Báo Đồng Nai điện tử
En

Một lần đến đảo Nami

08:05, 28/05/2021

Từng yêu thích bộ phim Bản tình ca mùa đông nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc, nên khi đến thăm xứ sở kim chi, tôi không bỏ qua cơ hội ra đảo Nami - nơi ra đời bộ phim này.

Từng yêu thích bộ phim Bản tình ca mùa đông nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc, nên khi đến thăm xứ sở kim chi, tôi không bỏ qua cơ hội ra đảo Nami - nơi ra đời bộ phim này.

Con đường trồng cây thủy sam - nơi từng có những cảnh quay lãng mạn trong phim Bản tình ca mùa đông. Ảnh: B.Thuận
Con đường trồng cây thủy sam - nơi từng có những cảnh quay lãng mạn trong phim Bản tình ca mùa đông. Ảnh: B.Thuận

Cũng rất lạ, muốn đặt chân lên một hòn đảo nhỏ xíu, chỉ có khoảng 0,43km2 thuộc TP.Chuncheon, tỉnh Gangwon của đất nước Hàn Quốc, mà bất cứ du khách nào cũng phải có visa. Thì ra từ năm 2006, đảo Nami đã tự tuyên bố độc lập với danh xưng là “Cộng hòa Naminara” và được hưởng quy chế xuất nhập cảnh như một quốc gia.

Tìm hiểu thêm thì được biết: Từ sau khi bộ phim Bản tình ca mùa đông “hớp hồn” khán giả khắp nơi trên thế giới, Cộng hòa Naminara vốn từ một đảo nằm giữa một cửa sông, chuyên canh đậu phộng và nhờ bồi đắp phù sa khi xây đập Cheongpyeong, dần dần trở thành khu du lịch đón mỗi năm trên 3 triệu du khách.

Đảo Nami được biết tới và có tên trong bản đồ du lịch thế giới, khởi từ năm 1965 khi ông Min Byeong Do - cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đứng ra mua hòn đảo nhỏ này và lấy tên một vị tướng tài danh của Triều Tiên trong thế kỷ XV là Nami đặt cho hòn đảo và lập Công ty Namisum. Giám đốc điều hành công ty du lịch được giao cho Gang Woo Hyun - tác giả của nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng ở Hàn Quốc.

Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên cổng vào Cộng hòa Naminara
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên cổng vào Cộng hòa Naminara

Với ý tưởng biến đảo Nami thành điểm tham quan, giao lưu thiên nhiên - văn hóa - nghệ thuật, Gang Woo Hyun đã khôi phục, phát triển cảnh quan thiên nhiên; đặc biệt là từng bước thổi các yếu tố nghệ thuật vào việc thiết kế xây dựng các công trình phục vụ du lịch một cách độc đáo, sáng tạo.

Chỉ với diện tích 0,43km2 của toàn đảo, Gang đã dành ra đến 0,26km2 nằm giữa đảo cho thảm cỏ xanh, trên đó thiết kế 4 con đường đều trồng một loại cây thẳng hàng như: thủy sam xanh mướt trong mùa hè, ngân hạnh vàng đỏ rực rỡ mùa thu, hoa anh đào hồng thắm mùa xuân và linh sam lung linh mùa đông. Cạnh mấy con đường với những hàng cây đầy lãng mạn này là các vườn cây cũng hút hồn du khách. Vườn Baekpungmilwon có đến 300 cây phong đang đỏ lá, thì vườn Gongsaengwon lại mê hoặc du khách trẻ lẫn già nhờ có bức tượng 2 ngôi sao Hàn Quốc là Bae Yong Joon và Choi Ji Woo đang đứng ôm nhau giữa trời đông thật lãng mạn.

Tôi thấy bức tượng này và cả tấm hình to của hai diễn viên nổi tiếng trong phim Bản tình ca mùa đông luôn có khách đến chụp ảnh. Con đường lãng mạn nhất trên đảo Nami đã được thể hiện qua rất nhiều thước phim trong Bản tình ca mùa đông là con đường trồng hai hàng cây thủy sam (Metasequoia glyptostroboides), một loài thông gỗ lớn, thân thẳng, rụng lá, có tán cây hình tháp, thuộc họ Taxodiacoae.

