Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp cán bộ trưởng thành từ thực tiễn

02:04, 13/04/2022

Ngày 7-10-2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý với mục đích đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...

Ngày 7-10-2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý với mục đích đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...

Thực hiện quy định này, tại Đồng Nai, từ tháng 10-2017 đến hết năm 2021, đã có 84 cán bộ được luân chuyển. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến thời điểm này, những cán bộ được luân chuyển cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đây là cơ hội cho những cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Tuy nhiên, thực tế từ công tác luân chuyển cán bộ cũng cho thấy còn những bất cập rất cần được khắc phục để đảm bảo công tác này phát huy hiệu quả và mục đích đề ra. Trong đó, đáng chú ý là quy định về thời gian luân chuyển 3 năm dường như chưa đủ để “thử lửa” cán bộ. Một số cán bộ trong thời gian luân chuyển còn có suy nghĩ nơi mình tới chỉ là “trạm dừng chân” nên chưa bộc lộ hết khả năng trong vị trí công tác mới được luân chuyển, chưa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, do tâm lý muốn an toàn cho hết thời gian luân chuyển nên còn có những cán bộ luân chuyển thụ động trong công việc, chưa có những giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ là một yêu cầu cấp thiết hiện nay trong công tác xây dựng Đảng, góp phần khắc phục tình trạng cán bộ cấp trên “chỉ biết trông từ trên xuống”, còn cán bộ ở địa phương “chỉ biết trông từ dưới lên”. Khắc phục được hạn chế này sẽ góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, nhất là phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ được luân chuyển với sự phát triển của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, từng bước loại bỏ tư duy khép kín, cục bộ địa phương vốn là một điểm yếu trong công tác cán bộ nhiều năm qua.

Một trong những quan điểm, nguyên tắc trong công tác luân chuyển cán bộ được Quy định số 98 chỉ rõ là việc luân chuyển cán bộ phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời, có quy định quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển. Bởi, chỉ khi cán bộ được luân chuyển phát huy được năng lực của mình mới trưởng thành nhanh và toàn diện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều