Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp đồng bộ để bảo vệ "thành trì" sản xuất

08:08, 05/08/2021

Một khi không duy trì được chuỗi sản xuất, một khi quá nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động thì hậu quả sẽ khó lường.

Một khi không duy trì được chuỗi sản xuất, một khi quá nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động thì hậu quả sẽ khó lường. Đầu tiên là công nhân, người lao động mất việc, mất nguồn sống; tiếp đó là DN không có lợi nhuận, bị “chặn đứng” dòng tiền và đứng trước khả năng phá sản. Và cuối cùng, nếu hàng loạt DN sụp đổ thì nền kinh tế cũng gặp khó khăn, thêm khó khăn cho Nhà nước trong việc tìm nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến lâu dài với dịch bệnh.

Vậy nên giữa bộn bề khó khăn khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng mỗi ngày, Chính phủ nói chung, các bộ, ngành, địa phương nói riêng đang phải nỗ lực rất lớn để có những biện pháp, chính sách hiệu quả, kịp thời nhằm trợ lực cho DN và bảo vệ, giữ vững “thành trì” sản xuất.

Điều đáng mừng là ở làn sóng dịch lần thứ 4 này, các quyết sách và chính sách hỗ trợ DN đã kịp thời hơn, sát sườn hơn. Đầu tiên, Hiệp hội Ngân hàng đã nhanh chóng họp và đưa ra chính sách giảm lãi suất cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, áp dụng tại hàng chục ngân hàng thương mại lớn nhỏ với mức giảm 1%/năm. Trên lĩnh vực thuế, nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm, giãn nghĩa vụ thuế cho DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thêm nguồn lực tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các dịch vụ thiết yếu khác như: điện, nước, viễn thông cũng tung ra các gói hỗ trợ khách hàng với mức hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, để “chia lửa” cùng DN, Chính phủ và các địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đời sống người lao động, ưu tiên phân bổ nguồn vaccine cho công nhân lao động nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất trong bối cảnh khó khăn này.

Những quyết sách mang tính nền tảng nói trên được DN đón nhận nhiệt tình. Song nhìn thực tế, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong hoàn cảnh khó khăn này, còn cần đến sự nhanh nhạy, kịp thời trong hỗ trợ, hướng dẫn và thông tin đầy đủ để DN vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh một cách an toàn. Đó là kiểm soát dịch nhưng cũng tạo điều kiện để DN tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thuận lợi hơn, cắt giảm các thủ tục hành chính không quá cấp thiết, linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh…

Về phía DN, có lẽ cũng cần sự hợp tác ở mức cao nhất với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch, cùng đưa ra các giải pháp hiệu quả để duy trì sản xuất một cách an toàn nhất có thể. Trong bối cảnh này, có lẽ không cá nhân, tập thể nào có thể “đứng một mình”, mà tất cả đều cần sự hợp sức, chung tay cùng vượt qua đại dịch để sớm đưa mọi thứ trở lại bình thường. 

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều