Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sớm "vá" lỗ hổng pháp lý

10:10, 10/10/2018

Nghị định số 33 do Chính phủ ban hành vào tháng 4-2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được cho là một cải tiến quan trọng về pháp lý để quản lý hoạt động nhạy cảm này, trong đó đã nâng mức phạt lên cao hơn nhiều so với các quy định cũ.

Nghị định số 33 do Chính phủ ban hành vào tháng 4-2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được cho là một cải tiến quan trọng về pháp lý để quản lý hoạt động nhạy cảm này, trong đó đã nâng mức phạt lên cao hơn nhiều so với các quy định cũ.

Theo đó, nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra còn kèm theo các hình phạt bổ sung khác như: tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; tước giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; tước giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản...

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 33 nhanh chóng bộc lộ những kẽ hở dù chỉ mới thực thi hơn 1 năm nay. Quan sát cho thấy những quy định mới về mức phạt dường như chỉ “nhắm” vào những hoạt động khai thác đã được cấp phép và quản lý mà chưa bao quát được những hoạt động khai thác trái phép ở quy mô nhỏ. Kẽ hở quan trọng nhất là các hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản dưới 50m3 không có giấy phép chỉ bị phạt hành chính với mức phạt được cho là nhẹ, khoảng từ 1-40 triệu đồng. Lợi dụng điều này, nhiều cá nhân (đặc biệt trong lĩnh vực khai thác cát trái phép) đã sử dụng các loại xe, ghe vận chuyển có sức chứa dưới 50m3 để vận chuyển. Trước đây, Chính phủ quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện sử dụng đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép (không quy định khối lượng) nên dù quy mô lớn hay nhỏ, chỉ cần là khai thác khoáng sản trái phép đều bị tịch thu phương tiện kèm xử phạt. Song theo Nghị định 33 áp dụng từ tháng 5-2017, dù có bắt quả tang các địa phương cũng không đủ cơ sở để tịch thu phương tiện hoặc có những hình phạt bổ sung mạnh tay hơn nhằm chặn đứng tình trạng khai thác lén lút này.

Ở Đồng Nai, từ cuối năm 2016, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 14 (ngày 20-12-2016) về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều thời điểm bùng phát tình trạng khai thác khoáng sản vô tội vạ, các địa phương đã căn cứ Chỉ thị 14 để thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Không thể phủ nhận Chỉ thị 14 đã góp phần làm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, đất, đá… lắng xuống trên quy mô toàn tỉnh. Song từ khi Nghị định 33 có hiệu lực, một kẽ hở tưởng như rất nhỏ lại khiến tình trạng này trở lại rầm rộ và ngang nhiên hơn, gây nhiều khó khăn trong quản lý khai thác khoáng sản ở các địa phương. Từ các kiến nghị của các địa phương, lãnh đạo tỉnh cho biết đã kiến nghị nhiều lần lên Bộ Tài nguyên - môi trường với nội dung đề nghị sửa đổi quy định chỉ phạt hành chính đối với khai thác khoáng sản trái phép dưới 50m3, song đến nay quy định này vẫn chưa được sửa đổi.

Khai thác khoáng sản là một ngành kinh doanh đặc biệt mà nếu quản lý không chặt chẽ và hợp lý sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, bởi gần như khoáng sản khi đã khai thác là không thể phục hồi. Vậy nên dù rất cần cho phát triển kinh tế, cấp phép khai thác khoáng sản rất cần được “cân, đo, đong, đếm” kỹ lưỡng, xem xét mọi yếu tố không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Nhằm tránh để lại hậu quả lâu dài cho tương lai, khung pháp lý dành cho lĩnh vực này không chỉ cần chặt chẽ và minh bạch mà còn phải nhanh chóng được sửa đổi khi không còn phù hợp với thực tế hoặc có kẽ hở có thể “xen ngang”.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều