Báo Đồng Nai điện tử
En

''Cô tiên'' của học trò nghèo

09:07, 03/07/2020

Mấy tháng nay, cứ vào chiều muộn từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, tiếng trẻ con đọc chữ lại vang lên trên khu Đồi Mân Côi (thuộc xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom).

Mấy tháng nay, cứ vào chiều muộn từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, tiếng trẻ con đọc chữ lại vang lên trên khu Đồi Mân Côi (thuộc xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom).

Lớp học tình thương luôn tràn ngập tiếng cười của cô Nguyễn Thị Lệ Thu. Ảnh: H.Dung
Lớp học tình thương luôn tràn ngập tiếng cười của cô Nguyễn Thị Lệ Thu. Ảnh: H.Dung

Đó là lớp học tình thương dành cho những trẻ em nghèo, theo cha mẹ từ các tỉnh miền Tây lên Đồng Nai mưu sinh, do cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thu đứng lớp. Cũng từ lớp học này, những gam màu sáng bắt đầu được mở ra, dệt nên những ước mơ tươi đẹp.

* Có duyên với trẻ em nghèo

Cô Nguyễn Thị Lệ Thu năm nay 33 tuổi, quê gốc ở Cần Thơ, lên Đồng Nai cùng gia đình từ năm 1999. Cô Thu hiện ngụ tại P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), được nhiều người biết đến là cô giáo hay lo chuyện “bao đồng” và rất có tâm với học trò nghèo.

Cô Thu chia sẻ, năm 2005, khi vào chơi trong Dòng Đa Minh Thánh Tâm, được một dì trong nhà Dòng nói đang cần một người đứng lớp dạy chữ cho các em nhỏ trong lớp học tình thương Chân Lý (gần Trường THPT Nguyễn Trãi). Lúc đó, dù chưa học qua trường lớp sư phạm nhưng nghe nói đến dạy học cho trẻ em nghèo, cô Thu nhận lời ngay.

Sau 3 năm vừa học THPT, vừa dạy học ở lớp tình thương Chân Lý, nữ sinh Nguyễn Thị Lệ Thu bước chân vào giảng đường Trường đại học Sư phạm TP.HCM Khoa Giáo dục tiểu học.

Cô Thu vẫn thường xuyên cập nhật các thông tư, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa về kiến thức, chương trình học của học sinh tiểu học để dạy dỗ các em. Đồng thời, liên hệ với các giáo viên đang giảng dạy ở các trường học trên địa bàn và Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa để được hỗ trợ khi cần. Tất cả đều hướng đến mục đích đem lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò nghèo.

Ra trường với tấm bằng loại giỏi, ban đầu cô Thu muốn xin vào làm tại một trường tiểu học công lập ở gần nhà nhưng sau đó thay đổi ý định. Cô Thu mở lớp dạy kèm các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh ở nhà rồi cùng 4 người khác thay phiên nhau dạy học cho học sinh nghèo ở lớp Học tình thương Tân Hòa (mượn cơ sở của Trung tâm học tập cộng đồng phường, KP.4, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

Đến tháng 9-2019, lớp học tình thương trên Đồi Mân Côi ra đời. Nhớ về hoàn cảnh thành lập lớp, cô Thu kể, khi cô đang dạy học ở lớp tình thương Tân Hòa, ông Trần Văn Mừng, 65 tuổi, một người dân địa phương đã đến tìm gặp cô. Ông nói ở khu vực gần nơi ông sinh sống có nhiều trẻ em ở trọ, từ miền Tây theo ba mẹ lên Đồng Nai. Có nhiều em dù đã 13, 14 tuổi nhưng vẫn không biết chữ. Nhiều em đến tuổi đi học mà không được đến lớp, chỉ quanh quẩn ở phòng trọ hoặc theo cha mẹ đi bóc vỏ cây cho các xưởng gỗ kiếm sống qua ngày. Thấy cảnh như vậy, ông Mừng không đành lòng nên đi tìm cô Thu, nhờ cô mở lớp dạy các em biết chữ.

2 ngày sau đó, lớp học được thành lập, ban đầu có 6 học sinh. Đến nay, sĩ số học sinh đã lên tới 45 em, độ tuổi từ 5-14 tuổi. Biết được mục đích tốt đẹp của lớp học, Giáo họ Đồi Mân Côi đã cho cô Thu mượn cơ sở vật chất gồm 2 phòng học, 2 phòng để đồ dùng và một phòng vệ sinh. Toàn bộ bàn ghế, điện, nước sinh hoạt đều được miễn phí.

Để các em có đồ dùng học tập, cô Thu lên Facebook kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ cho lớp học một chiếc bảng để dạy học. Sau khi kêu gọi, cô được mạnh thường quân hỗ trợ 2 chiếc bảng, chia cho 2 phòng (một lớp mẫu giáo gồm 25 em từ 5-6 tuổi và một lớp vỡ lòng gồm 20 em từ 7-14 tuổi). Tất cả đồ dùng học tập, sách vở, quần áo đều do cô Thu mang đến cho học trò. Những học sinh nào đi học chuyên cần sau 1 tháng sẽ được cô giáo khích lệ bằng việc tặng cho một chiếc cặp sách, một bộ quần áo và một đôi dép. Một người bạn của cô Thu và 2 người trong Giáo họ Mân Côi cũng thay phiên nhau phụ giúp cô dạy chữ cho các em.

