Biên Hòa), đặc thù của người lao động làm việc tại công ty là tiếp xúc với các thiết bị điện. Do vậy, hằng năm Công đoàn công ty luôn chủ động đề xuất Ban giám đốc tổ chức các lớp trang bị kiến thức về an toàn điện, quy trình thực hiện đấu nối, trang bị quần áo bảo hộ… để đảm bảo an toàn cho người trực tiếp làm việc.

Còn ông Huỳnh Ngọc Trung Nguyên, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (ở huyện Trảng Bom), cho biết Công đoàn luôn chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất Ban giám đốc công ty dành thời gian tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về an toàn lao động cho công nhân. Những việc làm của Công đoàn cơ sở đã góp phần trang bị kiến thức cho người lao động để phòng tránh và xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy trong quá trình làm việc.

Vào tháng 5 hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - thương binh và xã hội đều tổ chức đến thăm, tặng quà cho người lao động bị tai nạn lao động nặng. Cùng thời gian này, Công đoàn cơ sở ở các công ty có người bị tai nạn lao động cũng tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm hỗ trợ cho người bị tai nạn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Anh Võ Văn Dũng, công nhân Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam, cho hay với những thông tin có được từ lớp tập huấn do công ty tổ chức, bản thân anh đã ý thức tuân thủ quy định trong quá trình làm việc để bảo vệ chính mình, không làm tắt quy trình; nhận biết các mối nguy hại, biểu hiện nguy hiểm trong quá trình làm việc để phòng tránh.

Trong khi đó, chị Phan Thị Hải (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch), công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm Công ty Hualon Việt Nam (huyện Nhơn Trạch), cho biết thêm: “Hằng năm, công ty đều tổ chức lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho công nhân tại nhà máy, diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Điều này đã giúp tôi nâng cao được hiểu biết để phòng tránh tai nạn có thể xảy ra khi làm việc”.

* Đồng hành với người lao động

Theo ông Đoàn Văn Đây, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, xảy ra tai nạn lao động là điều mà cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước không mong muốn. Tuy nhiên, bất kỳ một ngành nghề nào cũng có những rủi ro nhất định. Khi xảy ra tai nạn lao động, phải làm sao khắc phục được “điểm đen” để không tái diễn, đồng thời đảm bảo được quyền lợi cho người lao động kém may mắn.

Ông Đoàn Bá Đức (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), người bị tai nạn lao động khi làm việc tại Công ty TNHH điện cơ Shih Lin Việt Nam, giới thiệu về bàn tay giả mà Công đoàn cơ sở và lãnh đạo công ty đặt hàng ở nước ngoài cho ông.
Ông Đoàn Bá Đức (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), người bị tai nạn lao động khi làm việc tại Công ty TNHH điện cơ Shih Lin Việt Nam, giới thiệu về bàn tay giả mà Công đoàn cơ sở và lãnh đạo công ty đặt hàng ở nước ngoài cho ông.

Vì vậy, với những trường hợp công nhân bị tai nạn lao động, theo ông Đoàn Văn Đây, Công đoàn cơ sở cần một lần nữa phát huy vai trò trong giám sát đảm bảo người lao động hưởng đủ, đúng các khoản chi trả chăm sóc y tế, hỗ trợ sau tai nạn, đồng thời hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc hoặc giúp ổn định cuộc sống.

 Ông Đoàn Bá Đức (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) - người bị tai nạn trong khi làm việc tại Công ty TNHH điện cơ Shih Lin Việt Nam (ở huyện Trảng Bom) là một trong số những người được Công đoàn cơ sở hỗ trợ sau tai nạn. Ông Đức cho hay trong quá trình vận hành máy ông bị tai nạn lao động cụt 1/3 cánh tay. Lãnh đạo Công đoàn cơ sở và Ban giám đốc công ty đã đến thăm hỏi, động viên, chi trả toàn bộ chi phí điều trị, chế độ sau tai nạn. Sau thời gian hồi phục, ông được Công đoàn bảo vệ quyền lợi bằng cách kiến nghị Ban giám đốc tiếp tục nhận ông vào làm việc. Đặc biệt, Công đoàn cơ sở và công ty còn đặt hàng ở nước ngoài cho ông một bàn tay giả để thuận tiện hơn trong làm việc, sinh hoạt.

Cùng được Công đoàn cơ sở tham gia bảo vệ quyền lợi, ông Võ Thái Nghĩa (ngụ TP.Biên Hòa), kỹ sư phân xưởng thí nghiệm Công ty cổ phần cơ điện - điện lực Đồng Nai, cho biết: “Trong quá trình làm việc, tôi bị bỏng điện độ 3 với tỷ lệ thương tật 81%. Sau tai nạn, tôi được Công đoàn hỗ trợ rất nhiều, còn phía công ty thì thanh toán chi phí điều trị. Công đoàn còn động viên tinh thần và bảo vệ quyền lợi để tôi tiếp tục được công ty bố trí việc làm sau khi hồi phục”.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều