Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

09:12, 03/12/2020

Những năm qua, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Những năm qua, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường (đứng thứ 5 từ trái qua) cùng lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh chụp hình lưu niệm với đoàn đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Ảnh: N.Sơn
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường (đứng thứ 5 từ trái qua) cùng lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh chụp hình lưu niệm với đoàn đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Ảnh: N.Sơn

Từ đó, đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần thay đổi diện mạo và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

* Đời sống đồng bào DTTS đổi thay rõ rệt

Nói về sự đổi thay của đồng bào dân tộc mình, bà Tsằn Bích Thầu (dân tộc Nùng), người uy tín trong đồng bào DTTS  tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nếu như trước đây, bà con đồng bào DTTS sống có phần khép kín thì nay đã tích cực tham gia vào nhiều phong trào, hoạt động của địa phương. Bà con chú trọng quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến việc học hành của con em mình. Ngày càng nhiều gương điển hình đồng bào DTTS chí thú làm ăn, làm giàu...”.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường cho biết, đồng bào DTTS là một bộ phận máu thịt, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng, Nhà nước, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện, chăm lo cho đồng bào DTTS. Quán triệt đường lối chủ trương ấy của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho biết, Đồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào DTTS là 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, cùng với các chính sách từ Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Song song với đó, tỉnh xây dựng và hỗ trợ đầu tư hàng trăm mô hình để phát triển kinh tế hộ gia đình đồng bào DTTS như: trồng lúa, bắp, hồ tiêu, cà phê; chăn nuôi gà, dê, bò... Tổ chức tập huấn, hỗ trợ bà con chuyển giao kỹ thuật để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào DTTS...

Đồng Nai còn rất quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn vốn giúp đồng bào phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nhằm tăng thêm thu nhập, giảm và thoát nghèo. Cụ thể từ năm 2014 đến nay, đã có 5.427 hộ được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi hơn 134 tỷ đồng để tăng gia sản xuất thoát nghèo. Các dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề nông nghiệp; những dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ tham gia dự án sớm thoát nghèo. Tỉnh còn tạo cơ hội và môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

“Qua triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS, đến nay tại vùng dân tộc, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng được đảm bảo, cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng phù hợp, các mô hình sản xuất mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống của đồng bào dần được cải thiện” - ông Thổ Út cho hay. Đáng phấn khởi là trong  giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh giảm được 3.418 hộ nghèo là người DTTS, bình quân mỗi năm giảm được 570 hộ.

Không dừng ở đó, vùng đồng bào dân tộc còn xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, làm giàu cho gia đình và cho xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh.

Ông Liu Tác Sáng, dân tộc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hương (xã Phú Túc, H.Định Quán) là một trong những tấm gương như vậy. Những năm qua, bằng việc thành lập, duy trì, mở rộng phát triển doanh nghiệp với sản phẩm chính là nông sản sấy khô, ông Sáng không chỉ khẳng định được tài năng, ổn định kinh tế gia đình mình mà còn giúp bà con đồng bào tại địa phương có thêm việc làm và thu nhập ổn định. Hiện tại công ty có hơn 20 lao động chính thức đang làm việc và một số lượng lớn lao động thời vụ làm thêm tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

“Để có được kết quả đó, cùng với sự nỗ lực của bản thân, tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm của huyện, xã, các sở, ngành trong việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Trong năm tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng thị trường hơn nữa để ngày càng phát triển bền vững,  góp phần vào sự phát triển chung của địa phương cũng như giúp đỡ được nhiều bà con DTTS” - ông Liu Tác Sáng cho hay.

* Chú trọng phát triển giáo dục, văn hóa...

Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, từ sự quan tâm của tỉnh, việc phát triển giáo dục vùng DTTS theo chương trình chung quốc gia được đặc biệt quan tâm về cơ sở vật chất trường, lớp kiên cố, sạch đẹp; trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, chính sách xét tuyển vào các trường dân tộc nội trú, trường văn hóa nghệ thuật đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực người DTTS.

Trong 2 ngày 4 và 5-12, tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II-2020 với sự tham dự của 1.600 đại biểu chính thức. Đại hội có chủ đề: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước.

