Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðường chưa đi còn đó

10:02, 19/02/2021

Cụ Nguyễn Tuân, sinh thời vốn nổi tiếng là người thích đi, khi cho in cuốn truyện dài Thiếu quê hương đã mượn một câu của cụ Paul Morand để trang trọng đưa lên trang nhất làm lời đề từ: "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc va li".

Cụ Nguyễn Tuân, sinh thời vốn nổi tiếng là người thích đi, khi cho in cuốn truyện dài Thiếu quê hương đã mượn một câu của cụ Paul Morand để trang trọng đưa lên trang nhất làm lời đề từ: “Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc va li”.

...Mình là kẻ hậu sinh, bái phục khi đọc các cụ. Nhưng mình đi không nhiều. Ít có điều kiện là một chuyện. Chuyện khác: bản tính ngại đi. Chính vì thế mà có những chuyến đi, với ai đó có thể là rất “béo bở”, nhưng mình từ chối. Chưa bao giờ có ai ới một tiếng là đi, kiểu đi lấy được.

Minh họa: Lâm Văn Cảng
Minh họa: Lâm Văn Cảng

 

...Mình vẫn sống. Vẫn cảm thấy ổn. Và luôn trung thành với nguyên tắc tự mình đề ra cho mình: chỉ khăn gói lên đường khi nào thấy... chán ở nhà! Có người bảo đi nhiều làm gì, bao nhiêu ngõ ngách trong tâm hồn mình còn chưa đi hết. Nghe qua thấy hơi hướng cái giọng kẻ cả của ông thầy đời. Nhưng một lần có việc, mình phải đi sâu vào các ngõ ngách - không phải ngõ ngách tâm hồn, mà là ngõ ngách của cái thành phố nơi mình ở, theo nghĩa đen - mới ngẫm ra lời nói ấy không hẳn vô lý.

...Vân vi hồi lâu, nhớ đến cái truyện ngắn lâu nay mình vẫn cho là một trong những cái hay nhất của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu -  truyện Bến quê. Nhĩ, nhân vật chính trong truyện, đi nhiều, đi khắp nơi. Chân trời góc biển nào cũng từng có mặt. Đến khi chuẩn bị cho mình chuyến đi xa nhất - đi vào cõi vĩnh viễn - Nhĩ mới chợt nhận ra và thèm khát điên cuồng được đặt chân lên cái mảnh đất be bé bên kia sông: cái bến quê gần gũi, bình dị của con sông vô danh chảy trước hiên nhà. Sức tàn lực kiệt, đành phải nhờ thằng con làm hộ mình cái việc tưởng như vu vơ đó. Và ruột gan ông bố quặn lên khi nhìn thằng bé mải chơi, thiếu chút nữa bỏ lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày.

Mất cả đời đi xa mà vẫn chưa biết đi gần như Nhĩ, kể cũng đau thật!

Nhưng nhiều khi xa hay gần cũng còn tùy thuộc vào rất nhiều thứ. Thử đọc lại mấy dòng tùy bút của cụ Nguyễn Tuân để xem cái tinh thần biền biệt, vô vọng mang hơi hướng cuộc đưa tiễn Kinh Kha năm xưa liệu có bị thời gian, thời đại làm cho hư hao đi tí nào không:

 “Chuyến này anh đi một hơi thấu mãi vào lục tỉnh Nam kỳ lập nghiệp, thân bằng cố hữu đưa tiễn ở sân ga Hà Nội ồn quá. Thiếu một chút nghi lễ và thêm một tí bùi ngùi nữa thì đủ là cảnh tế sống một anh tráng sĩ đời Chiến Quốc tại bờ sông Dịch “một đi không trở về”. Gió xuân cuối mùa chiều nay ở bến ga thế mà cũng lạnh” (Tùy bút I).

Thưa, “lục tỉnh Nam Kỳ” ở đây chính là vùng đất Nam bộ, từ Đồng Nai đổ vào đến chót mũi Cà Mau, hay gọi cách khác là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ bây giờ.

Khi viết những dòng tùy bút trên, chắc chắn cụ Nguyễn đã biết đến ô tô, tàu hỏa, nhưng đường cao tốc hay Boeing, Airbus thì chưa có trong kho từ vựng của cụ. Computer, smartphone, internet lại càng không. Từ Bắc vào Nam ngày ấy xa lăng lắc. Nhưng bây giờ, cách nửa vòng trái đất với một đại dương mênh mông như Anh, như Mỹ thì cũng chỉ từa tựa như mấy anh hàng xóm bên kia cái ao bèo thôi, cụ ơi!

Phương tiện triệt tiêu bao thời gian, quãng đường, tác động đến tâm lý con người theo một cách nào đó, khiến cho những cuộc chia tay bên sông Dịch ngày hôm nay bớt lạnh.

***

Bạn có nghĩ, đôi khi đi càng xa lại giống như về càng gần không?

Hồi nhỏ, có một mơ ước cứ trở đi trở lại trong tâm trí mình: mơ một lần được đến thăm quê hương, thăm ngôi nhà của Christian Andersen, nhà văn với những câu chuyện cổ tích lừng danh thế giới. Với một đứa trẻ con sinh ra, lớn lên trong ngôi làng Việt nghèo khó heo hút như mình, thì ước mơ đó dường như quá xa vời. Nhưng trong trường hợp này, TS Joseph Murphy, người cổ súy nhiệt thành cho niềm tin vào tiềm thức, đã đúng. Mình nuôi giữ điều ước đó 50 năm. Cho đến tuổi sáu mươi, tiềm thức mới thực thi quyền năng và sức mạnh vốn có: bất ngờ dành cho mình phần thưởng là chuyến đi thăm Đan Mạch.

Để đến được Odense, thành phố quê hương Andersen, phải đi tàu hỏa từ thủ đô Copenhagen mất chừng hơn 2 giờ đồng hồ. Có lúc đoàn tàu băng qua đoạn đường hầm dài ngót chục cây số chìm sâu dưới đáy biển, khi bên trên tàu bè vẫn qua lại bình thường. Suốt dọc đường, Odense, cái tên nghe yêu như một âm hưởng dịu dàng thốt ra từ miệng người đẹp, ngân nga hoài trong lòng mình.

Odense xinh đẹp và cổ kính. Không thấy nhà cao tầng. Những con đường nho nhỏ lát đá, những dãy phố khiêm nhường với gam màu nâu xám ấm áp. Người bạn Đan Mạch đi cùng chỉ cho xem ngôi nhà được xây từ năm 1636. Trải qua suýt soát 4 thế kỷ, ngôi nhà vẫn nguyên vẹn, yên bình nằm giữa bao ngôi nhà mới khác, và ống khói trên mái bếp vẫn đang lặng lẽ tỏa ra làn khói mỏng.

Trung tâm Văn hóa Andersen, trong một khán phòng nhỏ dăm ba chục chỗ ngồi, hằng tuần vẫn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các em thiếu nhi với nàng tiên cá có giọng hát mê hồn, chú lính chì dũng cảm, chàng hoàng tử hào hoa, nàng công chúa kiều diễm, vị hoàng đế ở truồng...

Bảo tàng Andersen, vườn cây rợp mát, những chiếc ghế gỗ dài cho du khách nghỉ chân, và thấp thoáng những bức tượng nhân vật trong truyện cổ tích của nhà văn. Góc khu bảo tàng là ngôi nhà nhỏ, nơi Andersen ra đời. Trong nhà còn nguyên những chiếc bàn gỗ thấp, trên đó ngổn ngang nào búa, nào kìm, nào khuôn giày, nào đinh, nào dây gai...  - những vật dụng để đóng giày, sửa giày từ thời ông và bố của nhà văn để lại.

Về thăm Odense ở tận xứ Bắc Âu mà bỗng thấy như được về quê mình. Bàng hoàng nghe tiếng chuông thánh đường St.Knud ngân vang như chuông nhà thờ St.Thomas xao động mặt hồ Vị Xuyên. Và, có phải Nam Định kia không, cái thành phố nhỏ bé bình dị, cửa ngõ làng mình dẫn ra thế giới, chập chờn những mái phố bạc màu, những vỉa hè xưa cũ...

***

Mấy ông bà bạn thân ngồi cà phê “giao ban” buổi sáng với nhau, thỉnh thoảng lại bàn chuyện đi. Cuối năm nay ra Huế hưởng thú mưa dầm. Rồi quay về hẻm khuất Hội An nếm cao lầu, bánh vạc. Ra giêng năm sau lên Sa Pa ngắm tuyết rơi. Ước gì trúng số bao cả bọn đi châu Âu, chỉ cần đủ tiền bay, sang bên đó bạn bè không thiếu...

Những chuyến đi dài đi ngắn chưa có cơ hội khởi hành.

Nhưng lo gì. Chưa đi đường còn đó. Mà nghĩ cho cùng thì lúc nào chẳng đang ở trên đường? Cuộc đời của mỗi người luôn là cuộc hành hương dằng dặc đến miền vô tận.

Trần Đức Tiến

Tin xem nhiều