Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động cho cả trước mắt lẫn lâu dài

09:03, 30/03/2020

Tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên càng nhiều càng tốt là một trong những định hướng lớn cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, từ lâu đã được Chính phủ và Bộ Công thương vạch ra cho doanh nghiệp.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên càng nhiều càng tốt là một trong những định hướng lớn cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, từ lâu đã được Chính phủ và Bộ Công thương vạch ra cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua nhiều năm, tỷ lệ này tuy có tăng ở một số ngành nghề như: dệt may, giày da, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất và chế biến gỗ... nhưng hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của doanh nghiệp.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy một thực trạng là sau nhiều nỗ lực, tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều ngành chưa cao như mong đợi. Cụ thể, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân 7-10%, trong khi chiến lược phát triển ngành đề ra đến năm 2020 là 30-40%. Với ngành điện tử, tỷ lệ chỉ đạt từ 5-15%. Ở ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40-45%, vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Với ngành da - giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40-45%.

Điểm qua một số ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và của cả nước dễ dàng nhận thấy, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm vẫn chưa đủ cao để doanh nghiệp có thể chủ động hoàn toàn (hoặc phần lớn) nguồn nguyên liệu sản xuất ngay từ trong nước khi thị trường quốc tế gặp khó khăn.

Đại dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc - nơi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu lớn nhất thế giới - đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn khi nguồn cung nguyên vật liệu đột ngột bị tạm dừng. Doanh nghiệp hiện đang lọt vào thế khó khăn cả về nguyên liệu sản xuất lẫn thị trường xuất khẩu. Trong đó, những khó khăn về nguồn nguyên liệu cần những giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài. Nguyên nhân là do chỉ khi tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên đủ cao thì hàng hóa của Việt Nam mới có thể tham gia mạnh hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như có nhiều lợi thế hơn khi tham gia các thị trường chung thông qua những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang ký kết.

Trước mắt, để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp dệt may, giày da đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brasil... nhằm bù đắp tức thời nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Xa hơn một chút, Bộ Công thương cũng đã điều chỉnh, bổ sung chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để tìm kiếm các thị trường mới, trong đó có các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Về lâu dài, nguồn cung trong nước mới chính là giải pháp lâu bền cho sản xuất, do đó Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tăng cường tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu ngay trong nước. “Trong nguy có cơ”, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, phụ liệu của Việt Nam giới thiệu, kết nối và bán được sản phẩm cho chính các doanh nghiệp ở “sân nhà”.

Vi Lâm

Tin xem nhiều