Điển hình như Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai những năm qua đã chiêu sinh và đào tạo 111 học sinh là con em đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 37 em tốt nghiệp, còn 64 học sinh đang học văn hóa nghệ thuật tại trường. Trong công tác đào tạo, nhà trường luôn chú trọng đưa chương trình đào tạo đặc thù nhằm giáo dục ý thức giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc cho học sinh. Qua đó, học sinh thêm hiểu biết, yêu quý và trân trọng các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp đều trở về làm việc tại các trung tâm văn hóa, thể thao của địa phương. Một số em trở thành diễn viên và nhạc công tại các đơn vị nghệ thuật chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh; nhiều em trở thành giáo viên, giảng viên dạy âm nhạc tại các trường phổ thông trong tỉnh.

Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho biết, thời gian qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS đã được các cấp, các ngành quan tâm. Hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học đã được thực hiện như: khôi phục, bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống của người Mạ; tổ chức lớp truyền dạy biểu diễn cồng chiêng tại các xã: Lý Lịch (H.Vĩnh Cửu), Túc Trưng (H.Định Quán), Xuân Phú (H.Xuân Lộc), Xuân Thiện (H.Thống Nhất)...

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng bảo tồn, khôi phục và phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc như lễ hội Sayangva (dân tộc Chơro), Yang Bơ nơm, Yang Koi (dân tộc Mạ), Tả tài phán của người Hoa, Ramandan, Maji (dân tộc Chăm), Lồng Tồng (dân tộc Tày)...

Góp phần mang đến những thành quả trên, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, một phần còn nhờ tỉnh đã luôn chú trọng công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 213 vị là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Người uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy được vai trò nòng cốt, là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc; có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan. Đồng thời, tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hồ Thảo


Ông Điểu Bảo, dân tộc Chơro, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Trân trọng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước

Tôi từng tham gia đóng góp cho công tác dân tộc ở vai trò Trưởng ban Dân tộc tỉnh, là đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ I diễn ra năm 2010, tôi vinh dự được tham gia Đoàn chủ tịch của đại hội. Đến đại hội lần này, dù nghỉ hưu đã hơn 1 năm, trở về địa phương, sinh hoạt đời thường cùng với cộng đồng làng xã, nhưng tôi vẫn được Ban tổ chức đại hội mời dự. Tôi cảm nhận được sự trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp cho công tác dân tộc của mình.

Ý thức được vai trò của người đại biểu tại diễn đàn đại hội, tôi cùng các đại biểu Đồng Nai sẽ cố gắng lĩnh hội quyết tâm thư của đại hội về tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa trong đồng bào mình, và làm sao để phát huy tốt vai trò của đồng bào DTTS trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Ông MoHaMed NooRuDeen, dân tộc Chăm, Trưởng ấp 4, xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc): Đời sống bà con ngày càng tiến bộ

Tôi đã làm trưởng ấp được hơn 20 năm. Thời gian qua, tôi thấy rằng, cùng với Đảng, Nhà nước, tỉnh đã luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc bằng rất nhiều chương trình cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Nhờ đó, đời sống đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Chăm nơi tôi sinh sống nói riêng ngày càng tiến bộ: con em được đi học hành đến nơi đến chốn, nhiều em học đại học, nhiều em học nghề; công ăn việc làm được đảm bảo, đời sống khá dần lên; tình hình an ninh trật tự ổn định... Bên cạnh đó, điện đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang; bà con được dùng nước sạch 100%...

Chính vì vậy, bà con đồng bào DTTS nơi đây rất tin tưởng, phấn khởi và đoàn kết, đồng lòng cùng với đồng bào các dân tộc khác nỗ lực vươn lên.

Anh K’Tâm, dân tộc Mạ, chuyên viên Phòng Dân tộc (H.Tân Phú): Vinh dự là đại biểu trẻ nhất tỉnh Đồng Nai tham dự đại hội

Vinh dự, tự hào chắc chắn là điều mà tất cả các đại biểu trong đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Nai được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II-2020 đều cảm nhận được. Và với riêng tôi, đó còn là sự may mắn, niềm vui rất lớn nữa bởi tôi là đại biểu trẻ nhất của đoàn: 27 tuổi.

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là vùng đồng bào dân tộc Mạ thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Tân Phú. Đồng bào tôi sống dọc theo sông Đồng Nai, đời sống trước đây có nhiều khó khăn nhưng đến nay rất mừng là từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh cùng nỗ lực của đồng bào, đời sống đã khá hơn rất nhiều, nhất là việc làm được ổn định; việc học hành, giáo dục  của con em được quan tâm hơn.

Như bản thân tôi đã được tạo điều kiện học lên tới đại học rồi về công tác tại Phòng Dân tộc huyện, được trực tiếp gần gũi, chăm lo, tiếp tục đưa chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Mạ nói riêng.

Thảo Lâm (ghi)


 

Tin xem nhiều