Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính kế lâu dài

10:06, 29/06/2014

Trong bối cảnh gần đây, việc một số đối tác quốc tế dịch chuyển các đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dòng vốn đầu tư Nhật Bản dời từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng là một cơ hội.

Trong bối cảnh gần đây, việc một số đối tác quốc tế dịch chuyển các đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dòng vốn đầu tư Nhật Bản dời từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng là một cơ hội. Các sự cố và tai tiếng của thực phẩm, nông sản Trung Quốc thời gian qua cũng được xem là cơ hội của những quốc gia, như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Philippines sau nhiều năm lép dưới bóng “gã khổng lồ nham hiểm”.

Trở lại với câu chuyện của ngành gỗ xuất khẩu. Đơn hàng không thiếu do sự dịch chuyển chung nói trên, song từ lâu doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nên khi giá nguyên liệu tăng cao, họ mất lãi. Trong khi đó, nguồn gỗ trong nước lại khan hiếm và không nhiều doanh nghiệp sử dụng được, bởi sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện tại yêu cầu phải có chứng chỉ chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì các đối tác nước ngoài mới chịu ký hợp đồng. Nhiều năm nay, mỗi năm Việt Nam phải bỏ hàng trăm triệu USD nhập khẩu gỗ nguyên liệu, song việc phát triển vùng nguyên liệu để có nguồn cung lâu dài dường như lại bị bỏ ngỏ.

Điều này cũng đúng với các ngành sản xuất khác, như: may mặc, giày da, sản xuất thức ăn gia súc… Vẫn biết việc nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm trên một thị trường thế giới được xem là “phẳng” như hiện tại là việc bình thường, song việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu đã không ít lần đặt các doanh nghiệp trong nước vào tình thế khó khăn. Càng gay go hơn khi rất nhiều doanh nghiệp lệ thuộc Trung Quốc cả về thiết bị, máy móc lẫn nguyên vật liệu. Hiện tại, trong lúc tình hình biển Đông căng thẳng, Trung Quốc đang “hăm he” đóng cửa một số cửa khẩu, doanh nghiệp lại lo lắng nhiều hơn.

Không phải khi quan hệ trên biển Đông căng thẳng mới nên tính kế lâu dài. Rõ ràng, một quốc gia nông nghiệp song phải nhập khẩu phần lớn bắp, bột cá, dầu đậu nành rất nhiều để sản xuất thức ăn chăn nuôi; phải nhập rau, củ, quả, gia vị rất nhiều để có giá rẻ, dễ cạnh tranh là điều cần suy nghĩ. Cách làm này có thể dễ về trước mắt, nhưng lâu dài, sự lệ thuộc này dẫn đến những lệ thuộc khác còn nguy hiểm hơn nhiều. Thêm nữa, không chỉ tính đến Trung Quốc, mà lệ thuộc quá nhiều vào bất kỳ một quốc gia nào cũng là điều không nên.

Người xưa nói, trong “nguy” có “cơ”. Trước mắt, giảm sự lệ thuộc có thể là một điều rất khó khăn, song về lâu dài, điều này thuận lợi cho sự phát triển của nội lực, đồng thời là động lực để các doanh nghiệp đa dạng hóa các nguồn lực bên ngoài chứ không chỉ phụ thuộc vào một vài quốc gia nào đó. Nhưng, “nguy” có thành “cơ” hay không, còn tùy vào cách nhìn nhận và sự chủ động trong cách làm.       

Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều