Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo Nguyễn Minh Hải: Cùng con lớn lên từng ngày

03:06, 19/06/2020

Nhà báo Nguyễn Minh Hải (làm báo từ năm 1998, bút danh Trúc Giang, hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, TP.HCM) vừa ra mắt tác phẩm Cùng con lớn lên từng ngày (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành trung tuần tháng 6-2020).

Nhà báo Nguyễn Minh Hải (làm báo từ năm 1998, bút danh Trúc Giang, hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, TP.HCM) vừa ra mắt tác phẩm Cùng con lớn lên từng ngày (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành trung tuần tháng 6-2020).

Trong cuộc chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, nhà báo Nguyễn Minh Hải vui vẻ kể về “cơ duyên” của một nhà báo với tác phẩm thú vị kể chuyện dạy con vừa xuất bản:

“Từ hồi chưa lập gia đình, tôi đã thuộc nằm lòng câu này: “Vui nhất không gì bằng xem sách, cần nhất không gì bằng dạy con”. Là một nhà báo, tôi rất thường xuyên đọc sách và xem đó là một nhu cầu hơn là một thói quen. Khi có con, tôi cũng rất chú ý việc dạy con, không phải chỉ làm tròn trách nhiệm của một người cha mà còn là thể hiện trách nhiệm với gia đình, với xã hội và nhất là với chính các đứa con của mình. Xét kỹ ra, dạy con là bổn phận của tất cả những người làm cha mẹ, dù họ có làm công việc gì đi nữa. Tôi nghĩ rằng, là nhà báo thì có thêm điều kiện hơn một số người khác trong việc dạy con, bởi có nhiều cơ hội đọc các tài liệu hay tiếp xúc các chuyên gia về lĩnh vực này”.

* Chăm sóc và giáo dục con là chủ đề được tất cả các bậc phụ huynh rất quan tâm, nhưng mỗi bậc cha mẹ lại có một kiểu dạy khác nhau, tính nết con của họ cũng khác. Những chia sẻ từ kinh nghiệm của anh liệu có một “mẫu số chung” nào để mọi gia đình có thể tham khảo?

- Đúng vậy! Yêu thương con và quan tâm, chăm sóc, giáo dục con là điểm chung của tuyệt đại các bậc cha mẹ nhưng cách mà mỗi người thương yêu, dạy dỗ con lại có thể có khác nhau. Khó có thể nói cách của người nào hay hơn cả, vì nó phải phù hợp với những điều kiện cụ thể về nhiều mặt, như hoàn cảnh gia đình, tính cách của cha mẹ, tính khí của con... Ta không là một người nào đó nên khó biết được rằng cách dạy con của họ có đúng không, có hay không, có hợp lý không... Dẫu vậy, đôi khi ta cũng bắt gặp những trường hợp dạy con mà nhiều người cho là sai lầm như quá chiều chuộng con, quá bảo bọc con, hay sử dụng roi vọt, thậm chí dạy con một đàng nhưng bản thân thì làm một nẻo... Dù vậy, có thể chính họ vẫn nghĩ rằng cách dạy con của mình là đúng!

Tôi rất thích câu nói của học giả Nguyễn Hiến Lê: “Đừng xem trẻ con là người lớn thu nhỏ”. Trẻ con có đặc điểm tâm sinh lý riêng, nhu cầu riêng, năng lực riêng chứ không phải là một người trưởng thành đã được thu nhỏ lại theo một tỷ lệ nào đó. Và chính trẻ con cũng cho ta nhiều bài học thú vị, bổ ích, thậm chí quý giá. Tôi không dám cho đây là “mẫu số chung” mà chỉ thấy rằng điều này nên được các bậc cha mẹ quan tâm, lưu ý và vận dụng.

* Trong nhiều câu chuyện dạy con mà anh ghi lại, những câu chuyện/vấn đề nào làm anh tâm đắc nhất?

- Tôi nhớ mãi câu chuyện Học trò biết học trong Cổ học tinh hoa, kể chuyện ông Công Minh Tuyên đến học ở nhà thầy Tăng Tử 3 năm mà không mấy khi đọc sách. Tăng Tử thắc mắc thì người học trò họ Công mới thưa rằng bấy lâu nay cậu vẫn luôn học bằng cách quan sát thầy ở trong nhà lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã trước mặt song thân; thầy ứng tiếp bạn bè cung kính, ung dung, rất có lễ độ; thầy ở triều đình bề ngoài rất nghiêm mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai; đến giống vật như chó, mèo thầy cũng không quở mắng bao giờ...

Thế nên tôi nghĩ việc làm gương cho con là điều quan trọng. Để sự hiện diện của người cha trong cuộc sống thường ngày cũng là một cách giáo dục, tôi luôn biến các câu chuyện của mình, của gia đình mình để thành các bài học cho con suy nghĩ, chia sẻ, học theo, kể các lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân mà không tránh né. Điều này tôi cũng học từ cha tôi rồi vận dụng theo điều kiện cụ thể của mình. Thí dụ, tôi không nói mày tao với bất kỳ ai trước mặt con, và tất nhiên không bao giờ nói từ đó với con; không văng tục, dùng từ thô tục, bỗ bã để con nghe thấy... Tôi cũng rèn lối sống giản dị, lành mạnh trong điều kiện có thể và động viên các con làm theo.

* Trong sách Cùng con lớn lên từng ngày có bài về “Dạy con đọc sách”. Anh có thể chia sẻ vai trò của phụ huynh trong việc giúp con mình đọc sách trong bối cảnh phát triển công nghệ, nhiều nền tảng nội dung ra đời thu hút trẻ em như YouTube xem qua điện thoại thông minh, iPad...?

- Trước hết, cha mẹ phải làm gương cho con về việc đọc sách. Nếu người làm cha mẹ quanh năm không đọc trang sách nào mà cứ một hai đòi con phải đọc sách này sách nọ thì e là rất khó!

Nhà báo Nguyễn Minh Hải (bìa phải) và gia đình. Ảnh: NVCC
Nhà báo Nguyễn Minh Hải (bìa phải) và gia đình. Ảnh: NVCC

Lâu nay tôi thực hiện đồng thời “dạy con đọc sách” và “cùng con đọc sách”. Dạy con đọc sách là tập cho con có thói quen đọc sách, yêu thích sách, biết chọn sách gì phù hợp, biết đọc thế nào cho hiệu quả... Cùng con đọc sách là cùng đọc với con những quyển sách nào đó (như tôi thường đọc lại với các con tôi cuốn Tâm hồn cao thượng, Ngụ ngôn La Fontaine, Truyện cổ Andersen...), giải thích cho con những chỗ khó hiểu, trao đổi, chia sẻ với con về những điều đọc được trong sách... Có nhiều điều tốt đẹp mà sách mang lại, nhất là những đức tính, những thói quen tốt như óc tưởng tượng, sự kiên nhẫn, tinh thần khiêm tốn...

Tất nhiên, trong bối cảnh mà nhiều thiết bị công nghệ cao chia sẻ đáng kể thời gian của trẻ thì người lớn cũng cần có sự nhìn nhận mới. Chúng ta không thể tuyệt đối hóa vai trò của sách, ý nghĩa của việc đọc sách mà xem nhẹ giá trị của các thiết bị công nghệ cao. Nếu chúng ta chọn lựa được nội dung tốt từ YouTube, từ internet thông qua iPad, điện thoại thông minh... thì vẫn có thể cung cấp cho trẻ những thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

* Trong thời đại hôm nay, theo anh hằng ngày cha mẹ cần dành thời gian bên cạnh con ở mức độ nào là phù hợp?

- Trong cuốn sách của mình, có một bài tôi tự thấy thú vị mà lại rất thật là “Ba đừng ôm con chặt quá!”. Chúng ta thường muốn luôn ở cạnh con hoặc muốn con luôn ở cạnh chúng ta, không chỉ vì yêu thương mà còn vì cảm giác yên tâm thì thấy con trong tầm kiểm soát của mình. Kể cả khi con đã lớn khôn rồi.

Có người nói, cuộc sống bây giờ đầy rẫy rủi ro, nguy hiểm nên cứ ở gần con được càng nhiều càng tốt. Tôi chia sẻ suy nghĩ đó nhưng thực ra rất khó thực hiện được và cũng không nên thực hiện triệt để. Con bao giờ cũng có thế giới riêng của nó, như các con tôi đến tuổi dậy thì thì không muốn cha mẹ nựng nịu hay đi cùng cha mẹ đến bất kỳ nơi nào như hồi bé. Chúng hay tự mình làm những gì chúng thích hoặc muốn chứ không hoàn toàn theo ý của cha mẹ. Tốt hơn hết là ta nên tìm cách thích hợp quan sát và có cách giúp đỡ cần thiết để cho trẻ trải nghiệm, thay vì bắt con phải làm việc này, không được làm việc kia. Suy cho cùng, những đứa trẻ có tính đó đã thể hiện sự tích cực vì các con bộc lộ sự tự chủ, độc lập, ít lệ thuộc, điều mà nhiều người làm cha mẹ hay lo lắng. Dẫu lo lắng nhưng ít người chịu cho con sự tự do cần thiết!

Do đó, tôi thấy rằng, cha mẹ vẫn cần và nên hiện diện thường xuyên trong cuộc sống của con đến mức cơ bản hiểu được lúc con đang vui vì điều gì, biết được con đang cần gì, chia sẻ được lúc con đang buồn việc gì... Đừng rơi vào chuyện phải “giật mình” thốt lên câu: “Tôi tưởng con tôi không như vậy đâu!”. Còn thời gian cụ thể, khoảng cách cụ thể, tức là bên cạnh con bao lâu và bao xa thì tùy điều kiện cụ thể của từng người, từng gia đình... Một đứa trẻ vốn rụt rè, thụ động mà cha mẹ ở xa quá thì nó cảm thấy bị bỏ rơi. Một đứa trẻ linh hoạt, hiếu động mà cha mẹ lại ở gần quá thì nó cảm giác như bị “quản thúc”...

* Xin cảm ơn anh!

Với tôi, dạy con bên cạnh là trách nhiệm còn là tình yêu thương vô bờ. Tôi thường nói: Các con chính là báu vật của cha! Là một người cha rất mực yêu thương các con, tôi cũng hay quan sát và nhờ đó, tôi nhìn thấy sự lớn lên, sự trưởng thành của các con, cả ở khía cạnh vật chất lẫn ở khía cạnh tâm hồn. Trong quá trình “làm cha”, có nhiều điều đã được tôi ghi chép lại, như các chiêm nghiệm, cũng có một số thành các kinh nghiệm dạy con, chủ yếu để chính mình đọc lại. Đây là các mẩu chuyện, các kỷ niệm, các trải nghiệm của bản thân tôi ở gia đình nói chung và trong việc dạy con nói riêng. Nhiều năm qua, tôi hay chia sẻ những điều này dưới dạng các bài viết ngắn đăng trên một số báo, nay có điều kiện tập hợp lại để làm một tập sách dành tặng cho các con, đồng thời có thể góp chút kinh nghiệm dạy con cho một số người khác” - nhà báo Nguyễn Minh Hải.

T.Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều