Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

08:09, 03/09/2018

Sinh hoạt chi bộ là một hoạt động quan trọng của chi bộ, tác động đến quá trình lãnh đạo của Đảng và nhận thức của mỗi đảng viên trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, phải coi trọng việc sinh hoạt chi bộ và chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Sinh hoạt chi bộ là một hoạt động quan trọng của chi bộ, tác động đến quá trình lãnh đạo của Đảng và nhận thức của mỗi đảng viên trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, phải coi trọng việc sinh hoạt chi bộ và chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Sinh hoạt chi bộ có tác dụng to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, là diễn đàn phát huy dân chủ, tính sáng tạo và trình độ mọi mặt của đảng viên. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Xuất phát từ tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, ngày 24-3-2009 Ban TVTU đã ban hành Thông tri 35 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quy định thống nhất các chi bộ lấy ngày 3 hằng tháng là ngày sinh hoạt chi bộ. Riêng chi bộ trong các loại hình doanh nghiệp được sinh hoạt trước và sau ngày 3, nhưng không quá ngày 15 hằng tháng. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cấp ủy đã có hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ; thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở…

Qua đó, chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng có bước chuyển biến rõ nét, nội dung và hình thức có đổi mới, thiết thực, đi vào những vấn đề lớn, trọng tâm của từng tổ chức Đảng. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt cao hơn trước, trung bình 90-99%; trong các chi bộ doanh nghiệp là 80-85%.

Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Đồng chí Trần Thị Minh Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy băn khoăn, hiện nay trong các cuộc họp chi bộ, đảng viên ít tham gia đóng góp ý kiến, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình chưa cao, còn ngại va chạm, sợ mất lòng nhau.

Đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư thì cho rằng, số đảng viên của Đảng bộ tỉnh bị thi hành kỷ luật giảm qua các năm, điều này đáng mừng trong công tác xây dựng Đảng. Song, nhìn ở góc độ khác, tính chất vi phạm nặng hơn, phức tạp hơn, nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng. Tại sao có điều này? Phải chăng trong chi bộ đang diễn ra tình trạng người này nhìn người kia, biết sai phạm của nhau nhưng không góp ý, đấu tranh mà “nín thở” qua sông, anh không nói tôi, tôi không nói anh. Nếu đúng có chuyện này trong Đảng thì không phải là tổ chức Đảng.

Những năm qua, chúng ta đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hằng năm đều có đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên. Đảng thường xuyên có các văn bản, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng... tức là có đủ bài, đủ loại thuốc nhưng đảng viên vẫn vi phạm, phải xử lý kỷ luật. Điều này cho thấy, tính chiến đấu của Đảng chưa cao.

Thực tế, thời gian qua việc phát hiện sai phạm của đảng viên chủ yếu qua đơn thư tố cáo, qua dư luận xã hội, báo chí và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, ít có vụ việc sai phạm được phát hiện từ đấu tranh trong nội bộ, từ sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình. Bởi thế mới có chuyện, một chi bộ trường học ở TP.Biên Hòa bỏ sinh hoạt nhiều kỳ liên tục mà không được phát hiện kịp thời, đảng viên nơi đó nhiều tháng liền không được sinh hoạt Đảng cũng không có ý kiến, phản ánh gì.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đảng viên. Đảng viên có nhận thức tốt, góp ý thảo luận sôi nổi, có trọng tâm, trọng điểm thì nơi đó chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Nơi nào đảng viên ít tham gia ý kiến, trầm lắng, thờ ơ thì nơi đó chất lượng chi bộ không cao. 

Dương An

Tin xem nhiều