* Nhờ có lớp học tình thương

Chở con đến lớp học rồi ngồi chờ ở bên ngoài để đưa con về, chị Thạch Thị Kim Anh (quê tỉnh Bạc Liêu), dân tộc Khmer tâm sự, ở quê quá khó khăn nên 7 năm trước vợ chồng chị cùng mẹ và đứa con trai mới 6 tháng tuổi khăn gói lên Đồng Nai tìm công việc. Tới P.Tân Hòa, cả gia đình thuê một phòng trọ nhỏ, bà ngoại ở nhà giữ cháu còn 2 vợ chồng đi làm thuê ở xưởng mộc trên địa bàn phường.

Thu nhập của 2 vợ chồng được khoảng 8 triệu đồng/tháng, cứ thiếu trước hụt sau vì còn phải lo cho hai bên gia đình nội ngoại, tiền nhà trọ, tiền sữa cho con, mua sắm thức ăn, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.

“Có cơm ăn ngày hai bữa đã là may lắm rồi, vợ chồng tôi đâu dám nghĩ tới việc cho con đi học. Nhờ có chú Mừng báo có lớp học tình thương không mất tiền, vợ chồng tôi mới cho con đến đây học. Ngồi ở ngoài nghe các con đọc chữ, tôi mừng lắm” - chị Kim Anh chia sẻ.

Ở bên cạnh, chị Ngô Thị Nương, quê tỉnh Hậu Giang nói thêm: “Tôi bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe không tốt, thi thoảng lại bị ngất khi đang làm việc. Mấy tháng trước, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến công việc của hai vợ chồng bấp bênh. 3 tháng nay, tôi không còn việc làm. Cuộc sống gia đình vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn nên chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện 2 con nhỏ 6 tuổi và 7 tuổi được đi học chữ. Nhờ có lớp học tình thương, nhờ có cô Thu, các con tôi mới biết mặt chữ”.

Ngồi đánh vần chữ cái theo bạn, Ngọc (14 tuổi, dáng người nhỏ thó như học sinh lớp 3) cho hay, em quê ở tỉnh Cà Mau, không biết họ tên đầy đủ của mình là gì. Ban ngày, em phụ mẹ đi bóc vỏ cây kiếm vài chục ngàn đong gạo. Hơn 1 tuần nay, mẹ cho em đến lớp học tình thương của cô Thu để học.

Cách đó vài bàn, cậu bé Huỳnh Khánh Duy bộc bạch: “Học với cô Thu thích lắm. Cô Thu vui tính, hay cho tụi con bánh kẹo, quần áo, lúc nào cô cũng động viên tụi con cố gắng lên, viết bài cho đúng, cho đẹp, đọc chữ rõ ràng. Con rất thương cô Thu nên ngày nào con cũng đi học, dù trời có mưa cũng không nghỉ buổi nào…”.

* Trăn trở vì tương lai học trò

Khi được hỏi điều gì khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc nhất sau hơn 10 năm dạy học tại các lớp học tình thương, cô Thu bộc bạch, đó là sự trưởng thành của học trò, là các em biết đọc, biết viết, biết vâng lời cha mẹ, cô giáo, biết chào hỏi người lớn khi gặp mặt, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi.

Cô Thu dạy học tại lớp học tình thương
Cô Thu dạy học tại lớp học tình thương

Học trò của cô Thu có những người đã lập gia đình, có những người đang đi học nghề, cũng có những người đang xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Điểm chung của họ là dù có đi đâu vẫn luôn nhớ về cô giáo đã dày công dìu dắt, dạy dỗ mình nên người. Vào các dịp Tết, sinh nhật cô Thu hoặc Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, những học sinh cũ lại gọi điện chúc mừng. Nhiều em đến nhà thăm hỏi, chúc sức khỏe cô, cũng có nhiều em tự tay làm những tấm thiệp nhỏ, xinh xắn, đơn sơ kèm dòng chữ: “Cảm ơn cô rất nhiều”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng là động lực to lớn để cô giáo Lệ Thu tiếp tục cố gắng hơn trong sự nghiệp trồng người.

Mặc dù có nhiều học sinh đã trưởng thành, nhưng điều cô Thu trăn trở nhất là làm sao để tất cả các em đều có môi trường học tập tốt hơn.

“Học ở lớp học tình thương để biết đọc, biết viết, biết tính toán là chuyện bình thường. Tôi muốn các em đi học ở các trường học công lập trên địa bàn. Ở đó, các em được học nhiều môn học, có điều kiện tốt để phát triển toàn diện hơn nhưng do lo ngại ít nhiều có tốn chi phí nên gia đình các em chưa đồng ý. Tôi sẽ tiếp tục vận động phụ huynh, giúp phụ huynh làm giấy tờ để các em học sinh nhập học nếu cần thiết, phụ giúp chi phí cho các năm học đầu tiên, để các em được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt hơn, nâng cao nhận thức, vươn cao, vươn xa hơn nữa chứ không chỉ giới hạn ở lớp học tình thương” - cô Thu tâm sự.       

Hạnh Dung

Tin xem nhiều