Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn bẫy "tín dụng đen" trong công nhân

07:07, 21/07/2022

Sau đại dịch Covid-19, do giảm thu nhập, đời sống gặp khó khăn nên nhiều công nhân lao động đã vay "tín dụng đen" và bị sa bẫy khi lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng chi trả.

Sau đại dịch Covid-19, do giảm thu nhập, đời sống gặp khó khăn nên nhiều công nhân lao động đã vay “tín dụng đen” và bị sa bẫy khi lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng chi trả.

Công nhân lao động đang rất trông chờ vào những gói hỗ trợ tín dụng để không sập bẫy “tín dụng đen”. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Parket Seal Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh minh họa: T.MY
Công nhân lao động đang rất trông chờ vào những gói hỗ trợ tín dụng để không sập bẫy “tín dụng đen”. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Parket Seal Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh minh họa: T.MY

Nhiều công nhân do không trả nợ đúng hạn đã bị các đối tượng cho vay đe dọa, khủng bố, gây áp lực để đòi nợ…

* Đau đầu trả nợ

Nữ công nhân N.T.M (ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) cho biết, do hoàn cảnh khó khăn sau dịch bệnh nên chị đã vay tiền lãi suất cao 50 triệu đồng từ tháng 4-2022. Đến cuối tháng 6, số tiền vay và lãi đã lên tới 128 triệu đồng. Vì chưa trả kịp nợ, chị M. bị các đối tượng lạ mặt khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện, nhắn tin, đăng hình lên mạng xã hội rồi vu khống, bêu rếu, xúc phạm danh dự, làm cho chị không còn tâm lý để làm việc

“Tôi làm việc tại một doanh nghiệp ở H.Trảng Bom. Sau 2 năm dịch bệnh khó khăn, thu nhập giảm nên cuộc sống lâm vào bế tắc khi phải nuôi 3 con ăn học. Do đó, khi đọc tờ rơi cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp và nhận tiền trong ngày, tôi đã liên lạc và làm thủ tục vay. Tuy nhiên, lãi suất tăng quá cao, lương hằng tháng không đủ để chi trả. Tôi bị nhiều người gọi điện đòi nợ, đăng hình gia đình lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ danh dự và ép trả tiền. Sau 2 tuần liên tục bị khủng bố như vậy, buộc lòng tôi phải cầu cứu người thân, gia đình ở quê hỗ trợ trả nợ mới được yên thân” - chị M. cho hay.

Còn chị T.C.H., làm việc tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất pin ắc quy trên địa bàn H.Nhơn Trạch, cho biết gia đình chị liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi, tin nhắn của những người lạ. Trước đó, vào tháng 3-2022, chị H. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ yêu cầu thanh toán gấp tiền vay nợ. “Tôi hỏi chồng mới biết anh dùng ảnh chụp chứng minh nhân dân để vay trên app điện thoại với số tiền 10 triệu đồng. Số tiền vay tuy không lớn nhưng cả gia đình bị làm phiền, quấy rối trong hơn 1 tháng” - chị H. chia sẻ.

Hiện ngoài các hình thức vay tiền qua app, trên mạng xã hội thì tại các khu nhà trọ công nhân, bờ tường, cột điện, cổng công ty… có nhiều thông tin quảng cáo giúp công nhân vay tiền một cách dễ dàng mà không cần thế chấp tài sản. Anh T.V.T, một cán bộ Công đoàn cơ sở tại H.Nhơn Trạch cho hay nạn “tín dụng đen” hiện vẫn còn hoạt động. Vì vậy, tỉnh cũng như các ngành chức năng cần có những giải pháp để hạn chế “tín dụng đen” tiếp cận công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp.

* Tích cực hỗ trợ công nhân vay vốn

Tại chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ngày 12-6, nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân đã nêu vấn đề “tín dụng đen” bủa vây khu công nghiệp và kiến nghị xử lý vấn đề này. Nhiều cán bộ Công đoàn cho biết, đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào “tín dụng đen”. Các cán bộ Công đoàn cho rằng, hiện rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến “tín dụng đen”. Từ thực tế đó, Chính phủ cần có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng để công nhân không phải đi vay lãi nặng.

Gần đây, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động với các công ty tài chính để hỗ trợ công nhân vay vốn. Chương trình phúc lợi gồm các gói vay tiêu dùng ưu đãi, thẻ tín dụng dành riêng cho đoàn viên, người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn mua sắm, sửa chữa nhà cửa, cho vay trả góp, thẻ rút tiền mặt khẩn cấp với lãi suất ưu đãi.

Nhằm hỗ trợ công nhân lao động có nhu cầu vay vốn tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý, mới đây Ngân hàng Nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã bàn giải pháp phối hợp giải ngân gói tài chính tiêu dùng lên tới 20 ngàn tỷ đồng cho công nhân vay. Đây được xem là một trong những công cụ tài chính hiệu quả, không chỉ góp phần ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen” mà còn giúp công nhân được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi phục vụ cuộc sống. Đặc biệt, thủ tục đơn giản, thời hạn vay từ 3 tháng đến 3 năm, với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Thời gian qua, các cấp Công đoàn Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và ngân hàng hỗ trợ công nhân vay vốn để cải thiện đời sống. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam Lê Nhật Trường cho biết, để giúp công nhân thoát khỏi cảnh vay “tín dụng đen”, Công đoàn đã liên hệ với các tổ chức tài chính chính thống, có uy tín như: Quỹ CEP, các ngân hàng… tạo nguồn vốn cho công nhân vay vốn, cải thiện đời sống. Đến nay, đã tổ chức cho hàng chục ngàn lượt công nhân vay với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, giúp nhiều công nhân tránh xa “tín dụng đen” để yên tâm sản xuất.

Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Công nghiệp gốm sứ Taicera (H.Long Thành) Hồ Thanh Thùy cho rằng, một trong những giải pháp để hạn chế vấn nạn trên là tạo điều kiện cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để có thể trang trải sinh hoạt. Ngoài ra, các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn nạn “tín dụng đen” để nâng cao nhận thức, đồng thời hướng dẫn cho công nhân lao động biết về các chương trình phúc lợi để góp phần hạn chế vay nặng lãi bên ngoài.             

Thảo My

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích