Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không còn kẹt xe dịp lễ, tết

08:05, 08/05/2021

Lượng người tập trung lưu thông vào cùng một thời điểm, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế... là những nguyên nhân chính khiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng thường xảy ra vào các dịp nghỉ lễ, tết.

Lượng người tập trung lưu thông vào cùng một thời điểm, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế... là những nguyên nhân chính khiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng thường xảy ra vào các dịp nghỉ lễ, tết.

Ùn tắc giao thông xảy ra tại khu vực ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất) trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua. Ảnh: Thanh Hải
Ùn tắc giao thông xảy ra tại khu vực ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất) trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua. Ảnh: Thanh Hải

Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, dòng xe nối đuôi nhau di chuyển trên các tuyến đường đi Phan Thiết, Đà Lạt, Vùng Tàu… trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người khi phải “chôn chân” hàng tiếng đồng hồ trên đường.

* Kẹt từ đường đến phà

Từ tối 29-4, lượng người khắp các nơi bắt đầu đổ về các tuyến đường, phương tiện tăng cao đột biến khiến nhiều nơi trên địa bàn Đồng Nai xảy ra ùn tắc kéo dài. Các tuyến quốc lộ 1, 51 và 20 qua Đồng Nai trở nên quá tải, có những thời điểm trong ngày, phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn phải xếp hàng dài trên đường.

Ông Huỳnh Quang Đạo (ngụ TP.HCM) cho biết, tuyến quốc lộ 1 từ Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) về ngã tư Dầu Giây trở thành “điểm nóng” kẹt xe trong đợt nghỉ lễ vừa qua. Nhiều người xuất phát từ TP.HCM từ đêm hôm trước nhưng đến rạng sáng 30-4 vẫn còn ở trên địa phận Đồng Nai.

Theo ông Đạo, bình thường quãng đường từ TP.HCM qua hết địa phận Đồng Nai dài chưa đến 100km chỉ mất khoảng 2-3 giờ lái xe là có thể rời khỏi Đồng Nai để đi Nha Trang. Tuy nhiên, vì ùn tắc tại nhiều vị trí trên quốc lộ 1 nên thời gian lưu thông kéo dài gấp 3-4 lần. Đây không phải lần đầu tình trạng kẹt xe xảy ra vào các dịp lễ, tết nhưng chưa khi nào các tuyến đường cửa ngõ qua Đồng Nai lại xảy ra ùn tắc kinh hoàng như vậy.

Không chỉ quốc lộ 1 mà trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng xảy ra kẹt xe trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ. Đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE - đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) Võ Thị Hoài Phương cho biết, từ ngày 29-4 đến hết ngày 3-5 có khoảng 275 ngàn lượt ô tô đi qua tuyến đường này, tăng 12% so với mọi năm.

Chỉ riêng ngày 29-4, VECE đã ghi nhận 74 ngàn lượt xe lưu thông, gấp 1,5 lần so với ngày bình thường. Ngày 30-4 lưu lượng xe đạt 60 ngàn lượt, tập trung vào lúc từ 6-11 giờ cùng ngày, tăng gần 70% so với ngày thường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc nghiêm trọng xảy ra.

Ban An toàn giao thông tỉnh khuyến cáo, trước và sau ngày nghỉ, người dân nên chủ động thu xếp thời gian, chọn khung giờ phù hợp không tập trung đi vào một khung giờ cao điểm. Đồng thời, các ngành chức năng cần nắm bắt trước tình hình, chủ động phối hợp với những lực lượng khác để túc trực, điều tiết giao thông từ xa, hợp lý, tránh tình trạng ùn ứ xảy ra.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), mặt đường cao tốc vẫn đảm bảo lưu thông nhưng trên tuyến có khu vực cầu vượt Long Thành là nút giao “cổ chai” khiến xe cộ khi qua đây bị chặn lại. Mặt khác, việc xả trạm thu phí khi xảy ra ùn tắc chưa được kịp thời nên từ đêm 29 đến sáng 30-4, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà của Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị quản lý phà Cát Lái) cho biết, do phía đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe dẫn đến xe cộ tập trung đi qua phà Cát Lái. Đơn vị đã huy động toàn bộ phà, nhân viên để phục vụ người dân, tuy nhiên, do xe cộ quá đông, phà cũng quá tải.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay số lượng phà phục vụ vận chuyển tại bến không đáp ứng hết nhu cầu. Trước đó, cuối tháng 10-2020, một chiếc phà 200 tấn từ bến phà Vàm Cống đã được Bộ Tài chính đồng ý điều chuyển về để phục vụ cho bến phà Cát Lái. Tuy nhiên, hơn 5 tháng trôi qua chiếc phà này chưa thể đưa vào sử dụng vì đang chờ hướng dẫn thủ tục tiếp nhận tài sản. Vì vậy, khi phương tiện đi phà tăng cao, bến phà Cát Lái thiếu số lượng phà dễ dẫn đến ùn tắc ở hai đầu bến.

