Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Lễ thượng cờ nối nhịp bờ vui

06:05, 02/05/2022

Cùng với sự ác liệt trong giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (HL-BH) được nối nhịp, xóa đi vạch sơn trắng ngăn cách bằng lễ thượng cờ hằng năm.

[links()]Cùng với sự ác liệt trong giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (HL-BH) được nối nhịp, xóa đi vạch sơn trắng ngăn cách bằng lễ thượng cờ hằng năm.

Người dân đi lại qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cung cấp
Người dân đi lại qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cung cấp

Chị Lê Thị Tố Hoài, Trưởng ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ HL-BH cho hay, gọi cầu HL-BH là “cầu dài nhất thế giới” là vì cả dân tộc Việt Nam phải mất hơn 20 năm đổ máu, hy sinh của biết bao nhiêu người con anh dũng ở cả hai đầu Nam - Bắc mới bước qua được vạch sơn trắng chừng 10cm. Ngày nay, Đôi bờ HL-BH trở thành di tích quốc gia đặc biệt, người, phương tiện qua lại tự do tấp nập, nhưng mỗi khi nhắc tới nơi này, ký ức về nỗi đau “chia cắt” cùng biết bao chuyện vui, buồn vẫn hiện hữu.

* Khoảng cách… 20 năm

Chị Hoài cho biết thêm, Đôi bờ HL-BH không chỉ là ranh giới phân chia tạm thời của riêng người Quảng Trị mà còn là xuất phát điểm - gạch nối thời gian minh chứng cho sự kiên cường của cả dân tộc. Đó còn là khát vọng thống nhất non sông, nối nhịp bờ vui... Càng tìm hiểu, chứng kiến, chị Hoài càng thấm câu nói của cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Sắt thép có thể nung chảy khi chứng kiến sự đấu tranh bền bỉ nhưng con người Việt Nam, trực tiếp ở hai bên giới tuyến tạm thời thì không bao giờ”.

“Không bao giờ ấy đã được minh chứng bằng sự kiện ngày 1-5-1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng” - chị Hoài xúc động nói.

Chị Hoài kể, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cách nay gần 15 năm, chị đã gặp một cụ ông hơn 80 tuổi dắt theo người cháu học lớp 3 từ Hà Nội vào thăm lại Đôi bờ HL-BH. Khi chị hỏi để hỗ trợ thì được biết, cụ ông vào thăm lại chiến trường xưa, đưa cháu cùng đi để giúp cháu tận mắt chứng kiến những gian khổ, khắc nghiệt mà cha ông từng đấu tranh đổ máu, hy sinh mới có được hòa bình. Đó là cách giáo dục thế hệ trẻ tốt nhất để thế hệ trẻ không quên nguồn cội, không quên lịch sử dân tộc…

Đó còn là câu chuyện của một phụ nữ định cư nước ngoài có cha chiến đấu và hy sinh trong bảo vệ Thành cổ. Khi được tin tỉnh Quảng Trị quy tập và tổ chức an táng, truy điệu liệt sĩ đã bay nửa vòng trái đất để đưa gia đình, con cháu về thăm lại nơi ông cha đã chiến đấu hy sinh… Hoặc câu chuyện của một nữ du kích quân giải phóng khi ra thăm Khu di tích Đôi bờ HL-BH đã xúc động ngã quỵ khi thấy tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và câu nói bất hủ: “Miền Nam trong trái tim tôi”!

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Thanh Hải, Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị xúc động chia sẻ: “Đến tận nơi này, được sờ tay lên vạch sơn trắng, được bước đi trên cây cầu nhân chứng tôi càng thấm thía hơn câu nói: “Đây là cây cầu “dài nhất thế giới” mà dân tộc ta đã phải mất hơn 20 năm mới bước qua”...

* “Chuyện tình thế kỷ” ven bờ Hiền Lương

Ông Trần Văn Minh, cán bộ Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ HL-BH cho rằng, thật là thiếu sót nếu nhắc đến nơi này mà quên không nhắc tới những câu chuyện tình đã trở thành “huyền thoại” ở thế kỷ XX. Trong đó, người dân hai bờ Nam (xã Trung Hải, H.Gio Linh ngày nay) và Bắc (xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh ngày nay) còn truyền lại “chuyện tình thế kỷ” của hạ sĩ Trần Ngọc Châu và bà Trần Thị Dĩnh vừa cưới nhau được 3 ngày thì ông được tuyển chọn tham gia Đồn Công an vũ trang bờ Bắc.

