Báo Đồng Nai điện tử
En

Linh hoạt để tồn tại và phát triển

06:05, 06/05/2021

"Giảm chi phí", "tái cơ cấu", "nâng cao nội lực", "tìm kiếm thị trường mới"... từng là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông, trên các diễn đàn, các phiên họp của Chính phủ, của chính quyền các địa phương...

“Giảm chi phí”, “tái cơ cấu”, “nâng cao nội lực”, “tìm kiếm thị trường mới”... từng là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông, trên các diễn đàn, các phiên họp của Chính phủ, của chính quyền các địa phương... ở thời điểm cách đây 10 năm - khi Việt Nam và thế giới đang trong đợt khủng hoảng kinh tế - tài chính diễn ra do sự sụp đổ của thị trường nhà đất.

Một thập niên sau, tức là ở thời điểm này, những cụm từ trên lại một lần nữa được nhắc lại - bởi đa số doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có sau hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng.

Sau 10 năm, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nền kinh tế thế giới đến nay đã trở thành sân chơi lớn mà hầu như không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Doanh nghiệp cũng vậy, họ gắn bó chặt chẽ với nhau trên nhiều phương diện, dù cùng ngành hay trái ngành. Khi đại dịch lan rộng, nhiều thị trường phải tạm đóng cửa, nhiều ngành ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng… đã khiến không ít chuỗi giao thương bị đứt gãy, hàng hóa khó xuất khẩu và gây nên những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp dùng từ “khủng khiếp” để mô tả.

Một lần nữa, doanh nghiệp lại phải đối diện với những thách thức mang tính sống còn. Tuy nhiên, lần này dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tầm nhìn và giải pháp của giới doanh nghiệp khi gặp khó khăn đã khác trước rất nhiều. Trong đó, ngoài những giải pháp mang tính truyền thống như: giảm chi phí, tái cơ cấu hoạt động, tìm nguồn vốn rẻ, mở rộng thị trường… thì việc chuyển đổi tư duy, ứng dụng công nghệ trở nên bức thiết. Có những ngành nghề được cho là sẽ “mãi mãi thay đổi” sau đại dịch Covid-19 với những định hướng hoạt động hoàn toàn khác. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề đã thu gọn lại các cửa hàng truyền thống, chuyển sang bán trực tuyến hoàn toàn, nhiều khóa học - đào tạo cũng chuyển sang “online” thay vì “offline” như trước, các dịch vụ y tế, giao thông… cũng có những chuyển biến mạnh mẽ hơn để thích nghi và tồn tại.

Song, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực, thời cơ, tầm nhìn để có những xoay xở kịp lúc, do đó nhiều chuyên gia kinh tế ví von dịch Covid-19 như một cuộc “thanh lọc” chưa từng có, trong đó doanh nghiệp nào tồn tại được nghĩa là doanh nghiệp đó đủ mạnh để tồn tại và vượt qua, thậm chí trong khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp nhìn thấy những thời cơ hiếm có và “nắm” được nó để mở rộng và phát triển thêm. Ngược lại, doanh nghiệp nào không thể thì lặng lẽ rời khỏi thị trường.

Một trong những mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là sự ổn định của thị trường chung để phát triển, song có lẽ với những biến đổi quá nhanh của thời đại, sự biến động mới là điều diễn ra thường xuyên nhất. Và doanh nghiệp buộc phải linh hoạt để thích nghi với một trạng thái “bình thường mới”, vì không loại trừ khả năng trạng thái “bình thường mới” này sẽ kéo dài hơn dự kiến vì cho đến lúc này, chưa ai dám khẳng định bao giờ đại dịch Covid-19 sẽ lui.

V.L

Tin xem nhiều