Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Giáo dục học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Lan: Người trẻ hôm nay cần tăng ''sức đề kháng'' cho mình

11:12, 18/12/2020

Hiện nay, người trẻ có nhiều cơ hội thể hiện mình trong quan điểm, trong hành động và cách sống, nhất là trên mạng xã hội (Zalo, Facebook).

TS Giáo dục học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Lan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
TS Giáo dục học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Lan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Hiện nay, người trẻ có nhiều cơ hội thể hiện mình trong quan điểm, trong hành động và cách sống, nhất là trên mạng xã hội (Zalo, Facebook). Bên cạnh những người trẻ biết tận dụng sức trẻ của mình để nỗ lực lao động, học tập, không ngừng rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống, tích cực có những đóng góp cho cộng đồng thì vẫn có không ít người trẻ dễ bị cuốn vào trào lưu sống hưởng thụ, chuộng hình thức, ích kỷ, lười lao động và học tập.

­­­ Trò chuyện với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, TS Giáo dục học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Lan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) cho biết, giáo dục định hướng để giới trẻ không sống lệch chuẩn, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình và nhà trường. Hai yếu tố này chính là “vitamin” giúp người trẻ tăng “sức đề kháng” trước những biến cố ở ngưỡng cửa cuộc đời.

* Thưa bà, nhiều người cho rằng, một số người trẻ hiện nay thích sống khác, làm khác để thể hiện bản thân… Bà nghĩ sao về nhận định này?

- Tôi không làm khảo sát để có kết luận chính xác về hiện tượng này. Song, thông qua các kênh thông tin, tôi cho rằng cái gì cũng có hai mặt của nó. Giới trẻ hiện nay thích nghĩ khác, làm khác bởi các em được sống trong thời hiện đại, được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin nên có nhiều kiến thức, nhanh chóng tiếp cận với thế giới bên ngoài rộng lớn, trong đó có những tư duy tiến bộ, lối sống tích cực... Do đó, các em có cách nghĩ khác, làm khác trong thể hiện bản thân… điều đó không sai. Thực tế đã có nhiều người trẻ rất năng động, dám nghĩ, dám làm, tìm hướng phát triển theo cách mới và đã thành công...

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người trẻ suy nghĩ và hành động còn lệch lạc, chưa chuẩn mực... biểu hiện ở những hành động vô cảm trước nỗi đau của người khác, sống ích kỷ kiểu như “hết yêu đòi quà”, không được yêu thì... giết, hoặc hiện tượng tôn sùng thần tượng là những nhân vật giang hồ mạng. Sự “suy thoái” trong lối sống này của nhiều người trẻ đang trở nên báo động khi tội phạm ngày càng trẻ hóa, manh động, coi thường pháp luật.

* Nhiều năm làm quản lý ngành Giáo dục, bà có cho rằng, giáo dục hiện nay có xu hướng hơi thiên lệch, nặng về kiến thức văn hóa hơn là giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa cho thế hệ trẻ?

- Giáo dục đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Từ sự giáo dục này, nhiều người trẻ sống tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các trường học còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ngành
GD-ĐT vẫn xác định “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng thực tế giáo dục trong các nhà trường hiện nay có nghiêng về cung cấp kiến thức văn hóa nhiều hơn là giáo dục đạo đức, lối sống... Nhiều nội dung chương trình giáo dục đạo đức chưa thiết thực, chưa kịp thời và hiệu quả không cao. Công tác quản lý tại một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ; giáo viên chưa thực sự nêu gương, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra, gây bức xúc, lo lắng cho xã hội. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Trường đại học Lạc Hồng cung cấp
Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Trường đại học Lạc Hồng cung cấp

* Để giáo dục một con người toàn diện, người ta hay nói đến yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội. Bà đánh giá thế nào về yếu tố gia đình trong công tác này?

- Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Giáo dục gia đình rất quan trọng, bởi phần lớn thời gian các em ở với gia đình. Những tiếp cận, giao tiếp, học hỏi trong những năm tháng đầu đời của các em cũng là với gia đình, người thân... Để con trẻ trở thành một người có nhân cách tốt, việc giáo dục của mỗi gia đình đóng vai trò chủ đạo, giúp hình thành phẩm chất, nhân cách cho trẻ từ khi còn nhỏ. Việc giáo dục con trẻ không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm đẹp, bởi mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của con.

Mặc dù gia đình giữ một vị trí rất quan trọng như thế, nhưng hiện nay, sự kết nối của nhiều gia đình đang trở nên lỏng lẻo. Tình trạng cha mẹ ly hôn, nhất là các gia đình có cha mẹ ly hôn khi con đang trong lứa tuổi học sinh sẽ khiến các em dễ bị rơi vào khủng hoảng tâm lý, dẫn đến chán nản và có những hành vi lệch chuẩn trong suy nghĩ cũng như giao tiếp, ứng xử. Ngoài ra, không ít gia đình, người lớn thiếu làm gương, thường xuyên mâu thuẫn, xung đột, dẫn đến bạo lực gia đình cũng ít nhiều khiến trẻ dễ có hành vi bạo lực.

* Có quan niệm cho rằng, con người toàn diện là con người được giáo dục thường xuyên và tự giáo dục. Vậy theo bà, giới trẻ hiện nay cần sự tự giáo dục như thế nào?

- Để nhân cách, đạo đức, lối sống của người trẻ không lệch chuẩn, “chuỗi” yếu tố tham gia vào sự giáo dục này cần phải có sự quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội và trên hết là sự nỗ lực tự rèn, tu dưỡng của chính mỗi người trẻ. Một người trẻ có nhân cách đẹp, đạo đức, lối sống vững vàng sẽ không để mình bị cuốn vào cái xấu mà tự ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước.

Về giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh niên, quan điểm của Bác Hồ là giáo dục ý thức hành động và hành động vì lợi ích chung của xã hội, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cộng đồng chứ không chỉ cho riêng mình. Tôi cho rằng, nếu cha mẹ, thầy cô giúp những người trẻ nhận thức được điều đó và bản thân mỗi người trẻ không ngừng nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức, nhân cách, trau dồi kiến thức để nỗ lực vươn lên mỗi ngày trong công việc và cuộc sống, thì mới trở thành những công dân tốt. Mỗi người trẻ hôm nay phải biết tăng “sức đề kháng” cho chính mình, để tránh sa vào lối sống lệch chuẩn: thích hưởng thụ, chuộng hình thức, sống ích kỷ, lười lao động và học tập. Muốn vậy, mỗi bạn trẻ cần tăng cường thêm “vitamin” cho mình mỗi ngày. Đó chính là “vitamin” của lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

* Xin cảm ơn bà!

Phương Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều