Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt, chất lượng Nhật

07:03, 12/03/2021

Cùng học tập, làm việc tại Nhật Bản, rồi đảm nhận chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp (DN) Nhật Bản ở Việt Nam nhưng luôn tâm niệm phải tự chủ để sản xuất ra sản phẩm của người Việt, các anh Nguyễn Văn Tân, Lương Minh Liêm và cộng sự của mình đã thành lập Công ty TNHH Tân Seiko.

Cùng học tập, làm việc tại Nhật Bản, rồi đảm nhận chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp (DN) Nhật Bản ở Việt Nam nhưng luôn tâm niệm phải tự chủ để sản xuất ra sản phẩm của người Việt, các anh Nguyễn Văn Tân, Lương Minh Liêm và cộng sự của mình đã thành lập Công ty TNHH Tân Seiko.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tân Seiko Nguyễn Văn Tân và công nhân kiểm tra sản phẩm nhựa kỹ thuật trước khi giao cho đối tác. Ảnh: Văn Gia
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tân Seiko Nguyễn Văn Tân và công nhân kiểm tra sản phẩm nhựa kỹ thuật trước khi giao cho đối tác. Ảnh: Văn Gia

Là DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm là khuôn nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng trong ngành Y tế, điện tử, đồ gia dụng cao cấp, anh Tân và Liêm cho rằng DN Việt có cơ hội lớn để tự chủ, thoát khỏi cảnh làm thuê nhưng đi cùng với đó là chính sách đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước.

* Gầy dựng DN của người Việt

Hơn 20 năm trước, anh Tân và anh Liêm từng có thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản rồi cùng làm việc trong một DN lớn của Nhật Bản tại Đồng Nai. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, trải qua các chức vụ chủ chốt trong DN, anh Tân nhận thấy rằng các công ty, tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian đầu thường đưa nhân sự sang trực tiếp quản lý. Khi đã ổn định sản xuất, họ đào tạo lao động người Việt để thay mặt họ vận hành các công xưởng sản xuất. Nhìn nhận một cách thực tế, trình độ lao động, năng lực tư duy của người Việt nếu có điều kiện được học hành, đào tạo bài bản thì không thua kém so với nước ngoài, thế nhưng bao năm nay vẫn chủ yếu “làm thuê” cho các ông chủ tập đoàn.

Luôn tâm niệm phải gầy dựng một DN của riêng người Việt, có đủ khả năng sản xuất được sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, anh Tân và anh Liêm cùng một số cộng sự thành lập nên Công ty TNHH Tân Seiko, tọa lạc tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Theo anh Tân, dù có cơ hội để có thể thăng tiến cao hơn trong việc quản lý DN nước ngoài song từ lâu anh luôn xác định mục tiêu cao nhất là học tập kinh nghiệm, trước tiên là phát triển bản thân rồi tính đến gầy dựng thương hiệu phục vụ đất nước.

Tuy số vốn đầu tư ban đầu với hơn 5 tỷ đồng trong lĩnh vực khuôn mẫu chính xác và ép nhựa là khá khiêm tốn nhưng điểm đặc biệt của DN này là ban lãnh đạo và cả nhân sự đều có xuất phát điểm từng làm quản lý cho các DN Nhật Bản. Đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nên toàn bộ nhà máy từ tác phong làm việc đến cách bày trí máy móc, nhà xưởng đều mang phong cách Nhật.

“Người Việt mình có thể làm được những điều mà thế giới làm được, thậm chí là những phát minh, sáng chế quan trọng nhưng không có đủ môi trường để phát triển. Tại sao chúng ta có khả năng lĩnh hội tri thức thế giới lại không thể vận dụng vào phát triển đất nước mình, đây cũng là con đường mà các DN, các quốc gia như Nhật, Hàn đã từng đi” - anh Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tân Seiko chia sẻ.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhờ có chiến lược riêng nên DN đã nhận được sự tin tưởng của rất nhiều đối tác trong và ngoài nước. Hiện sản phẩm của Tân Seiko 50% xuất sang thị trường Nhật. Ngoài ra DN còn xuất sang Mỹ và cũng đang là đối tác của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Là cộng sự cùng gầy dựng công ty từ buổi đầu, anh Lương Minh Liêm giữ chức vụ Giám đốc công ty và đảm nhận công tác đào tạo lao động, quản trị sản xuất. Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để phát triển DN, ban lãnh đạo công ty luôn trao đổi để đề ra chiến lược phát triển phù hợp và nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, cải tiến, nâng cao chất lượng để mang đến niềm tin cho các khách hàng khó tính nhất. Do đã từng làm việc và tập huấn tại môi trường Nhật, anh Liêm hiểu được những đòi hỏi khắt khe từ môi trường này để làm ra các sản phẩm phù hợp, tạo dựng niềm tin cho DN nói riêng, thương hiệu Việt Nam nói chung.