Tôi đến Nami vào mùa đông của Việt Nam, mà mùa đông ở Hàn Quốc là từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 3; lúc đó tuyết rơi chưa nhiều nên tôi không được nhìn thấy hai hàng thủy sam này bao phủ một màu trắng toát của giá băng nhìn rất tuyệt vời trên phim ảnh. Nhưng hàng cây thủy sam thẳng tắp trơ cành khẳng khiu này vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ. Không những riêng tôi, mà ai ai ra đảo Nami cũng tìm cách chụp hình với con đường và hàng cây hình như mùa nào cũng rất lãng mạn này. Cũng là điều đáng nói khi nhiều bạn trẻ người Việt mình chụp ảnh hàng cây này thường ngộ nhận cho là bạch dương, dẻ hoặc sồi… Thực ra loài thông thủy sam có thân cây nhìn giống hóa thạch này cũng đã từng gây ra nỗi kinh ngạc cho chính các nhà thực vật học suốt trong một thời gian dài.

Theo tài liệu khoa học, thì từ năm 1943, GS Vương Chiến, một nhà thực vật học tên tuổi của Trung Quốc đã phát hiện ra 3 cây thông lạ ở tỉnh Tứ Xuyên, nhưng không biết là cây gì. Tìm hiểu, nghiên cứu mãi; đến năm 1946, tức là phải 3 năm sau đó, các nhà khoa học Trung Quốc mới xác định được loài cây Metasequoia glyptostroboides này đã từng sống cách đây 100 triệu năm, còn sót lại. Hiện ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) có 2 cây thủy sam đời “chắt chít” gì đó mới có hơn 300 tuổi mà đã cao đến 40m với đường kính gốc đo được 4m.

Bên cạnh những hàng cây đặc trưng, vườn cây cảnh đặc sắc, tôi hết sức thích thú được nhìn ngắm hàng trăm tượng người với đủ kiểu dáng, tư thế khác nhau. Phần lớn loại tượng đá dân gian này đều thể hiện hình ảnh người phụ nữ và trẻ con. 

Du khách Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm
Du khách Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm

Độc đáo hơn, trên đảo Nami có một thư viện trẻ em với trên 200 ngàn đầu sách; trong đó có truyện tranh của 86 quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam. Điều này được biểu thị bằng lá quốc kỳ nước ta được treo trang trọng nơi cổng vào Cộng hòa Naminara. Ngoài thư viện, trên đảo Nami còn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi. Chắc vậy nên năm 2010, Nami là nơi đầu tiên ở Hàn Quốc được công nhận là Unicef Child Friendly Park (Công viên thân thiện với trẻ em). Tổ chức du lịch lữ hành thế giới cũng đánh giá: Đảo Nami là khu du lịch có nhiều tiện ích dành cho người tàn tật nhất.

Với khẩu hiệu “văn hóa - tự nhiên và bảo vệ môi trường” trên đảo Nami còn... tái chế một bức tường kết bằng vỏ chai rượu đế Soju và nổi bật là việc dùng vỏ cây để làm giấy bằng phương pháp thủ công cổ truyền. Và tôi cũng khá ấn tượng với ngôi nhà gỗ truyền thống làm cửa hàng bán món bánh bao nhân đậu đỏ cổ truyền của người Hàn luôn bốc khói nghi ngút nhờ chế biến tại chỗ bằng phương pháp thủ công. Tại đây lúc nào cũng đông khách xếp hàng chờ mua và thưởng thức ngay tại chỗ.

Bất ngờ hơn, nơi ra đời Bản tình ca mùa đông còn được giới yêu âm nhạc tôn vinh Nami là “hòn đảo của những khúc tình ca” với một bảo tàng âm nhạc khá bề thế.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều