Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện gì xảy ra khi ngân hàng phá sản?

09:10, 31/10/2016

Trong buổi thảo luận tổ của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào ngày 22-10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, sắp tới Chính phủ có thể sẽ cho thí điểm phá sản ngân hàng nào làm ăn quá yếu kém, thua lỗ kéo dài không khắc phục được.

Trong buổi thảo luận tổ của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào ngày 22-10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, sắp tới Chính phủ có thể sẽ cho thí điểm phá sản ngân hàng nào làm ăn quá yếu kém, thua lỗ kéo dài không khắc phục được. Đây là điều chưa có tiền lệ, bởi lâu nay cả giới tài chính, doanh nghiệp lẫn người dân đều “mặc định” rằng, mặc dù hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nhưng những người gửi tiền lẫn vay tiền tại các ngân hàng sẽ không phải trả giá nhiều, bởi Chính phủ sẽ cứu các ngân hàng yếu kém khi tình hình quá “bê bết”.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một ngân hàng phá sản? Có rất nhiều hệ lụy sẽ diễn ra, tất nhiên, bởi hệ thống ngân hàng kinh doanh một loại “hàng hóa” rất đặc biệt là tiền. Không như các loại hàng hóa khác, tiền “chảy” vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và sẽ gây ảnh hưởng rất lớn khi xảy ra đổ bể.

Nhưng điều dư luận quan tâm nhất là quyền lợi của những người đã giao tiền vào “túi” các ngân hàng. Về nguyên tắc, khi giao tiền vào các ngân hàng yếu kém, người gửi tiền sẽ phải chịu trách nhiệm một phần về lựa chọn của mình. Điều này cũng tương tự như khi nguồn tiêu dùng quyết định mua chai tương ớt có thương hiệu uy tín với giá cao, hay mua chai tương trôi nổi với giá thấp. Ở đây, “giá” gửi tiền phân ra làm nhiều hạng: lãi suất cao sẽ rơi vào nhóm các ngân hàng đang cần tiền, đang thiếu thanh khoản hoặc đang trong quá trình chứng minh thương hiệu. Trong khi đó, các ngân hàng lớn, thương hiệu đã lâu đời và làm ăn có lãi sẽ không trả lãi suất cao cho các món tiền gửi.

Khi một ngân hàng phá sản, đầu tiên người gửi tiền sẽ được chi trả phí bảo hiểm tiền gửi. Theo Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, nghị định này giữ nguyên quy định về chi phí bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP trước đó. Cụ thể, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi, bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng. Quy định này gây nhiều thiệt thòi, bởi dù món tiền gửi có lên đến hàng tỷ đồng thì người gửi tiền cũng chỉ được thanh toán 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một kênh để mong chờ là tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng, bao gồm: các tài sản thế chấp động sản và bất động sản, toàn bộ tài sản cố định cùng các tài sản khác… Khi đó, ngân hàng sẽ tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên; tiếp đến chính là người gửi tiền; thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng; thứ tư là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.

Mặc dù vậy, khi một ngân hàng phá sản, hoạt động thanh lý tài sản và trả nợ có thể sẽ kéo dài, rất mất thời gian và tùy thuộc vào nhiều yếu tố để biết được quyền lợi của người gửi tiền sẽ bị ảnh hưởng đến đâu. Thiệt hại chắc chắn sẽ có, và do đó đã đến lúc người dân cần suy nghĩ, cân nhắc khi quyết định giao tiền tiết kiệm cho ngân hàng. Tư duy sòng phẳng cần có là: chọn lãi suất cao ở một ngân hàng yếu, có khả năng sẽ bị mất tiền và sẽ khó có chuyện ngân sách đứng ra bảo đảm điều này.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều