Báo Đồng Nai điện tử
En

Sôi nổi chuyện lập thân, lập nghiệp

01:12, 22/12/2018

Ngày 21-12, tại hội trường Tỉnh ủy, hơn 100 đoàn viên, thanh niên trí thức và thanh niên nông thôn đã có buổi đối thoại với đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Ngày 21-12, tại hội trường Tỉnh ủy, hơn 100 đoàn viên, thanh niên trí thức và thanh niên nông thôn đã có buổi đối thoại với đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường trả lời thắc mắc của thanh niên.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường trả lời thắc mắc của thanh niên.

22 ý kiến phát biểu tại buổi đối thoại đã cho thấy có rất nhiều vấn đề mà đoàn viên, thanh niên Đồng Nai đang quan tâm, rất cần sự hỗ trợ từ các đơn vị có liên quan trong tỉnh để vững tin lập thân, lập nghiệp.

* “Khát” vốn

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường: “Tỉnh tổ chức buổi đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên nhằm xây dựng lớp thanh niên Đồng Nai giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, có lý tưởng cao đẹp, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật, có tri thức, kỹ năng lao động, có đời sống kinh tế, thu nhập ổn định, có sức khỏe, thể chất và tinh thần lành mạnh, trở thành công dân tốt của đất nước”.

Đoàn viên Đoàn Minh Tuấn (Câu lạc bộ cây ca cao xã Gia Canh, huyện Định Quán) cho biết, hiện nay thanh niên nông thôn có 2 nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Đó là Quỹ Đồng hành với thanh niên Đồng Nai do Tỉnh đoàn quản lý và nguồn vay vốn ủy thác lãi suất thấp do ngân hàng chính sách xã hội quản lý. Tuy nhiên, cả 2 nguồn vốn này còn ít so với nhu cầu của người vay nên phần nào làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn.

“Chúng tôi rất mong muốn được Tỉnh ủy quan tâm, tạo điều kiện để thanh niên nông thôn được tiếp cận các nguồn vốn một cách dễ dàng hơn với số vốn nhiều hơn” - anh Đoàn Minh Tuấn nói.

Cũng đề cập đến chính sách hỗ trợ để thanh niên được làm giàu trên mảnh đất của mình mà không phải di chuyển làm ăn xa, anh Trần Bình Trọng (hiện đang trồng xoài năng suất cao tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) băn khoăn: “Là một thanh niên nông thôn, tôi rất muốn được lập nghiệp trên chính mảnh đất của cha mẹ mình nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn khó khăn, giá cả nông sản bấp bênh. Đặc biệt là chúng tôi cần vốn nhưng nguồn vay chính thống ít, buộc phải huy động thêm từ bên ngoài nhưng lãi suất rất cao”.

Đại diện lực lượng thanh niên đặt câu hỏi tại buổi đối thoại
Đại diện lực lượng thanh niên đặt câu hỏi tại buổi đối thoại

Phó giám đốc Sở Tài chính Đặng Văn Tấn cho hay Quỹ Đồng hành với thanh niên Đồng Nai được thành lập từ năm 2009 chủ yếu thu từ sự đóng góp của các tổ chức Đoàn, Hội, doanh nghiệp trên tinh thần tự nguyện. Về phía ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các hoạt động thuộc chương trình quốc gia. Tổng số vốn của quỹ hiện có khoảng 1,15 tỷ đồng. Sở sẽ làm việc với Tỉnh đoàn để rà soát, tận dụng nguồn vốn  nhằm đáp ứng nhu cầu vay của thanh niên.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Huỳnh Công Nam, để đáp ứng nguồn vốn cho người dân trong đó có thanh niên, ngân hàng đang có 4 chương trình cho vay gồm: giảm nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ vốn, tạo việc làm. “Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai hiện đang còn 400 tỷ đồng cho riêng chương trình vay hỗ trợ vốn tạo việc làm. Vì vậy, nếu có nhu cầu, đoàn viên, thanh niên hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn này” - ông Huỳnh Công Nam nhấn mạnh.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Huỳnh Công Nam trả lời thắc mắc của thanh niên tại buổi đối thoại
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Huỳnh Công Nam trả lời thắc mắc của thanh niên tại buổi đối thoại

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề nghị Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai có sự chỉ đạo sâu sát đến các phòng giao dịch địa phương nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục để đoàn viên, thanh niên nông thôn tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng nhất.

* Cần thêm không gian khởi nghiệp

Tại buổi đối thoại, một số đoàn viên, thanh niên tỏ ra lo ngại trước những tác động tiêu cực của mạng xã hội ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách, lối sống của con người, nhất là giới trẻ. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Lê Hoàng Ngọc đề nghị đoàn viên, thanh niên nên trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh nhất. Bên cạnh đó, phải tuân thủ những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này để không bị lôi kéo, dụ dỗ vào những thông tin xấu, độc…

Trả lời câu hỏi của đoàn viên Đoàn Hữu Tài (TX.Long Khánh) về chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, nhất là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ  Nguyễn Thị Hoàng cho biết, tỉnh đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2018-2023.

Để người dân và đặc biệt là đoàn viên, thanh niên có thể tiếp cận, sở đã và đang tăng cường các hình thức tuyên truyền, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để chọn ra những start-up xuất sắc. Dự án khởi nghiệp được chọn sẽ được hỗ trợ vốn ngân sách tối đa là 500 triệu đồng/dự án. Bên cạnh đó, Sở Khoa học - công nghệ sẽ đẩy mạnh việc kết nối cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo để giúp các start-up có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, kêu gọi các nguồn vốn cho mình.

Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ  Nguyễn Thị Hoàng trả lời thắc mắc của thanh niên
Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Nguyễn Thị Hoàng trả lời thắc mắc của thanh niên

Cũng liên quan đến câu chuyện khởi nghiệp, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng Võ Văn Mạnh Em bày tỏ mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ thành lập các không gian làm việc chung (coworking space) để các bạn trẻ cùng nghiên cứu, học tập, sáng tạo những dự án khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hoàng cho rằng đây là một xu thế mở rất cần được nhân rộng. Hiện Đồng Nai đã có 2 địa chỉ hình thành được không gian này và tỉnh luôn khuyến khích các địa phương, đơn vị, nhất là các trường học xây dựng không gian làm việc chung. Sở Khoa học - công nghệ sẽ là đơn vị kết nối để cộng đồng khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.

* Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Đây là vấn đề được nhiều đoàn viên, thanh niên đặt ra tại cuộc đối thoại. Anh Đỗ Quang Vinh (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) cho hay mình là bộ đội xuất ngũ nhưng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm vì thiếu thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ. Đoàn viên Lê Phi Long (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) thì rất quan tâm đến định hướng chuyển đổi nghề nghiệp khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành triển khai, nhất là các ngành nghề có thể làm trong sân bay.

Đồng Nai hiện có 180.390 đoàn viên/386.945 thanh niên tuổi từ 16-30.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho hay hiện bộ đội xuất ngũ đang có nhiều chế độ hỗ trợ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bộ đội xuất ngũ có thể tiếp cận các kênh thông tin này qua trang web http://vldongnai.vieclamvietnam.gov.vn hoặc trực tiếp đến sàn giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và 25 cơ sở giới thiệu việc làm của các tổ chức tư nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề nghị Sở Lao động - thương binh và xã hội cần đưa những thông tin này đến tận xã, ấp để đoàn viên, thanh niên biết và dễ dàng tiếp cận các nguồn hỗ trợ.

Tỷ lệ thanh niên nông thôn và thanh niên trí thức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Số liệu do Tỉnh đoàn cung cấp)
Tỷ lệ thanh niên nông thôn và thanh niên trí thức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Số liệu do Tỉnh đoàn cung cấp)

Về chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân khi thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Phạm Văn Cộng cho biết đã xây dựng riêng một đề án cho công tác này. đề án xây dựng khá chi tiết đối với từng đối tượng, từng ngành nghề phù hợp khi sân bay đi vào hoạt động. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đào tạo 1 ngàn lao động có trình độ chuyên môn cao nhằm đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Riêng với những người quá tuổi hoặc không có nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm trong doanh nghiệp cũng sẽ được bố trí những việc làm phù hợp tại nơi tái định cư.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng trả lời thắc mắc của thanh niên
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng trả lời thắc mắc của thanh niên

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, năm 2019 tỉnh sẽ bắt đầu triển khai đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư cho người dân trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án lớn, diện tích thu hồi đất rộng, số người phải bố trí tái định cư nhiều, do đó tỉnh rất chú trọng đến công tác chuyển đổi nghề nghiệp một cách phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đều có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống.

Bài: Nguyễn Phượng, Ảnh: Huy Anh

Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn: Quyết tâm thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ được giao

Qua buổi đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã giao 3 nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh thời gian tới, đó là: tập trung thực hiện công trình thanh niên xóa cầu tạm trên địa bàn tỉnh; thực hiện công trình thanh niên các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao; xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các thông tin sai trái trên mạng xã hội.

Đây là vinh dự và trách nhiệm của tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên. Tôi cũng đề nghị, các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh thể hiện quyết tâm cao nhất, vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Bí thư Tỉnh ủy giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Nguyễn Sĩ Tuấn, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: Duy trì những buổi đối thoại

Đây là lần đầu tiên tôi cũng như 100 đoàn viên, thanh niên trong tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu của tỉnh. Trong đó tôi tâm đắc nhất vẫn là ý kiến liên quan đến vấn đề thu hút nhân tài, chảy máu chất xám. Bởi theo tôi thấy đây cũng là vấn đề đang xảy ra trong ngành y tế thời gian qua, nhất là ở các bệnh viện công. Xảy ra hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó theo tôi, có 2 nguyên nhân chủ yếu là thu nhập và môi trường làm việc. Vì vậy để thu hút và giữ chân được nhân tài, ngoài các chính sách thu hút, tỉnh cần có cơ chế tạo môi trường để nhân tài có điều kiện phát huy.

Tôi thiết nghĩ, những buổi đối thoại như thế này là rất cần thiết và cần được duy trì để đoàn viên, thanh niên có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trong quá trình học tập, lao động, công tác.

Anh Nguyễn Gia Thái, Bí thư Chi đoàn Công ty TNHH Taekwang Vina (Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh): Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa

Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động nói chung và thanh niên công nhân nói riêng ở các khu công nghiệp là mục tiêu hướng tới của Đảng, Nhà nước và hệ thống Công đoàn các cấp trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, cho đến nay tôi chưa thấy một thiết chế văn hóa nào dành cho công nhân lao động nói chung và thanh niên công nhân nói riêng. Trong khi đó, sau 1 ngày làm việc căng thẳng, nhu cầu vui chơi giải trí, thể dục - thể thao của thanh niên công nhân là rất lớn. Việc xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân là rất cần thiết, góp phần giữ chân người lao động gắn bó và đóng góp lâu dài cho sự phát triển của tỉnh.

Vì vậy, tôi hy vọng sau buổi đối thoại này, tỉnh sẽ có tính toán để sớm xây dựng được thiết chế văn hóa dành cho công nhân nói chung và thanh niên công nhân nói riêng.

Nga Sơn (ghi)

Tin xem nhiều