“Ngay từ khi thành lập, chúng tôi xác định chất lượng sản phẩm của DN Việt phải tương đương như sản phẩm cùng loại của nước ngoài mà ở đây mục tiêu hướng tới là công nghệ Nhật. Bên cạnh đó, phải đảm bảo được yếu tố cạnh tranh từ giá thành. Chất lượng, giá thành hợp lý sẽ là điều kiện để DN hướng tới thành công” - anh Liêm cho biết thêm.

* Nhà nước cần tạo “đòn bẩy”

Đi sau nhưng với những bước đi bài bản, Tân Seiko tập trung đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại và đào tạo nhân sự, đây là 2 yếu tố để duy trì hiệu quả đầu tư và phát triển DN trong tình hình mới. Năm vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu bị chậm lại, giá chi phí vận chuyển tăng cao nên DN cũng gặp không ít khó khăn. Bằng sự lạc quan, tin tưởng vào thị trường và năng lực của mình, Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng trong năm sản xuất 2021 sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Xác định điều đó, Tân Seiko cũng vừa mở thêm 1 xưởng sản xuất mới và dự kiến tiếp tục nhập thêm nhiều máy móc hiện đại để phát triển, tự động hóa DN, nâng cao năng lực, đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Giám đốc Công ty Tân Seiko Lương Minh Liêm trao đổi với kỹ sư thiết kế. Ảnh: Văn Gia
Giám đốc Công ty Tân Seiko Lương Minh Liêm trao đổi với kỹ sư thiết kế. Ảnh: Văn Gia

“Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu là rất lớn nhưng để hiện thực hóa cơ hội, trước tiên, DN cần phải tự đổi mới mình để nâng cao năng lực sản xuất. Trong đó, chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo sự liên kết để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài là giải pháp quan trọng của DN” - anh Tân kỳ vọng vào tương lai của Tân Seiko.

Cũng như hầu hết các DN nhỏ và vừa khác, đối với Tân Seiko, yếu tố cản trở DN phát triển bền vững là nguồn lực để đầu tư chưa được như mong muốn. Khác với các ngành dịch vụ, DN sản xuất cần rất nhiều vốn để tái đầu tư sản xuất, đặc biệt là máy móc và nhà xưởng. Nhân lực có thể đào tạo, bí quyết, công nghệ cũng học hỏi được song việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khiến DN bỏ lỡ các cơ hội.

“Mỗi cỗ máy tự động chúng tôi trang bị thấp cũng vài trăm triệu đồng, hiện đại hơn thì giá hàng tỷ đồng. Máy móc tự động sẽ làm ra được những sản phẩm độ chính xác cao nhưng vấn đề vốn đầu tư không đủ nguồn lực. Chúng tôi mong muốn Nhà nước dành nhiều ưu tiên hơn cho DN nhỏ và vừa, DN có các công nghệ cốt lõi thay vì quá ưu tiên khối DN ngoại. Cần tạo đòn bẩy để cộng đồng DN lớn lên, hội nhập, phục vụ sự phát triển của đất nước” - Giám đốc Công ty TNHH Tân Seiko Lương Minh Liêm kiến nghị.

“Là DN Việt, mang khát vọng người Việt, học hỏi tri thức thế giới để trở về phục vụ đất nước, nếu được tạo điều kiện phát triển, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, đóng thuế cao để xây dựng đất nước. Suy cho cùng ưu tiên hỗ trợ, cởi trói cho DN tư nhân, DN Việt cũng chính là xây dựng tiềm lực, sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới” - anh Nguyễn Văn Tân nói.

Văn Gia

Tin xem nhiều