Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ múa Lâm Đại: Người ''góp lửa'' phong trào

03:08, 14/08/2020

Bắt đầu từ một diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, nghệ sĩ Lâm Đại (Hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh) đã từng bước "ghi tên" mình trong làng biên đạo múa xứ Đồng Nai nói riêng và các sân chơi, phong trào nghệ thuật quần chúng khu vực, cả nước nói chung.

 

Bắt đầu từ một diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, nghệ sĩ Lâm Đại (Hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh) đã từng bước “ghi tên” mình trong làng biên đạo múa xứ Đồng Nai nói riêng và các sân chơi, phong trào nghệ thuật quần chúng khu vực, cả nước nói chung.

Nghệ sĩ Lâm Đại (giữa) vinh dự đoạt giải A Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (giai đoạn 2011- 2015)
Nghệ sĩ Lâm Đại (giữa) vinh dự đoạt giải A Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (giai đoạn 2011- 2015). Ảnh: L.Na

Mặc dù có hơn 30 năm gắn bó với nghề nhưng tình yêu, niềm say mê với nghệ thuật múa của nghệ sĩ Lâm Đại vẫn luôn tươi mới, tràn đầy và trọn vẹn.

* Tâm huyết với nghệ thuật múa

Bắt đầu từ những năm 80, anh theo học khóa đầu tiên chuyên ngành Múa tại Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, cái nôi đào tạo nghệ thuật của tỉnh. Sau khi tốt nghiệp, có thời gian anh về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), rồi ra hoạt động nghệ thuật độc lập và thành lập Công ty TNHH MTV Lâm Đại chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa. Năm 2017, anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam.

Là thế hệ nghệ sĩ múa đầu tiên của tỉnh, cũng thuộc lớp thế hệ biên đạo múa “có tiếng” trong làng múa ở Đồng Nai, song chưa bao giờ nghệ sĩ Lâm Đại ỷ lại vào lợi thế ấy. Anh luôn xem đó là động lực để nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động nghệ thuật nghiêm túc nhằm khẳng định tài năng của mình, góp sức đưa nghệ thuật múa cũng như hoạt động phong trào của tỉnh ngày càng phát triển xứng tầm.

Hơn 30 năm đến với nghệ thuật múa, không thể đếm hết những tác phẩm nghệ sĩ Lâm Đại sáng tạo cho các hoạt động phong trào. Nhiều tác phẩm đoạt được giải thưởng cao tại các liên hoan, cuộc thi ở trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như: huy chương vàng tác phẩm Ký ức lời ru, tác phẩm Những đứa con của biển trong Liên hoan Tiếng hát miền Đông năm 2010 và năm 2012; giải B của Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm múa Ngôi sao biển; giải A - Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (giai đoạn 2011- 2015)…

 

Những năm gần đây, nghệ sĩ Lâm Đại có mặt cùng các đơn vị nghệ thuật không chuyên trong và ngoài tỉnh, các ngành trong và ngoài quân đội. Những tác phẩm múa anh biên đạo và dàn dựng chương trình cứ thế nối tiếp nhau ra mắt công chúng như: múa Tình quân dân; Ân tình người thợ; Những đứa con của biển… Mới đây nhất, tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân lần thứ 11-2020 diễn ra ở Cà Mau, nghệ sĩ Lâm Đại biên đạo tiết mục Dệt mãi niềm tin. Tiết mục xuất sắc đoạt giải B.

Xông xáo đi vào đời sống, tìm đề tài, thực nghiệm cách thể hiện, nghệ sĩ Lâm Đại mạnh dạn nắm bắt cái hay, vẻ đẹp của các ngành nghề, con người và vùng đất Đồng Nai, đưa hình tượng ngôn ngữ múa vào tác phẩm. Anh luôn tâm niệm, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, sức sống lâu bền với thời gian khi nó được gắn liền với cội nguồn truyền thống, phát triển từ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Bởi vậy, mỗi một bài múa của anh đều mang chiều sâu hơi thở của cuộc sống, xoáy vào tim người xem một cảm xúc rất gần gũi, ấm áp.          

Trong những tác phẩm tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng, công chúng nhìn nhận ở nghệ sĩ Lâm Đại tính chất hóm hỉnh, cái trữ tình đan xen với cái hùng tráng, tính nhân văn… không pha trộn sự ủy mị, sướt mướt. Bởi vậy, ngoài biên đạo tác phẩm múa truyền thống, múa đương đại anh còn mạnh dạn sáng tạo tác phẩm múa hài. Anh nói rằng, đó là trách nhiệm trong sáng tạo và tổ chức nghệ thuật. Múa cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, phải có tình yêu, đam mê và sự lao động tử tế. Đây là những yếu tố quan trọng làm nên những điều kỳ diệu...

* Tích cực hoạt động phong trào

Chia sẻ về những kỷ niệm trong hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật múa, nghệ sĩ Lâm Đại tâm sự rằng, mỗi lần biên đạo một tác phẩm múa là một kỷ niệm trong đời của anh. Từ thời đi học, kiến thức thầy cô truyền đạt (đặc biệt là cố nghệ sĩ nhân dân Thái Ly) đã giúp anh trưởng thành, nghiêm túc học hỏi, luyện tập. Khi thành nghề, anh đi biểu diễn rồi biên đạo múa ở khắp các địa phương, trong và ngoài tỉnh. Càng đến hoạt động phong trào ở những địa bàn khó khăn, càng thôi thúc người nghệ sĩ trong anh sáng tạo mạnh mẽ.

 Tiết mục múa Vươn tới tầm cao do nghệ sĩ Lâm Đại biên đạo tham gia Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XIX-2020
Tiết mục múa Vươn tới tầm cao do nghệ sĩ Lâm Đại biên đạo tham gia Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XIX-2020

“Nếu không có dịch Covid-19, thời điểm này tôi sẽ về các địa phương, công ty biên đạo nhiều tiết mục, dàn dựng chương trình cho các đơn vị tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng. Điều này không chỉ giúp tôi trải nghiệm mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới. Qua ngôn ngữ múa, các tác phẩm động viên mọi người hăng say lao động sản xuất, xây dựng Đồng Nai ngày càng giàu, đẹp” - nghệ sĩ Lâm Đại bộc bạch.

Cùng với biên đạo, dàn dựng múa, nghệ sĩ Lâm Đại lên ý tưởng cùng vợ - chị Phạm Thị Yến Nhi tự tay thiết kế và may trang phục cho các tác phẩm, chương trình do anh dàn dựng. Mỗi lần may trang phục mới rất tốn kém nên anh chị nảy ra ý định sử dụng cho đơn vị đi thi xong về sau sẽ cho thuê lại những trang phục này. Vậy là từ hơn 15 năm nay, tên cửa hàng “Trang phục sân khấu Nhi” được những người hoạt động nghệ thuật biết đến nhiều hơn vì có nhiều mẫu đẹp và rất lạ. Từ những mẫu hoa văn tỉ mỉ trong trang phục dân tộc Mạ, Chơro, S’tiêng đến những mẫu trang phục đơn giản như: áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, trang phục múa dân gian, đương đại, quần áo thiếu nhi, trang phục bộ đội…

“Mỗi lần anh Đại nói về ý tưởng của các tiết mục biên đạo, tôi cùng anh suy nghĩ thiết kế mẫu như thế nào cho phù hợp, nói lên được ý tưởng, lại không trùng lắp với hàng chợ hoặc bán trên mạng. Với tôi, hoàn thành xong một bộ trang phục hỗ trợ cho công việc của chồng cũng giống như hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật mà anh ấp ủ. Mặc dù được thiết kế và may rất công phu nhưng mỗi bộ trang phục chúng tôi cho thuê chỉ với giá 50-100 ngàn đồng/bộ trong thời gian 1 ngày. Ngoài cho thuê, chúng tôi còn tư vấn cho khách hàng cách chọn trang phục sao cho phù hợp với các tiết mục múa” - chị Nhi chia sẻ.

Để phòng, chống dịch Covid-19, nghệ sĩ Lâm Đại đã tạm hoãn công việc biên đạo múa và các chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, qua ứng dụng công nghệ thông tin, anh vẫn chia sẻ, “truyền lửa” nghề với người trẻ. “Hơn cả việc cho người trẻ thấy đam mê nghĩa là gì, chúng tôi còn muốn mang đến những thông điệp tích cực, những năng lượng mở. Một nghề còn đầy khó khăn như múa mà vẫn sống được, thì nhiều người sẽ biết quý trọng nghề nghiệp của mình hơn” - nghệ sĩ Lâm Đại nói.

Nói về nghệ sĩ Lâm Đại, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình nhận xét: “Là nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực không chuyên nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, Lâm Đại đã và đang tích cực “góp lửa” cho phong trào văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Tôi luôn tin tưởng rằng, bằng tình yêu và lòng đam mê, Lâm Đại sẽ mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm hay, đưa nét đẹp trong cuộc sống được thăng hoa cùng nghệ thuật”.

Ly Na

Tin xem nhiều