Nhớ chồng, hằng ngày bà Dĩnh nghĩ ra cách mang áo ra sông giặt. Hành động “giặt áo” chỉ là cái cớ để nhìn sang bờ Bắc thấy bóng người chồng là chiến sĩ công an vũ trang đang đứng gác bờ Bắc cầu Hiền Lương cho nguôi ngoai nỗi nhớ, khắc khoải đợi chờ!

Qua lời kể của anh Minh, nhiều lần bà Dĩnh đã giặt xong quần áo mà vẫn không nhìn thấy bóng chồng nên nấn ná ở lại, rồi để che mắt quân ngụy bờ Nam, bà tiếp tục giặt lại số quần áo vẫn không thấy bóng chồng, lòng như lửa đốt nên bà vò đi, xát lại đến mức “Áo mòn dạ vẫn trinh nguyên” để khẳng định sự thủy chung, son sắc của tình yêu đôi lứa và cao hơn là của khát vọng hòa bình độc lập, thống nhất non song.

Ông Minh còn kể câu chuyện về cặp vợ chồng đầu tiên được rước dâu qua cây cầu thống nhất là bà Hoàng Thị Hoa và ông Hoàng Nghi (làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh). Nhiều năm đã qua đi, ông Nghi vẫn nhớ như in chuyện tình khá “đặc biệt” của ông bà thời chia cắt.

Trước giải phóng, ông Nghi là dân quân du kích ở bờ Bắc, còn bà Hoa là du kích miền Nam. Năm 1972, địch đánh phá ác liệt, cả gia đình bà sơ tán sang bờ Bắc nhưng do không biết đường đã vô tình lạc tới làng Hiền Lương, nơi ông Nghi đang làm nhiệm vụ. Trong một lần chiến đấu, cha bà Hoa bị thương được ông Nghi cấp cứu, hai người cảm mến rồi yêu nhau từ đó. Nhưng do nhiệm vụ nên bà lại phải vượt tuyến về Nam và liên lạc với ông qua những lá thư…

Ông Nghi kể, ông đã viết cho bà 10 lá thư nhưng bà chỉ nhận được 2 lá, liên lạc cứ thế mất dần… “Lòng tôi như lửa đốt, mãi tới tháng 1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải bị đánh sập cũng được dựng lại sau 1 năm. Người dân đôi bờ được đi lại tự do, đến tận lúc này, tôi và bà ấy mới có tin nhau và quyết định tổ chức lễ cưới. Đó cũng là lễ cưới đầu tiên qua cây cầu mang trong mình ý nghĩa thống nhất non sông” - ông Nghi bồi hồi kể.

Niềm vui, sự xúc động của những cặp đôi yêu nhau và của người dân Đôi bờ HL- BH trong ngày vui thống nhất còn là khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc. Những cặp đôi như ông Nghi, bà Hoa hay “chuyện tình thế kỷ” của ông bà Châu - Dĩnh… là những nhân chứng một thời gánh chịu nỗi đau chia cắt.

Chị Lê Thị Tố Hoài cho biết, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, hằng năm, vào đúng ngày 30-4, tại Khu di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ HL-BH tổ chức lễ thượng cờ thống nhất non sông. Lễ thượng cờ thống nhất non sông năm 2022 là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm đỏ lửa bảo vệ Thành cổ (1972-2022) nên có ý nghĩa lớn giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhớ để thấy được giá trị to lớn của hòa bình ngày nay phải đổi bằng bao hy sinh, đổ máu của cha ông xưa kia…

Trong bảo tàng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ HL-BH hiện còn nhiều bức thư, nhiều câu chuyện được chụp lại minh chứng một thời chia cắt và hạnh phúc khi nối nhịp bờ vui. Trong đó, lễ cưới đầu tiên sau ngày thống nhất đôi bờ Nam - Bắc của vợ chồng ông Nghi, bà Hoa còn được khắc họa trong dòng khẩu hiệu: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà. Thắm tình non nước thắm tình ta”… Ông Nghi và bà Hoa, như được lịch sử sắp đặt trở thành chứng nhân cho sự đoàn tụ hai miền, cho giấc mơ non sông một dải đã đau đáu hơn 20 năm trường trên dòng sông lịch sử.

Nguyệt Hà

Bài 3: Đổi mới và phát triển

Tin xem nhiều