Báo Đồng Nai điện tử
En

Nan giải bài toán đầu tư hạ tầng giao thông

09:10, 25/10/2019

Hiện tại, từ các tuyến quốc lộ đến đường đô thị của Đồng Nai đều bị quá tải. Đặc biệt, các tuyến quốc lộ đã bước vào thời kỳ cần "thay mới" bằng cách nâng cấp, mở rộng số làn xe ít nhất là gấp đôi so với hiện tại mới đủ đáp ứng các phương tiện lưu thông.

Hiện tại, từ các tuyến quốc lộ đến đường đô thị của Đồng Nai đều bị quá tải. Đặc biệt, các tuyến quốc lộ đã bước vào thời kỳ cần “thay mới” bằng cách nâng cấp, mở rộng số làn xe ít nhất là gấp đôi so với hiện tại mới đủ đáp ứng các phương tiện lưu thông.

Thực tế, theo tuyến đường bộ, người dân từ “siêu đô thị” 9 triệu dân TP.Hồ Chí Minh và toàn bộ các tỉnh miền Tây Nam bộ không thể đến TP.Vũng Tàu mà không đi qua quốc lộ 51. Xe cộ từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng không thể đi đến TP.Hồ Chí Minh mà không qua quốc lộ 1 và con đường ngắn nhất để người dân các tỉnh, thành miền Nam đến TP.Đà Lạt là phải đi qua quốc lộ 20. Nói vậy để thấy, ngoài nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh thì lưu lượng xe hằng ngày chạy qua các tuyến quốc lộ trên qua địa bàn tỉnh là vô cùng lớn.

Tính đến ngày 1-4-2019, toàn tỉnh có gần 3,1 triệu người với hơn 871 ngàn hộ dân, đứng thứ 5 trong cả nước sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An. Trong 10 năm qua, cứ mỗi năm, dân số của Đồng Nai tăng thêm hơn 61 ngàn người với tỷ lệ tăng dân số bình quân là 2,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (1,1%). Trong đó, các địa phương như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom… đứng đầu về tốc độ tăng dân số và đô thị hóa. Chẳng hạn, TP.Biên Hòa hiện đã xuất hiện những “siêu phường” với số lượng dân số vượt trên 100 ngàn người, bằng cả dân số của một huyện.

Dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cũng tăng theo, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng phải tăng tương ứng, đặc biệt là về mạng lưới giao thông đô thị. Song, để mở mới một con đường, hoặc nâng cấp mở rộng một tuyến đường nội ô… đôi khi cũng là quá sức với nguồn ngân sách hạn hẹp của nhiều địa phương. Ngay cả ở tầm Chính phủ, đầu tư các tuyến đường cao tốc để giảm tải cho hệ thống quốc lộ đang quá tải khắp các địa phương cũng phải cân nhắc, tính toán nhiều năm mới có thể làm được, trong đó phải vay nợ nước ngoài, vay ODA và huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau mới đủ trang trải phần nào.

Giải pháp giảm tải cho quốc lộ là phải nhanh chóng đầu tư các nút giao thông khác mức như: hầm chui, cầu vượt, các đoạn đường tránh… và về lâu dài, dứt khoát phải được “chia tải” bằng hệ thống đường cao tốc, đường hàng không, đường sắt… Còn giải pháp giảm tải cho hệ thống giao thông đô thị là mở rộng đường nội - ngoại ô, tăng làn xe, nâng cấp mặt đường, mở mới các tuyến đường ở những khu vực đô thị hóa nhanh…

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Vốn ngân sách không đủ đáp ứng, trong khi các cơ chế huy động vốn còn nhiều bất cập vẫn là bài toán nan giải lâu nay, không chỉ của Đồng Nai mà còn của cả vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng tập trung những tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế mạnh nhất, dân số tăng nhanh nhất nhưng lại có tốc độ đầu tư hạ tầng giao thông thuộc vào hàng… chậm nhất.        

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều