Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học về chữ "nhẫn" từ đồng chí Lê Khả Phiêu

04:08, 14/08/2020

Đồng chí nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) từ trần vào sáng 7-8 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta.

Đồng chí nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) từ trần vào sáng 7-8 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ giới thiệu tấm hình chụp chung với đồng chí Lê Khả Phiêu vào tháng 5-2010. Ảnh:N. Hà
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ giới thiệu tấm hình chụp chung với đồng chí Lê Khả Phiêu vào tháng 5-2010. Ảnh:N. Hà

Đặc biệt, những người lính từng có thời gian gắn bó, công tác với ông không khỏi xúc động, tiếc thương người thủ trưởng, người đồng chí đầy ân tình, trách nhiệm...

* Thủ trưởng ân tình, trách nhiệm

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, hiện là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam xúc động chia sẻ khi nghe tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm TCCT từ trần: “Vậy là anh Phiêu - thủ trưởng của tôi, người anh của tôi đã vĩnh viễn rời cuộc sống trần thế!”.

Trên cương vị Chủ nhiệm TCCT quân đội nhân dân Việt Nam (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997), Bí thư Trung ương Đảng (tháng 6-1992), Ủy viên Bộ Chính trị (tháng 1-1994) và Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo TCCT đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.

Sau giây phút xúc động, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ hồi tưởng về quãng thời gian công tác với đồng chí Lê Khả Phiêu. Sau ngày giải phóng miền Nam, Tướng Thổ là Tham mưu trưởng của Trung đoàn 88 được biên chế trong đội hình chiến đấu mặt trận 719 (hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng).

“Ấn tượng đầu tiên của tôi về thủ trưởng Lê Khả Phiêu (lúc đó là thiếu tướng, Phó bí thư Ban cán sự Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, mật danh 719) là một người thân thiện, dễ gần, thương yêu đồng chí, đồng đội. Với các tướng lĩnh quân đội thì những chiến tướng như Lê Trọng Tấn, Đoàn Khuê, đặc biệt là đồng chí Lê Khả Phiêu được coi như những con người hội đủ các yếu tố của một “dũng tướng” và một “nhân tướng” của Việt Nam.  Trong đó, “nhân tướng” là yếu tố cốt lõi của đồng chí Lê Khả Phiêu. Bởi ông vừa tài giỏi, dũng cảm nhưng lại rất tình người, nhân đạo. Có thể vì cái cốt lõi này mà ông là Chủ nhiệm TCCT duy nhất đến lúc này được bầu giữ chức Tổng bí thư của Đảng” - thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhấn mạnh.

Tướng Thổ kể, trong ác liệt, gian khổ của các chiến trường, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn trở thành biểu tượng của sự dũng cảm, lòng quyết tâm để cán bộ, chiến sĩ noi theo. Trong những trận vào sinh ra tử của mặt trận 719, nhiều lần bằng sự mưu trí, dũng cảm của người chỉ huy, đồng chí Lê Khả Phiêu đã giải quyết nhiều tình huống để không phải hy sinh xương máu đồng đội.

* Bài học về chữ “nhẫn”

Cũng theo thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, đồng chí Lê Khả Phiêu là người khá gần gũi, có nhiều năm là cấp dưới của ông, điều học được nhiều nhất từ thủ trưởng của mình chính là chữ “nhẫn”. Tướng Thổ luôn nhớ và thuộc lời dặn về chữ “nhẫn”: “Có khi nhẫn để yêu thương/ có khi nhẫn để tìm đường lo toan/ có khi nhẫn để vẹn toàn/ có khi nhẫn để tránh tàn sát nhau”.

“Đây là 4 câu di huấn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho đồng chí Lê Khả Phiêu mà tôi vinh dự được thượng tướng truyền lại, nhắc nhở nhiều lần. Thậm chí bắt tôi phải thuộc và kiềm bớt sự nóng tính khi xử lý công việc của một người làm chỉ huy tham mưu” - thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói…

Đối với nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đại tá Nguyễn Trí Thức, tuy không trực tiếp là cấp dưới của Thượng tướng Lê Khả Phiêu nhưng khi ông là đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần được gặp gỡ, tiếp xúc với đồng chí Lê Khả Phiêu. Đại tá Nguyễn Trí Thức bày tỏ: “Dù ở cương vị cao nhất trong Đảng nhưng “chất lính” trong ông, nghĩa tình đồng chí, đồng đội vẫn được thể hiện rõ”.