“Phà Cát Lái chỉ chở số lượng xe, người nhất định và có mức độ, nên cũng không giảm tải được nhiều lượng xe, lại gây ùn ứ tuyến đường vào phà Cát Lái” - ông Tuấn nói.

* Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Nhìn nhận một cách khách quan, ngoài yếu tố hạ tầng tại nhiều tuyến đường không đảm bảo, khi người dân di chuyển “thoát” khỏi thành phố cùng một lúc để về quê, đi du lịch... nên đường sá quá tải. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông vào dịp nghỉ lễ, tết thường xảy ra và thời gian kéo dài là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.

Ô tô đi vào làn xe máy trên quốc lộ 51 (đoạn qua TP.Biên Hòa) gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Hải
Ô tô đi vào làn xe máy trên quốc lộ 51 (đoạn qua TP.Biên Hòa) gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Hải

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phân tích, khi xảy ra ùn tắc, nhiều người không lưu thông theo làn đường quy định. Trên các tuyến đường, đặc biệt là đoạn qua các chốt đèn tín hiệu giao thông, chuyện ô tô dàn ngang, bít hết đường của xe 2 bánh xảy ra thường xuyên khiến người đi xe máy không khỏi bức xúc. Giao thông tại các khu vực ngã ba, ngã tư vốn đã phức tạp thì hành vi của những người lái xe ô tô càng khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe càng thêm trầm trọng hơn.

Ngược lại cũng có không ít trường hợp, vì để sớm thoát khỏi điểm ùn tắc nên xe máy sẵn sàng chạy vào làn dành cho xe ô tô. Việc này rất nguy hiểm với những người điều khiển phương tiện xe 2 bánh vì phải chen chúc lưu thông chung với xe trọng tải lớn, rất dễ xảy ra va chạm giao thông dẫn đến tai nạn giao thông.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, đối với những trường hợp tài xế lấn làn, vượt ẩu, vi phạm trật tự an toàn giao thông khi phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Những trường hợp vi phạm chưa thể xử lý ngay thì cảnh sát giao thông sẽ ghi hình hoặc thông qua hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường và camera giám sát tại Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông để xử lý bằng hình thức “phạt nguội” gửi thông báo cho người vi phạm.

Hiện nay đã có chế tài xử phạt đối với hành vi đi sai làn đường. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì mức phạt khi đi sai làn tăng mạnh. Cụ thể, đối với xe ô tô, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (trước đây bị phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng); tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông còn bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Để giảm ùn tắc giao thông vào các dịp nghỉ, lễ đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ các ngành chức năng và cả người dân khi lưu thông trên đường. Không chỉ là các biện pháp trước mắt mà cần quá trình thực hiện dài hơi, bởi mỗi năm Việt Nam có nhiều kỳ nghỉ, có những đợt với thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết, phương án điều tiết và phân luồng giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các bên gồm: cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và nhà đầu tư các dự án BOT giao thông đã thống nhất khi xảy ra ùn tắc kéo dài phải xả trạm thu phí. Các trạm nào ùn tắc phải xả ngay, Cục sẽ bố trí thanh tra phối hợp với các đơn vị khác giám sát giao thông trong việc xả trạm.

Thanh Hải

Tin xem nhiều