Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ lực lượng cho các tỉnh, thành phía Nam chống dịch

10:09, 08/09/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Quốc phòng chủ trương điều động hơn 120 ngàn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và lực lượng dự bị từ các tỉnh phía Bắc và các đơn vị chủ lực đến hỗ trợ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Quốc phòng chủ trương điều động hơn 120 ngàn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và lực lượng dự bị từ các tỉnh phía Bắc và các đơn vị chủ lực đến hỗ trợ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM chống dịch Covid-19.

Đại tá Nguyễn Vân Giang
Đại tá Nguyễn Vân Giang

Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) cho biết, Bộ Quốc phòng xác định nhiệm vụ giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim người lính; an toàn của dân là trên hết, trước hết.

* Giúp dân chống dịch

* Đại tá có thể cho biết rõ hơn chủ trương của Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện đưa lực lượng hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam chống dịch Covid-19?

- Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thời gian qua, đặc biệt từ 0 giờ ngày 23-8 đến nay, Bộ Quốc phòng đã điều động và đưa hơn 120 ngàn CBCS và các lực lượng dự bị hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam chống dịch Covid-19. Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này đã được Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ rõ: Quân đội sẽ tham gia hỗ trợ các địa phương trong việc chữa trị cho bệnh nhân F0, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và bóc tách F0, tiêm chủng, kiểm soát việc đi lại, phân phát lương thực cũng như lo hậu sự cho bệnh nhân tử vong.

Bộ trưởng xác định “đây như là trận chiến, không thắng không về”; “Chúng ta đã từng trải qua cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí nóng, bây giờ không bằng vũ khí nóng nhưng cũng là cuộc trường chinh mới”. Nói cách khác, nhiệm vụ giúp dân chống dịch chính là nhiệm vụ chiến đấu thời bình của quân đội.

Sau 2 tuần thực hiện đợt cao điểm, đại tá đánh giá kết quả bước đầu đạt được như thế nào?

- Đến thời điểm này có thể khẳng định, lực lượng tham gia chống dịch đã cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực chống dịch Covid-19, đạt được những kết quả rất ý nghĩa.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo duy trì hàng ngàn tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19. Trong số tổ, chốt duy trì khoảng 1,9 ngàn tổ, chốt kiểm soát trên tuyến biên giới, ngăn xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. CBCS còn tham gia duy trì các khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, tham gia vào các bệnh viện dã chiến (BVDC), góp phần thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu, ở yên đó”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG cho biết, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhân sự (nhất là nhân sự y tế) cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh còn rất thiếu. Việc Bộ Quốc phòng hỗ trợ 105 cán bộ quân y (35 bác sĩ) đến giúp Đồng Nai chống dịch sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tổng lực xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng, kiểm soát và đi đến đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai 190 khu cách ly tập trung với khoảng 290 ngàn lượt người. Chuẩn bị, cung cấp vật tư y tế, thành lập 11 BVDC với quy mô khoảng 6 ngàn giường bệnh để giảm áp lực cho y tế địa phương. Mặt khác, do lượng F0 quá lớn tại TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai nên Bộ triển khai 660 tổ y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 tại nhà, quản lý và điều trị gần 199 ngàn ca F0, điều trị khỏi trên 57,3 ngàn ca bệnh; tổ chức xét nghiệm hơn 1,1 triệu lượt người, tăng cường 40 tổ tiêm vaccine cho người dân.

Riêng TP.HCM, Bộ bố trí 475 tổ ở 312 xã, phường của 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Mỗi tổ có 3 người, trong đó có 1 bác sĩ hoặc bác sĩ dự bị (Y6 - sinh viên y khoa năm thứ 6 đã thi tốt nghiệp được 2 môn) và các điều dưỡng có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị, nắm bắt kịp thời F0 tại nhà, khi có dấu hiệu trở nặng sẽ chuyển tuyến kịp thời. Đồng thời, tổ y tế lưu động còn giúp địa phương lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện truy vết, bóc tách F0 và tiêm vaccine. Ngoài ra, tổ này còn có trách nhiệm khám, chữa bệnh cấp cứu cho những bệnh nhân không mắc Covid-19 nhưng do điều kiện giãn cách xã hội nên không thể tới bệnh viện được.

Tỉnh Bình Dương đã được bố trí 75 tổ y tế lưu động có nhiệm vụ tương tự như ở TP.HCM. Cách đây 1 tuần, Bộ hỗ trợ và bố trí tại Đồng Nai 35 tổ với 35 bác sĩ cùng các điều dưỡng được điều động từ Quân khu 1, Quân chủng Hải quân đến hỗ trợ chống dịch tại các điểm nóng ở TP.Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Các tổ này được trang bị đầy đủ các đồ phòng dịch, máy đo SP02 cầm tay, các túi thuốc để thực hiện ngay nhiệm vụ…

Trong buổi kiểm tra tình hình dịch bệnh mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại các tỉnh, thành phía Nam, Thủ tướng đánh giá chủ trương triển khai lực lượng giúp dân chống dịch của Bộ Quốc phòng là hoàn toàn đúng đắn, giúp tình hình dịch bệnh ở một số địa bàn nóng từng bước được kiểm soát. Trong đó, Đồng Nai thuộc các tỉnh có giải pháp kiềm chế dịch tốt nhất.

Cán bộ quân y của Bộ Quốc phòng vào hỗ trợ Đồng Nai chống dịch. Ảnh: N.Hà
Cán bộ quân y của Bộ Quốc phòng vào hỗ trợ Đồng Nai chống dịch. Ảnh: N.Hà

* Tính mạng của người dân là trên hết, trước hết

* Tham gia thực hiện nhiệm vụ lần này, lực lượng được điều động phần lớn từ các đơn vị phía Bắc, quá trình thực hiện nhiệm vụ có những khó khăn trở ngại gì, thưa đại tá?

- Với tinh thần “tính mạng của người dân là trên hết, trước hết” và truyền thống hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xác định: Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Vì thế, những ngày đầu dù còn gặp một số khó khăn trở ngại như: phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương, đường sá…, nhưng với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, không sợ khó khăn gian khổ, CBCS các lực lượng tham gia giúp dân chống dịch đều nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong buổi kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam mới đây, đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao và biểu dương tinh thần vượt khó, vì nhân dân phục vụ của lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch nói chung, lực lượng đến hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam chống dịch nói riêng. Các nhiệm vụ quân đội thực hiện giúp dân đã bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh. Trong đó, lực lượng quân y điều trị, khám, chữa bệnh, tiêm vaccine; các lực lượng khác tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân, cố gắng nỗ lực cao nhất để đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn tại các tỉnh, thành phía Nam.

CBCS thực hiện nhiệm vụ cung cấp các gói an sinh, hỗ trợ phân phát lương thực, thực phẩm đều nhận được sự hợp tác tận tình của các lực lượng như: MTTQ, thanh niên, phụ nữ, tổ dân phố bởi bộ đội từ nơi khác đến không nắm rõ địa bàn. Bộ đội sáng tạo bằng các xe thồ vận chuyển hàng; chấp nhận để người ướt khi trời mưa để dành áo mưa che gạo của dân không bị ướt…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch, Bộ Quốc phòng và các địa phương kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích giúp dân chống dịch. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng đã ký quyết định khen thưởng đột xuất nhiều tập thể, cá nhân có thành tích giúp dân chống dịch. Trong đó, Ban Chỉ huy quân sự H.Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.

* Đại tá có nhắn nhủ gì đối với các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ giúp dân chống dịch?

- Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều CBCS có người thân mất; vợ, con, gia đình bị bệnh nhưng không về được. Nhiều nữ bác sĩ quân y có hoàn cảnh khó khăn vì con nhỏ, sau khi làm nhiệm vụ ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang lại tiếp tục vào Nam làm nhiệm vụ nhưng không kêu ca, thoái thác. Nhiều người trong quá trình giúp dân đã nhiễm bệnh nhưng tất cả đều nỗ lực thể hiện trách nhiệm của quân đội đối với sức khỏe, tính mạng của người dân trong thời điểm khó khăn này.

Tất cả những điều đó tiếp tục khẳng định bản lĩnh truyền thống của quân đội ta luôn quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, gian khổ; tiếp tục làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Chúng ta cũng hiểu rằng, đây là một thách thức an ninh phi truyền thống chưa có tiền lệ trong lịch sử đã làm ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến tình hình đời sống xã hội. Với quan điểm lấy tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, chúng ta đang hy sinh lợi ích kinh tế để cứu tính mạng người dân.

Đối với lực lượng vũ trang nói chung, trong đó có lực lượng được tăng cường giúp dân luôn xác định rõ là lực lượng đi đầu. “Cuộc chiến” với dịch bệnh Covid-19 còn dài, phức tạp, gian khổ nhưng tôi tin rằng những người lính và lực lượng quân y với truyền thống anh hùng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ tay nghề tốt chắc chắn sẽ cùng các địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.

* Xin cảm ơn đại tá!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Tin xem nhiều