 “Sau này, mỗi lần họp Quốc hội (khóa X), lúc này đồng chí Lê Khả Phiêu đã là Tổng bí thư của Đảng, đồng chí vẫn quan tâm, dặn dò và nhắc nhở nhiều bài học quý trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Khu vực Đông Nam bộ và tỉnh Đồng Nai cũng là địa bàn trọng điểm, luôn được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quan tâm, nhắc nhở, kể cả khi nghỉ hưu ông vẫn quan tâm đặc biệt, đến thăm và căn dặn cán bộ nhiều bài học quý. Trong đó có bài học về chữ “nhẫn”, về sự kiên trì trong vận động, trong giải quyết và xử lý vấn đề” - đại tá Nguyễn Trí Thức nói.         

Nguyệt Hà


Trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Chính ủy Quân khu 7:

Phong cách giản dị, gần dân, sát cơ sở

Đồng chí nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ông là con người nhiệt tình, trách nhiệm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước. Ông có một ý tưởng và kiên quyết triển khai trong thực tiễn đó là “an sinh phải xuất phát ngay từ cơ sở”. Theo ông, chỉ khi đời sống người dân ở cơ sở ổn định, có cuộc sống hạnh phúc thì dân mới đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và mới mang lại thành tích cho cấp trên, cho tỉnh, quốc gia. Nói cách khác, khi thực thi chủ trương, đường lối muốn biết có đúng không, có hợp lòng dân không thì phải đưa về thực tiễn cơ sở kiểm nghiệm. Ông cũng là con người tiêu biểu về học tập phong cách giản dị, gần dân, sát cơ sở từ Bác Hồ.

Đối với quân đội, ông là một vị tướng cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông luôn chân tình, gần gũi với cấp dưới; yêu thương đồng chí, đồng đội, nghĩa tình với anh em. Khi góp ý phê bình cấp dưới cũng luôn chân tình, nhẹ nhàng, rành mạch, không nói chữ nghĩa nhiều mà chỉ cụ thể để anh em rút kinh nghiệm sửa chữa. Ông thực sự là một chiến tướng hội đủ “dũng tướng” và “nhân tướng”, là một biểu tượng đẹp để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân học tập.

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai:

Trân trọng giá trị văn hóa dân tộc

Khi tôi còn là Phó giám đốc Sở VH-TTDL, tôi được thông báo bác Lê Khả Phiêu chuẩn bị vào trao tặng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân Đồng Nai một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ do những nghệ nhân của Thanh Hóa đúc. Được trực tiếp gặp bác Lê Khả Phiêu và từ món quà ý nghĩa, có thể cảm nhận bác Phiêu là người rất trân trọng những giá trị di sản văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa cha ông. Tại buổi lễ, Bác gửi gắm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Nai sẽ coi chiếc trống đồng là một sản phẩm văn hóa giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam; tiếp tục giữ vững truyền thống cách mạng, thi đua phát huy nội lực, đoàn kết, lao động, sáng tạo xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu đẹp, văn minh.

Mỗi lần vào Đồng Nai, bác Phiêu đặc biệt thích đến thăm các di tích lịch sử, thích nghe đờn ca tài tử, vọng cổ... Lần nào Bác cũng đều hỏi thăm và đến thăm các đồng chí đồng đội, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, luôn thể hiện lòng tri ân với đồng chí, đồng đội, với những người có công lao với dân tộc.

Trong mọi lúc, mọi nơi, với tất cả mọi người, Bác đều hết sức gần gũi, thái độ cử chỉ rất thân thiện, tình cảm chân thật và cung cách giản dị.

Nam Anh - Hồ Thảo (ghi)


 

Tin xem nhiều