Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số: Doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu?

08:06, 06/06/2022

Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quá trình lâu dài và phức tạp đòi hỏi từng doanh nghiệp (DN), nhất là các DN địa phương cần nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu cụ thể, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quá trình lâu dài và phức tạp đòi hỏi từng doanh nghiệp (DN), nhất là các DN địa phương cần nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu cụ thể, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ chuyển đổi số bên lề hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tại Đồng Nai vào tháng 4-2022. Ảnh: Hải Quân
Các doanh nghiệp tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ chuyển đổi số bên lề hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tại Đồng Nai vào tháng 4-2022. Ảnh: Hải Quân

Ngoài ra, cần xác định được vị trí của mình trong làn sóng chuyển đổi số để từ đó có chiến lược phát triển phù hợp, tránh bị lôi vào vòng xoáy chuyển đổi số mà không biết mình đang ở đâu, làm gì…

* Nhận thức đúng hơn về chuyển đổi số

Trong xu thế phát triển bùng nổ công nghệ thông tin và trình độ quản lý hiện đại của thế giới, các DN hiện đang đứng trước bài toán chuyển đổi số để phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN địa phương vẫn đang hiểu về chuyển đổi số một cách phiến diện, mơ hồ. Nhiều DN còn thờ ơ, chưa mấy quan tâm về cơ sở dữ liệu, số hóa các thủ tục, thao tác, công cụ quản lý nhân sự, hệ thống sản xuất, kinh doanh…

Qua những tác động của đại dịch Covid-19, thị hiếu mua sắm, trải nghiệm dịch vụ của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi các DN địa phương cần chủ động những phương án kinh doanh, quản trị nhân sự, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, kinh doanh, marketing… để thích ứng trước những diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, cần lưu ý đến các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp.

Tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số DN năm 2022 do Hiệp hội DN Đồng Nai phối hợp Hội Tin học Đồng Nai, Hội Tin học TP.HCM tổ chức vào tháng 4-2022, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM chia sẻ, ở mô hình DN, muốn chuyển đổi số thành công thì bộ máy điều hành của DN mà đặc biệt bản thân của người đứng đầu DN, hay nói cách khác chủ DN phải thật sự quan tâm xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của DN mình. Chuyển đổi số phải được dẫn dắt từ trên xuống và được “thông suốt” đến từng người trong DN.

Tương tự, tại buổi tọa đàm với chủ đề DN linh hoạt thích ứng quản trị trong bối cảnh bình thường mới do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào cuối tháng 3-2022, ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc Khối dịch vụ Deloitte Private (khối dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, pháp lý, kiểm toán cho khu vực kinh tế tư nhân) của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (TP.HCM) cho rằng, kế hoạch kinh doanh trong điều kiện bình thường mới thì đầu tiên cần xác định chiến lược, mục đích hướng tới của DN là gì?

Thứ hai là DN phải có nguồn lực sẵn có để làm. Nguồn lực đó là tài sản, công cụ, công nghệ, dây chuyền sản xuất… Nguồn lực gì là cần thiết để ưu tiên trước.

Thứ ba là có nguồn lực rồi thì cần có người để làm, đội ngũ nhân sự phù hợp để hướng tới mục tiêu mà DN đề ra. Trong đó, cần lưu ý vấn đề chuyển đổi số không phải chuyện cần hay không mà bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số không phải ở công cụ mà là ở tư duy, tư duy đầu tiên phải đến từ người lãnh đạo.

* Chủ động “số hóa” dữ liệu

Trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều DN biết nắm bắt cơ hội, dần ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiếp thị sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như nhu cầu quản trị kinh doanh.

Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ điều khiển tự động tại một nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Quân
Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ điều khiển tự động tại một nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Quân

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, các DN không thể nằm ngoài dòng chảy “số” trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19 nên sẽ cần chủ động chuẩn bị các thành phần giúp thúc đẩy chuyển đổi số gồm: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật...

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ, việc số hóa số liệu, đánh giá quy trình xử lý thông tin trong nội bộ, hệ thống quản lý theo một trình tự phù hợp… là việc cần làm đầu tiên để chuyển đổi số trong DN. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN và các bộ phận chuyên môn phải thực sự quyết tâm, chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức để từ đó hiểu đúng và thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả.

Chia sẻ với các DN ở Đồng Nai về vấn đề chuyển đổi số, ông Phí Anh Tuấn, người sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn P.A.T Consulting (TP.HCM) - chuyên tư vấn, triển khai hệ thống thông tin quản lý, quản trị DN trong nhiều lĩnh vực như: điện lực, dược phẩm, logistics, thương mại, dịch vụ… nhấn mạnh, khai thác tốt dữ liệu là cơ hội cạnh tranh của DN, nhất là dữ liệu của người tiêu dùng.

Vấn đề ở đây, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá được mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho chuyển đổi số; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với DN để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu…

“Có một sự hiểu nhầm, càng đầu tư vào công nghệ có nghĩa là càng chuyển đổi số nhiều. Công nghệ giúp chúng ta tăng năng suất, giảm sai sót nhưng chuyển đổi số mang tính đột phá và sâu sắc hơn. Chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội cho các DN nhỏ có được tính linh hoạt, sở hữu bộ công cụ và dữ liệu cho phép những DN này nắm lấy cơ hội dẫn đầu và cạnh tranh với các DN lớn theo phương thức khác với truyền thống trước đây” - ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM lưu ý.

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích