Báo Đồng Nai điện tử
En

Không 'đứng bên lề' thời đại

09:11, 25/11/2019

Chiếm 60% dân số thế giới, chiếm 1/3 tổng lưu lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu và đang hướng tới đóng góp 50% vào GDP của thế giới, châu Á đang nổi lên như một châu lục có sự phát triển kinh tế năng động nhất và được xem là cái nôi của khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo.

Chiếm 60% dân số thế giới, chiếm 1/3 tổng lưu lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu và đang hướng tới đóng góp 50% vào GDP của thế giới, châu Á đang nổi lên như một châu lục có sự phát triển kinh tế năng động nhất và được xem là cái nôi của khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo.

Trong suốt một thập niên qua, những quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 6-8% hầu hết đều nằm ở châu Á, trong đó có Việt Nam - gần đây được xem là một trong những quốc gia năng động và chịu đổi mới thuộc tốp đầu khu vực.

Phát biểu trước hàng trăm giám đốc điều hành, chủ tịch, nhà sáng lập và những người khởi nghiệp đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2019 (tổ chức tại Bình Dương từ ngày 24 đến 26-11), Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam sẽ không đứng ngoài dòng chảy của thời đại.

Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đàm phán, ký kết, kinh tế Việt Nam được xem là nền kinh tế có độ mở lên đến 200%. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 tăng 10 bậc lên vị trí 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, là một trong những nước tăng mạnh nhất cả về thứ bậc và điểm số.

Hiện Việt Nam cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, phấn đấu đến giữa thế kỷ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dân số trẻ, Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thị trường rộng lớn, doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới và có tham vọng đóng góp cho sự phát triển của quốc gia là một trong những lý do khiến châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang là nơi “hút” các dự án khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các ngành công nghệ, tài chính. Mặc dù vậy, châu Á cũng đối mặt với nhiều thách thức đặc thù như khoảng cách giàu nghèo lớn, sự phát triển giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ không đồng đều, chịu tác động mạnh mẽ bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…

Ông Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis cho biết Việt Nam tiếp tục được chọn để đăng cai hội nghị năm nay bởi sự quan tâm của giới đầu tư trong khu vực đang hướng về đây. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự dịch chuyển vào khu vực ASEAN cũng như hệ thống thương mại đa phương đã đưa Việt Nam trở thành điểm hẹn mới của các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2020 tới, Việt Nam sẽ là quốc gia duy nhất của châu Á trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là Chủ tịch ASEAN. Hai trọng trách vinh dự lẫn nặng nề này cũng không nằm ngoài mục tiêu đưa đất nước lên tầm cao hơn trong khu vực và thế giới.

Thông điệp mà cả lãnh đạo Chính phủ lẫn hàng trăm chuyên gia, chủ tịch, nhà sáng lập tham gia diễn đàn lần này đưa ra là trong “dòng chảy” chung đó, từng doanh nghiệp lớn nhỏ cũng không thể đứng ngoài, mà sẽ phải nhận diện ra vị trí, vai trò, nhận diện cơ hội và thách thức cho ngành nghề, lĩnh vực mình đang theo đuổi là gì để tận dụng tối đa nguồn lực thì mới có thể tồn tại và phát triển.               

Vi Lâm

Tin xem nhiều