Báo Đồng Nai điện tử
En

HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng

09:12, 05/12/2021

Sáng ngày 6-12-2021, Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X bước vào phiên khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 ngày: 6, 7 và 8-12.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng

Sáng ngày 6-12, Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND tỉnh khóa X bước vào phiên khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 ngày: 6, 7 và 8-12.

Đây là một trong 2 kỳ họp lớn trong năm của HĐND tỉnh nhằm xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong năm 2021 và kế hoạch phát triển năm 2022.

Nhân dịp này, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng.

Dự kiến có 27 nghị quyết được thông qua

 Thưa Phó chủ tịch HĐND tỉnh, bà có thể nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm của kỳ họp lần này?

- Đây là kỳ họp rất quan trọng với nhiều nội dung. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 của HĐND, UBND, TAND, Viện KSND và Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Đồng thời, thảo luận các báo cáo và xem xét thông qua các nghị quyết thường kỳ và chuyên đề phục vụ cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thực hiện giám sát thông qua việc chất vấn và xem xét trả lời chất vấn những nội dung thời sự, thực tiễn đặt ra và được cử tri quan tâm.

Đây là một trong những kỳ họp có số lượng nghị quyết nhiều nhất được thông qua với 27 nghị quyết dự kiến sẽ được ban hành.

 Với các nội dung lớn như vậy, HĐND tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để kỳ họp diễn ra vừa đảm bảo yêu cầu thời gian đã dự kiến, vừa đảm bảo chất lượng, thưa bà?

- Thường trực HĐND tỉnh đã có sự chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng. Tất cả các tờ trình, dự thảo nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho các ban HĐND thẩm tra đã đảm bảo về mặt chất lượng. Tất cả các tài liệu liên quan đến kỳ họp, Văn phòng HĐND tỉnh đều gửi trước cho đại biểu HĐND tỉnh để nghiên cứu trước, chuẩn bị đóng góp ý kiến. Trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cho các đại biểu thảo luận trước tại 4 cụm tổ để tổng hợp các ý kiến báo cáo tại kỳ họp nhằm rút ngắn thời gian.

Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu, các báo cáo của UBND, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh khi trình bày tại kỳ họp phải tóm gọn lại, đi đúng trọng tâm, đúng vào nội dung tờ trình, nội dung thẩm tra để tránh mất thời gian. Đồng thời, chỉ đạo đại biểu khi chất vấn và các sở, ngành, Ủy viên UBND tỉnh khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Với sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt như trên, Thường trực HĐND tỉnh tin tưởng kỳ họp sẽ được đảm bảo về yêu cầu mặt thời gian, không kéo dài thêm và đảm bảo chất lượng.

 Như bà chia sẻ, tại kỳ họp này sẽ có tới 27 nghị quyết dự kiến được thông qua. Vậy để nghị quyết ban hành đảm bảo chất lượng, tránh trường hợp vừa ban hành đã phải tạm dừng, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND đã phát huy vai trò của mình như thế nào trong quá trình xây dựng nghị quyết?

- Thường trực HĐND tỉnh căn cứ nội dung UBND tỉnh trình để phân công thẩm tra cho các ban HĐND tỉnh phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của từng ban HĐND tỉnh. Các ban HĐND tỉnh đều tuân thủ trình tự, nội dung, các bước thẩm tra theo quy định.

Để đảm bảo các nghị quyết của HĐND được ban hành đi vào thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo ngay từ khi UBND tỉnh bắt đầu lên ý tưởng để xây dựng nghị quyết, các ban HĐND tỉnh phải chủ động tham gia ngay từ đầu để tiếp cận, nắm bắt trước thông tin.

Khi đến bước thẩm tra, các ban đều tổ chức cho các thành viên trong ban mình ở các lĩnh vực khác nhau cùng thảo luận, trao đổi nhằm có những ý kiến ở góc nhìn đa chiều về dự thảo nghị quyết. Mặt khác, trong quá trình thẩm tra, giữa các ban luôn có trao đổi, chia sẻ thông tin để đảm bảo có thêm cái nhìn chung tổng thể, toàn diện trên mọi lĩnh vực về dự thảo nghị quyết. Mục tiêu hướng tới là phải đảm bảo nghị quyết ban hành khả thi, sát thực tiễn, đúng quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật.

