Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông giáo Úc dạy tiếng Anh miễn phí

11:11, 06/11/2020

Cuối năm 1994, ông Ian Venn, một giảng viên đại học người Úc có dịp đến Việt Nam. Như một duyên nợ, ông gắn bó cuộc đời mình với dải đất hình chữ S cho đến nay.

Cuối năm 1994, ông Ian Venn, một giảng viên đại học người Úc có dịp đến Việt Nam. Như một duyên nợ, ông gắn bó cuộc đời mình với dải đất hình chữ S cho đến nay.

Ông Ian Venn chăm sóc vườn lan
Ông Ian Venn chăm sóc vườn lan

Hiện tại, ông Ian Venn sống và dạy ngoại ngữ tại nhà ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Những người vừa học vừa làm, ông thu phí và dùng số tiền này vào mục đích thiện nguyện. Với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông dạy miễn phí, thậm chí còn cho tiền để cha mẹ các em đóng học phí ở trường cho con.

* Đam mê lớn nhất là dạy học

Đã bước sang tuổi 80 nhưng hằng ngày, ông Ian Venn vẫn dành thời gian dạy tiếng Anh cho người có nhu cầu tìm đến. Ông chia sẻ: “Tôi có 3 niềm đam mê là dạy học, đọc sách và chơi lan. Ở Việt Nam, tôi được sống với cả 3 niềm đam mê đó”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ian Venn kể, ông làm quen với công việc dạy học từ năm 14 tuổi. Khi đó, ông là trợ giảng, cùng với các giáo viên thực thụ dạy vẽ tranh và kỹ năng giao tiếp cộng đồng cho nhóm trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. Công việc này kéo dài cho đến năm ông 21 tuổi. Tốt nghiệp đại học, ông Ian Venn tình nguyện về vùng nông thôn dạy học. Khoảng năm 43 tuổi, ông Ian Venn tham gia dự án giáo dục cho trẻ em thổ dân và trại giáo dưỡng. Sau đó, ông được nhận vào Viện đại học La Trobe University (một trong 10 trường đại học nổi tiếng ở Úc) để dạy học và phát triển dự án này.

Quá trình dạy ở trường đại học, ông có cơ hội tiếp cận với các du học sinh, sinh viên đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có người Việt Nam. “Tôi cảm phục các bạn du học sinh Việt Nam. Họ vừa học, vừa làm thêm ở các trang trại dù còn rất trẻ. Tôi nhận vài bạn làm con nuôi và cho họ tham gia vào dự án giáo dục của nhà trường để các em có những trải nghiệm công việc và kiếm tiền” - ông Ian Venn chia sẻ.

Ông Ian Venn dạy ngoại ngữ tại nhà cho một học sinh ở H.Trảng Bom
Ông Ian Venn dạy ngoại ngữ tại nhà cho một học sinh ở H.Trảng Bom

Cách đây 15 năm, ông được một người quen giới thiệu về Đồng Nai sinh sống. Ông bắt đầu nhận dạy học tại nhà. Ông Ian Venn cho biết, thời gian đầu ông dạy 5 ca/ngày. Mỗi ca không quá 3 người. Với sinh viên, người vừa làm vừa học, ông thu một khoản học phí vừa phải và dùng tiền này đi làm từ thiện ở cơ sở bảo trợ xã hội, chùa có trẻ mồ côi sinh sống. Riêng với các học sinh khó khăn, ông dạy tiếng Anh miễn phí. Nhiều trường hợp, ông còn cho các em tiền đóng học, mua sách vở, quần áo phục vụ học tập trên lớp. Hiện tại, ông Ian Venn đang dạy ngoại ngữ cho gần 10 người, trong đó có 5 học sinh được miễn học phí. “Tôi sẽ tiếp tục công việc dạy học như mẹ của mình. Bà ấy đã dạy học không ngừng nghỉ cho tới khi qua đời năm 85 tuổi” - ông Ian Venn nói.

Anh Lê Ngọc Lưu, xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom cho biết, 4 năm trước, qua một người bạn, anh biết đến ông Ian Venn và đăng ký học tiếng Anh vào buổi tối. Quá trình học một thầy một trò giúp anh Lưu tiến bộ nhanh. Sau hơn 1 năm, anh đã có thể giao tiếp cơ bản và sau đó không lâu được cất nhắc lên làm quản lý dự án. Hiện tại, anh Lưu là quản lý dự án cho một doanh nghiệp nước ngoài ở H.Nhơn Trạch với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Con gái của anh Lưu là Lê Thị Phương Uyên, 8 tuổi, đang theo học tiếng Anh miễn phí với ông Ian Venn.

* Quê hương thứ hai

Nhớ lại cảm nhận lần đầu đặt chân đến Việt Nam, ông Ian Venn cho biết, đó là đất nước còn nghèo nhưng thiên nhiên tươi đẹp và con người rất đáng mến, giống nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông dành khoảng 3 tháng đi đến hầu hết các tỉnh, thành đất nước để tham quan và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của từng vùng miền. Những nơi ông đi qua đều để lại ấn tượng khó quên. Đó là dải đất miền Trung, với một bên là sườn núi cao, một bên là biển xanh ngắt. Là trẻ con miền Tây có kỹ năng bơi lội tốt. Là TP.HCM với những tòa nhà cao chọc trời, trung tâm thương mại sầm uất mang tầm khu vực nhưng cũng không thiếu những nơi rất cổ kính như: nhà thờ, công viên, viện bảo tàng và cả khu ổ chuột núp sau lưng các tòa nhà.

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, ông Ian Venn có nhiều trải nghiệm thú vị về cuộc sống, thói quen, nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Những thói quen của người Việt mà ông Ian Venn học theo là thưởng thức cà phê vào mỗi sáng, việc kính trọng người lớn tuổi hơn, ăn mứt gừng và lì xì vào dịp Tết cổ truyền. Một thói quen mà ông đặc biệt ấn tượng và cho rằng nó thể hiện được tấm lòng, sự tôn kính của người học trò đó là tục đi chúc Tết thầy cô giáo vào ngày 20-11. Ông cho biết, ông còn giữ nhiều sách, thư tay và cả thiệp chúc mừng của các thế hệ học trò gửi tặng.

Ông Ian Venn đang sống và dạy ngoại ngữ tại nhà ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa
Ông Ian Venn đang sống và dạy ngoại ngữ tại nhà ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn lan tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa, ông Ian Venn chia sẻ, lúc mới đến, nơi đây tràn ngập cỏ và rác. Ông mất 3 năm vừa dạy học vừa cải tạo khu vườn. Khi lan đã phủ kín vườn, cho hoa nhiều, ông nghĩ đến việc kinh doanh. “Lúc đầu tôi chơi lan vì đam mê. Về sau, tôi trồng nhiều loại lan, cây nào cũng cho hoa và tôi bắt đầu bán hoa. Tiền bán hoa lan tôi dành để trang trải cuộc sống, tái đầu tư và trả công cho người làm. Tiền kiếm được từ công việc dạy học tôi dành làm từ thiện, mua sách để đọc và giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn. Lúc còn khỏe, mỗi tháng tôi đều đến cơ sở bảo trợ xã hội thăm và tặng quà các em. Sau này, tôi nhờ các con nuôi, học trò của tôi làm việc này” - ông Ian Venn.

Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, ông Ian Venn đã gắn bó với Việt Nam gần 30 năm. Ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Ngày ngày ông dạy học, hướng dẫn người làm chăm sóc vườn lan.

Năm 1994, Ian Venn đến Việt Nam với mục đích thăm con nuôi và đi du lịch. Ngay trong lần đầu đến Việt Nam, ông đã quyết định ở lại đất nước hình chữ S và bắt đầu cuộc sống mới. Ông dạy tiếng Anh tại một số trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM, sau đó dạy cố định ở một công ty du lịch và Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Lê An

Tin xem nhiều