Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tin từ những gam màu sáng

11:12, 06/12/2021

Năm 2021 được đánh giá là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

[links()]Năm 2021 được đánh giá là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh đã khiến kinh tế - xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. 

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: Huy Anh
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: Huy Anh

Báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ kế hoạch duy trì phòng, chống dịch đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt chỉ tiêu đề ra, song nền kinh tế đang từng bước phục hồi trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

* Nỗ lực vượt khó

Năm 2021 có 2 chỉ số quan trọng là GRDP, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã không đạt mục tiêu đề ra do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Cụ thể, dự ước GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2021 chỉ đạt khoảng 214,6 ngàn tỷ đồng, tăng 2,29% so với năm 2020, trong khi mục tiêu đặt ra là 8-9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 dự ước đạt 119,13 triệu đồng, tuy có tăng 3,37% so năm trước, nhưng vẫn không đạt mục tiêu 131,1 triệu đồng. Song, điều đáng ghi nhận là năm 2021 kinh tế Đồng Nai tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả khả quan so với tình hình chung của cả nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, dù nhiều tháng liền thực hiện giãn cách xã hội nhưng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 707,8 ngàn tỷ đồng, tăng 4,45% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 ước đạt 187.103 tỷ đồng, tăng 2,01% so với năm trước. Dù phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng Đồng Nai đã nỗ lực duy trì sản xuất ở mức cao nhất có thể. Những doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” được tạo điều kiện tối đa; đồng thời, ngay sau khi hết giãn cách xã hội, tỉnh lập tức hỗ trợ doanh nghiệp đồng loạt trở lại sản xuất và tăng hết công suất.

Sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh đã góp phần tạo ra những “gam màu sáng” nổi bật của kinh tế Đồng Nai năm 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt khá xa chỉ tiêu đề ra, khoảng 62,366 ngàn tỷ đồng, đạt 132% dự toán đầu năm và tăng 12% so với năm 2020.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phủ bóng lên nền kinh tế năng động hàng đầu ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì Đồng Nai vẫn thể hiện sự nỗ lực vượt bậc. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2021 ước đạt 21,194 tỷ USD (tăng 12,76% so với năm 2020). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ước đạt 19,943 tỷ USD (tăng 36,17% so với cùng kỳ). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 ước tính xuất siêu đạt 1,251 tỷ USD.

Đáng chú ý, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có nhiều khởi sắc, dự ước năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, tỉnh đã cấp mới 55 dự án với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD và 110 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 850 triệu USD. Lũy kế dự ước đến ngày 31-12, toàn tỉnh có 1.563 dự án đang có hiệu lực hoạt động với số vốn trên 32,4 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. TS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Chưa khi nào ngành Y tế Đồng Nai lại đặt vào hoàn cảnh khó khăn lớn như trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, trong khó khăn ngành đã nỗ lực sáng tạo làm tròn trách nhiệm của mình. Là một tỉnh có dân số đông, nhưng so với các tỉnh, thành lân cận thì tỷ lệ ca nhiễm/dân số, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong của Đồng Nai vẫn ở mức thấp”. Cùng với nhiệm vụ khống chế dịch bệnh, ngành Y tế Đồng Nai đã nỗ lực tiếp cận nguồn vaccine phòng Covid-19 cho người dân đủ 2 mũi trở lên và hiện đã bắt đầu tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và mũi 2 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)
Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)

Trong khi đó, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH cho biết, năm 2021, toàn ngành đã nỗ lực cao nhất để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất chính là công nhân lao động và những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, tính đến đầu tháng 12 này, toàn tỉnh đã duyệt chi gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đạt 1.160 ngàn người, số tiền đã chi lên tới gần 2 ngàn tỷ đồng. Đây là số tiền chi hỗ trợ cho người dân lớn nhất mà ngành đã phối hợp với các địa phương thực hiện từ trước đến nay.

* Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp

Thảo luận tại các cụm tổ đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của tỉnh, nhất là nỗ lực, quyết liệt trong triển khai nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, năm 2021, kinh tế tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả khả quan so với tình hình chung của cả nước. Nhất trí với những hạn chế còn tồn tại do tác động tiêu cực gây nên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đưa ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 dự kiến từ 6,5-7%. Chỉ tiêu này được đề ra trên cơ sở phân tích cơ hội và thách thức trong năm 2022.

Toàn cảnh kỳ họp
Toàn cảnh kỳ họp

Theo đó, dù thử thách lớn nhất là dịch Covid 19, nhưng đến nay Đồng Nai đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao; đồng thời, tỉnh nỗ lực, quyết tâm thực hiện chính sách nhất quán của Trung ương là “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Mặt khác, trong bức tranh kinh tế - xã hội của Đồng Nai vẫn có nhiều điểm sáng để tỉnh tự tin vào chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Có thể kể đến như: xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt; ngành chế biến chế tạo tăng; doanh thu bán lẻ tăng; doanh nghiệp trong khu công nghiệp giữ được sản xuất tương đối tốt; đẩy mạnh hoạt động mua bán trực tuyến; các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử...

Ngoài ra, Trung ương đã đầu tư cho cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng nguồn vốn khoảng 7 tỷ USD trong 5 năm (2021-2025). Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 4 dự án giao thông quan trọng để tạo trục kết nối các huyện, thành phố và kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành (tại kỳ họp này đã trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư khoảng 18 ngàn tỷ đồng và sẽ tiếp tục trình HĐND tỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án giao thông nhóm A trong thời gian tới); đường vành đai 4 đang được Chính phủ giao cho tỉnh Đồng Nai đầu tư để kết nối với các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; đường vành đai 3 cũng đang được đầu tư; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu... Các dự án này sẽ góp phần vào tăng trưởng GRDP và tạo động lực phát triển cho Đồng Nai trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên triển khai chiến lược tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho cộng đồng, gắn với việc từng bước khôi phục, thúc đẩy, phát triển các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất và kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, nhằm tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế thân thiện môi trường, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ số.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt các định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động lựa chọn xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới, phù hợp với đặc điểm, cơ sở hạ tầng của địa phương. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với định hướng, tầm nhìn dài hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn, các công trình trọng điểm của tỉnh…

Hồ Thảo - Công Nghĩa

 

 

 

 

Tin xem nhiều