Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ ''điểm nghẽn'' cho hạ tầng giao thông

08:10, 30/10/2020

Phát triển hệ thống giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng. Muốn phát triển kinh tế, giao thông phải đi trước một bước.

Phát triển hệ thống giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng. Muốn phát triển kinh tế, giao thông phải đi trước một bước.

Đối với Đồng Nai, địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, hệ thống hạ tầng giao thông càng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay hệ thống hạ tầng giao thông vẫn được xem là "điểm nghẽn” trong sự phát triển của Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Không nói đâu xa, dù đã trở nên quá tải và không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nhưng đoạn quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh hiện vẫn đóng vai trò là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM.

Nhìn rộng hơn, hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, từng được kỳ vọng là nhóm cảng tối quan trọng, đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế, có khả năng đón các “siêu tàu” lớn nhất thế giới và giảm quá tải cho toàn bộ các cụm cảng của TP.HCM, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chỉ hoạt động cầm chừng với một nửa công suất. Thiếu và yếu trong kết nối giao thông được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Thực tế đó cho thấy, khi đường vẫn “tắc” thì phát triển kinh tế khó “thông”.

Trong bối cảnh đó, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường cao tốc được xem là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế của Đồng Nai nói riêng cũng như toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Điều này đã được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Đồng Nai thấy rõ từ lâu. Đây cũng chính là động lực để Chính phủ hoạch định quy hoạch xây dựng hệ thống các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch những năm qua lại không được như kỳ vọng.

Đầu năm 2015, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được phát lệnh thông xe toàn tuyến. 5 năm sau, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn là tuyến cao tốc duy nhất được đầu tư xây dựng hoàn thiện và đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, các tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch hoặc phải thi công cầm chừng, hoặc lùi thời hạn khởi công, hoặc vẫn còn nằm trên giấy. Nguyên nhân của thực trạng này chính là do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án.

Chính vì vậy, việc tái khởi động các dự án xây dựng đường cao tốc mà tín hiệu rõ ràng nhất là việc khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối tháng 9 vừa qua được xem sẽ tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc đi qua gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Phan Thiết - Dầu Giây; Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Đà Lạt. Không khó để hình dung khi tất cả các tuyến đường cao tốc này được đầu tư xây dựng hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ tạo ra động lực to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi một khi "điểm nghẽn" kìm hãm sự phát triển được gỡ, quá trình phát triển sẽ diễn ra nhanh hơn là tất yếu.  

Lê Văn

Tin xem nhiều