Báo Đồng Nai điện tử
En

Để phong trào thiếu nhi tạo sức hút

10:05, 14/05/2020

Tác động của mạng xã hội, áp lực học tập, tâm lý e ngại của phụ huynh khi cho con tham gia hoạt động phong trào… đã và đang trở thành những khó khăn, thách thức đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Tác động của mạng xã hội, áp lực học tập, tâm lý e ngại của phụ huynh khi cho con tham gia hoạt động phong trào… đã và đang trở thành những khó khăn, thách thức đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Chị Nguyễn Thị Xuân Viên (thứ 2 từ trái sang), giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) và các em đội viên, thiếu nhi đang xem lại kết quả của mô hình giáo dục biển đảo đang được thực hiện tại liên đội. Ảnh: N. Sơn
Chị Nguyễn Thị Xuân Viên (thứ 2 từ trái sang), giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) và các em đội viên, thiếu nhi đang xem lại kết quả của mô hình giáo dục biển đảo đang được thực hiện tại liên đội. Ảnh: N. Sơn

Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ hết sức cấp thiết của tổ chức Đội các cấp chính là đổi mới phong trào thiếu nhi, mà đầu tiên là sự tự đổi mới của đội ngũ những người làm công tác Đội các cấp.

* Đổi mới từ những người làm công tác Đội

Năm học 2015-2016, anh Trần Văn Lập, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) triển khai mô hình học bổng Người bạn tôi. Anh Lập cho biết, để nhận được ủng hộ của phụ huynh, học sinh và sự đồng thuận của giáo viên chủ nhiệm, trước khi triển khai mô hình, anh đã tuyên truyền về ý nghĩa của mô hình, phát động thi đua giữa các lớp với nhau theo từng tuần. Đối với các tập thể, cá nhân tích cực tham gia sẽ được tuyên dương dưới cờ cũng như trong các chương trình phát thanh măng non.

Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Hồ Hồng Nguyên cho rằng, trong thời gian tới, vấn đề đổi mới, sáng tạo, phát huy hiệu quả các mô hình cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng đến việc tạo môi trường để thiếu nhi phát huy quyền, trí tuệ và sức sáng tạo của mình, trở thành chủ thể trong phong trào thiếu nhi. Có như vậy, phong trào của Đội mới thật sự tạo ra sức hút bền vững với thiếu nhi.

Sau 4 năm triển khai (năm nay không triển khai vì dịch Covid-19), mô hình học bổng Người bạn tôi đã bồi đắp thêm cho học sinh tinh thần tương thân tương ái, biết sẻ chia với những bạn bè kém may mắn. Số tiền thu được để tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tăng lên qua các năm.

Đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đang thay đổi từng ngày của đội viên thiếu nhi cũng là trăn trở của chị Nguyễn Thị Xuân Viên, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Vì vậy, trong suốt quá trình làm Tổng phụ trách Đội, chị Xuân Viên đề ra mục tiêu mỗi năm làm một mô hình, một hoạt động mới có sức hút với thiếu nhi.

Để giúp học sinh hiểu hơn về tên trường mà mình đang theo học, đồng thời giáo dục cho các em tình yêu biển đảo, chị Xuân Viên đã đặt tên mỗi lớp bằng tên một hòn đảo. Học sinh ở lớp học mang tên hòn đảo sẽ tìm hiểu và viết bài cảm nhận về hòn đảo đó (mỗi năm một tên đảo khác nhau). Cũng giáo dục về biển đảo, chị Xuân Viên tổ chức cho các lớp thi vẽ tranh về biển đảo lên heo đất...

Chị Xuân Viên còn tham mưu Ban giám hiệu nhà trường tổ chức chương trình Hội chợ xuân. Tất cả học sinh khi tham gia các trò chơi dân gian, gói bánh chưng, thư pháp, ẩm thực đều phải mua phiếu; các lớp muốn có quầy ẩm thực thì thuê gian hàng. Số tiền thu được từ hội chợ được dùng đóng góp cho phong trào Kế hoạch nhỏ. Theo chị Xuân Viên, với hình thức này, số tiền làm kế hoạch nhỏ tăng gấp đôi, gấp ba so với thu giấy vụn. Quan trọng hơn là các em đội viên thiếu nhi được trải nghiệm và có thêm nhiều kỹ năng khác từ hội chợ.

* Phát huy vai trò chủ thể của thiếu nhi

Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Hồ Hồng Nguyên khẳng định, phát huy vai trò làm chủ của thiếu nhi trong các phong trào là một trong những định hướng của tổ chức Đội các cấp, bởi nếu thiếu vai trò của thiếu nhi thì phong trào sẽ không phong phú, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý của các em. Từ đây, tổ chức hội đồng Đội các cấp đã triển khai nhiều mô hình, nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của thiếu nhi.

Trong đó, phải kể đến như hoạt động diễn đàn trẻ em được các sở, ngành, trong đó có Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức vào dịp hè hằng năm. Tham gia diễn đàn, các em đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình về những vấn đề đã và đang diễn ra trong cuộc sống, học tập; mong muốn của các em về một môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh. Ý kiến của các em tại diễn đàn trở thành tiền đề để tổ chức Đoàn, Đội trong tỉnh kiến thiết nên các mô hình, các hoạt động phù hợp, đáp ứng nhu cầu của đội viên, thiếu nhi.

Việc phát huy vai trò chủ thể của thiếu nhi trong các phong trào, các hoạt động ở cấp cơ sở lại càng thể hiện rõ nét. Anh Trần Văn Lập, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (H.Cẩm Mỹ) cho hay, hầu hết các hoạt động,  mô hình đang được triển khai tại liên đội đều do các em đội viên, thiếu nhi trực tiếp thực hiện và là người thụ hưởng thành quả mà mô hình, hoạt động đem lại, bản thân giáo viên Tổng phụ trách Đội chỉ là người phát động, hướng dẫn các em thực hiện.

Em Lê Đình Huy, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, ở liên đội của em mỗi năm tổ chức rất nhiều hoạt động. Hoạt động, mô hình mới trước khi tổ chức, cô giáo Tổng phụ trách Đội cũng tổ chức họp với Ban chỉ huy liên đội để thảo luận. Khi chương trình diễn ra, bản thân em cũng như những đội viên, thiếu nhi khác đều có trách nhiệm tham gia cùng tập thể làm nên thành công của chương trình.

“Phát huy vai trò của đội viên, thiếu nhi trong các hoạt động theo em là rất cần thiết. Bởi, sau thành công của một chương trình, một hoạt động, bản thân em cảm thấy rất vui vì thành công đó có một phần công sức của mình; đồng thời có thêm được nhiều kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập và rèn luyện sau này” - Huy bộc bạch.

Nga Sơn

Tin xem nhiều