Chất vấn nhiều vấn đề thời sự được cử tri quan tâm

 Một trong những phần quan trọng tại kỳ họp được cử tri đặc biệt quan tâm là nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Thường trực HĐND tỉnh đã làm gì để hoạt động này thực sự chất lượng, hiệu quả, thưa bà?

- Hoạt động chất vấn chính là kênh quan trọng để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước. Đây là nội dung được truyền hình trực tiếp tới cử tri, được cử tri rất quan tâm. Xác định điều đó, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng yêu cầu đề ra.

Tại kỳ họp lần này, sẽ có 9 nội dung thuộc lĩnh vực của 8 sở, ngành được đại biểu chất vấn và trả lời chất vấn. Đây đều là những vấn đề thời sự, thực tiễn đang đặt ra, được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặc biệt quan tâm.

Có thể kể đến như: nội dung về công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay sẽ chất vấn Giám đốc Sở Y tế; về đầu tư công sẽ chất vấn Giám đốc Sở KH-ĐT; về công tác quản lý và khai thác khoáng sản sẽ chất vấn Giám đốc Sở TN-MT; các nội dung về công tác xử lý đối với hành vi xây dựng trái phép, về xây dựng nhà ở xã hội chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng. Cùng với đó, nội dung về giải pháp cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới chất vấn Sở LĐ-TBXH; về công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước sẽ chất vấn Sở TT-TT và nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm chất vấn Giám đốc Công an tỉnh.

Chúng tôi xác định rõ hoạt động chất vấn không chỉ đơn giản là đại biểu hỏi, các sở, ngành của UBND tỉnh trả lời tại kỳ họp, mà sau đó, chúng tôi sẽ ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về trả lời chất vấn. Để từ đó có cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh giám sát lời hứa của các sở, ngành đối với nội dung mà cử tri, đại biểu quan tâm.

 Thưa bà, bên cạnh nỗ lực trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp, cử tri cũng rất quan tâm về vai trò, đóng góp của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh trong việc đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, các cấp để phòng, chống dịch thời gian qua?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, Thường trực HĐND, các ban, các tổ và đại biểu HĐND tỉnh luôn nỗ lực đồng hành với cấp ủy, chính quyền, các cấp để phòng, chống dịch. Điều đó đã được thể hiện rõ ở nhiều hoạt động cụ thể.

 Điển hình là từ ảnh hưởng của dịch bệnh và bám sát Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét, quyết định kịp thời nhiều nội dung quan trọng từ đề nghị của UBND tỉnh. Qua đó hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, ở Đồng Nai, những lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch, HĐND tỉnh đều ban hành chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số chính sách mà Trung ương không có, nhưng HĐND tỉnh cũng xem xét ban hành như: chính sách hỗ trợ cho người có công, cho đối tượng người nghèo, người cận nghèo, đối tượng lang thang cơ nhỡ… để hỗ trợ chăm lo cho đời sống người dân trong dịch bệnh.

Đối với các ban HĐND tỉnh, ở vai trò của mình, đã chủ động tham mưu Thường trực HĐND tỉnh triển khai các hoạt động đồng hành trong công tác phòng, chống dịch. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, nhiều nơi phải cách ly, phong tỏa, các ban vẫn không ngại “xông pha” tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát tinh gọn về một số nội dung được cử tri quan tâm liên quan công tác phòng, chống dịch như: việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 hay thực trạng hoạt động chuyên môn tại các trạm y tế xã, phường… Từ đó, kiến nghị các cấp, các ngành triển khai thực hiện cho tốt hơn…

Mặt khác, tháng 7, tháng 8 là thời điểm HĐND các huyện phải họp để ban hành nghị quyết để UBND tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cuối năm. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh đã hướng dẫn cho HĐND cấp huyện, xã cách thức tổ chức kỳ họp HĐND phù hợp để đảm bảo vừa hoàn thành nhiệm vụ thông qua các nghị quyết của địa phương, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch. Hay chỉ đạo trong công tác tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND các cấp; công tác tiếp công dân làm sao để vừa đảm bảo nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri, vừa đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

 Xin cảm ơn bà!

Hồ Thảo (thực hiện)

Tin xem nhiều