Báo Đồng Nai điện tử
En

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật: Khát vọng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật chất lượng

09:04, 14/04/2020

Trong văn học cách mạng, Hồ Chí Minh là người khai sáng và để lại một sự nghiệp không kém phần đồ sộ. Đó là các tác phẩm Người viết thời thanh niên, trung niên bằng tiếng Pháp: tập bút ký chính trị sắc sảo, đanh thép, giàu hình tượng Bản án chế độ thực dân Pháp, các truyện ngắn đăng trên Báo Người cùng khổ…

* Bác Hồ - nhà thơ, nhà văn lớn

Trong văn học cách mạng, Hồ Chí Minh là người khai sáng và để lại một sự nghiệp không kém phần đồ sộ. Đó là các tác phẩm Người viết thời thanh niên, trung niên bằng tiếng Pháp: tập bút ký chính trị sắc sảo, đanh thép, giàu hình tượng Bản án chế độ thực dân Pháp, các truyện ngắn đăng trên Báo Người cùng khổ… Chỉ riêng những tác phẩm này đã đưa Hồ Chí Minh lên hàng những nhà văn lớn của thời đại. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Những trang văn lỗi lạc tung hoành Bác viết ở châu Âu” là nói về những tác phẩm văn xuôi của Người viết bằng tiếng Pháp thời ấy. Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - hai văn bản chính trị cực kỳ quan trọng cũng là hai tác phẩm văn chương chính luận đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vang mãi trong lịch sử dân tộc. Bác Hồ còn là một nhà thơ lớn với những bài thơ viết bằng chữ Hán súc tích, trau chuốt mang khí vị Đường thi, Tống thi; tập truyện thơ Nhật ký chìm tàu, tập Nhật ký trong tù - tập thơ của một tâm hồn lớn, nhân cách lớn, khí phách cao vợi, kiên cường.

Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Từ trái qua: Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Phan Tứ, người ngồi bên phải là nhà báo Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Từ trái qua: Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Phan Tứ, người ngồi bên phải là nhà báo Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu

Bác Hồ còn viết hàng chục bài diễn ca để tuyên truyền, vận động cách mạng như: Diễn ca lịch sử Việt Nam, Bài ca thanh niên, Bài ca phụ nữ, Nhóm lửa, Hòn đá… Bác có quan niệm rõ ràng về mảng diễn ca này. Trong Thơ chúc Tết năm 1963, Người viết: “Mấy lời thành thật nôm na. Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Đây là phương tiện phục vụ chính trị, phục vụ số đông quần chúng buổi đầu cách mạng nhiều người còn chưa biết đọc, biết viết. Phải nói sao cho dễ hiểu, dân nghe được, dân hiểu được, dân nhớ được và làm theo.

Bác nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa ấy buổi đầu chính là cái ánh lửa “lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa” (Nhóm lửa - Hồ Chí Minh) đến cái ánh sáng rực rỡ, huy hoàng của những trang văn trác tuyệt, giàu chất trí tuệ mang tầm nhân loại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

* Bác Hồ khuyên văn nghệ sĩ

Bác Hồ thấu hiểu đặc thù của văn chương nghệ thuật, giá trị của văn chương nghệ thuật. Nhà thơ Huy Cận kể khi được gặp Bác, Bác vui, nhân nói chuyện về văn chương, ông xin Bác cho nhận xét về thơ của mình. Bác cười: “Thơ chú, bài hay xen lẫn với bài vừa”. Nhận xét ấy thật là chí lý! Huy Cận là một trong những đỉnh cao của phong trào Thơ Mới và sau này là một trong những nhà thơ lớn thuộc hàng “khai quốc công thần” của văn chương hiện đại Việt Nam. Nhưng bên cạnh sự nghiệp thơ đồ sộ với nhiều tác phẩm đặc sắc, giá trị cao về tư tưởng và thẩm mỹ còn lại mãi với thời gian, không phải không có số ít tác phẩm chỉ hoàn thành nhiệm vụ nhất thời của mình.

Tuyên ngôn độc lập - một tác phẩm chính luận xuất sắc của Người. Ảnh tư liệu
Tuyên ngôn độc lập - một tác phẩm chính luận xuất sắc của Người. Ảnh tư liệu

Ngày 10-12-1951, Bác Hồ đã viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951. Bức thư thể hiện tình cảm và sự quan tâm của vị lãnh tụ đối với các nghệ sĩ tạo hình cũng như đối với văn học nghệ thuật. Bác viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Lý tưởng cao đẹp của văn nghệ sĩ là bằng tác phẩm của mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đem lại độc lập, hòa bình, phồn thịnh cho Tổ quốc, bình đẳng, tiến bộ cho nhân loại, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ học được nhiều từ nguồn tư tưởng vĩ đại, cao đẹp của Bác Hồ.

Bác nhấn mạnh đến nhiệm vụ, lập trường, tư tưởng không chỉ riêng cho các họa sĩ mà còn cho cả những người làm công tác văn học, nghệ thuật nói chung. Bác nhắc nhở: “Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng”. Bác khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, ngày 1-12-1962, được vinh dự đón Bác Hồ đến dự và nói chuyện với đại hội. Thay mặt Đảng, Chính phủ Bác thân ái chào mừng đại hội và gửi lời khen ngợi tới các đại biểu văn nghệ sĩ về những cố gắng và những cống hiến trên lĩnh vực văn học nghệ thuật trong những năm qua. Bác không quên gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em văn nghệ sĩ yêu nước ở miền Nam đang cùng đồng bào dũng cảm hy sinh đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Bác nói về văn chương nghệ thuật dưới chế độ thực dân Pháp và kết luận; “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”.

Bác dạy: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta”. “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi”; “Quần chúng còn mong muốn các đồng chí văn nghệ chú ý giùm hai điều nữa: một là chớ mượn chữ Hán quá nhiều, thậm chí có khi “chữ Tạc vạc ra thành chữ Tộ”. Hai là khi viết phải cẩn thận hơn...”. Bác dạy: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân”. Bác chúc: “Mọi người đồng lòng, chung sức xây dựng nước ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng với cả dân tộc đang đấu tranh anh dũng và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh”.

Bác nhắn nhủ các nhà văn, nhà báo cách viết cho dễ hiểu, đi vào lòng quần chúng, phù hợp với từng đối tượng, giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt, tránh lạm dụng tiếng, chữ nước ngoài... Những chỉ dạy quý báu ấy luôn là kim chỉ nam, có giá trị lâu bền, còn mang tính thời sự với hôm nay và mai sau.

Sáng tạo được những tác phẩm văn chương có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao góp vào kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần có giá trị lâu bền, luôn là đích phấn đấu, là khao khát vươn tới của các văn nghệ sĩ chân chính.

Xin được quay lại với những câu thơ của nhà thơ lớn Chế Lan Viên viết về Bác Hồ làm lời kết cho bài viết:

Bác là ai? Ngày hôm nay Bác là vị tướng

 

Trong trường sinh, tiếng hát trong của Người là một tiếng suối xa

 

Nhưng khi đất nước cần chém triệu đầu quân giặc

 

Thì tiếng hát diệu kỳ là tiếng thét:

 

“Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”

 

 

 

Rồi mai đây ta trở về với vầng trăng suy tưởng của Người

 

Nhưng hôm nay Bác là mặt trời chiến thắng

 

Người ghét sự chói chang nhưng chính Người là nguồn ấm nóng

 

Của vầng hồng đánh dẹp bóng đêm lui.

                                                                                                         (Thời sự hè 72, bình luận)

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích