Báo Đồng Nai điện tử
En

Phi công trẻ "mê" nông nghiệp hữu cơ

11:06, 04/06/2021

Anh Trần Minh Tuấn, ấp 1, xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ đã chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Không chỉ ký hợp đồng bán hơn 30 tấn sầu riêng/năm của gia đình cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, anh Tuấn còn giúp hơn 30 hộ nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá sàn 40 ngàn đồng/kg.

Anh Trần Minh Tuấn, ấp 1, xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ đã chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Không chỉ ký hợp đồng bán hơn 30 tấn sầu riêng/năm của gia đình cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, anh Tuấn còn giúp hơn 30 hộ nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá sàn 40 ngàn đồng/kg.

Anh Trần Minh Tuấn (trái) bên vườn sầu riêng chăm sóc theo quy trình VietGAP của gia đình
Anh Trần Minh Tuấn (trái) bên vườn sầu riêng chăm sóc theo quy trình VietGAP của gia đình

Dự định của anh Tuấn là thành lập doanh nghiệp cung ứng sầu riêng cho các công ty chế biến trong nước và xuất khẩu trái tươi không qua trung gian.

* Phi công về làm nông dân

Trước khi đến với nông nghiệp, anh Trần Minh Tuấn là phi công đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện bay trực thăng. Đầu tiên là huấn luyện bay trực thăng tại Trung đoàn Không quân 917 (Sân bay Tân Sơn Nhất). Sau đó, anh được điều đi Sân bay Cần Thơ rồi về Sân bay Biên Hòa. Cuối năm 2019, anh ra quân và bắt tay làm nông nghiệp.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quế Võ Hồng Hạnh cho biết, sầu riêng là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với khoảng 500ha, trong đó khoảng 300ha đang thu hoạch. Mặc dù cây sầu riêng có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác nhưng đầu ra còn bấp bênh. Việc THT chuyên canh sầu riêng của anh Tuấn kết nối được với doanh nghiệp tiêu thụ 200 tấn/năm, giá 40 ngàn đồng như vậy là rất tốt. Xã sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý, làm hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP,  hỗ trợ bà con một phần chi phí đầu tư hệ thống nước tưới nhỏ giọt theo chính sách của tỉnh.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng rộng hơn 2ha đang cho thu hoạch, anh Tuấn chia sẻ, trong suốt 7 năm làm phi công, mỗi năm anh đều chọn nghỉ phép vào đầu mùa hè để phụ cha bán sầu riêng. Trong một lần cùng cha tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, anh có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản. Qua trao đổi, anh nắm được thông tin, nhiều doanh nghiệp chế biến cần nguồn cung sầu riêng số lượng lớn nhưng phải mua nguyên liệu thông qua tư thương với giá cao. Doanh nghiệp sẵn sàng mua giá cao nếu nông dân cam kết chăm sóc và thu hoạch theo quy trình, bán sản phẩm cho doanh nghiệp.

“Nhà tôi có trồng sầu riêng. Mỗi mùa, cha tôi phải gọi điện mối này, mối khác bán sầu riêng. Bán mão (mua trọn vườn) thì giá rẻ, bán theo thị trường thì họ chỉ chọn mua loại quả đẹp, đầu mùa đắt hàng, cuối mùa không ai mua. Ấy vậy mà, khi có doanh nghiệp đặt vấn đề mua sầu riêng chế biến xuất khẩu, cha lại không dám nhận lời vì sản lượng không đủ, chăm sóc chưa đạt yêu cầu” - anh Tuấn nhớ lại.

Nhận thấy bán hàng cho doanh nghiệp vừa đỡ mất công vừa tránh được cái vòng luẩn quẩn “mất mùa được giá, được mùa giá rẻ”, anh Tuấn bàn với cha nhận lời cung ứng sản phẩm cho một doanh nghiệp.

Anh Tuấn cùng cha đi vận động, thuyết phục các hộ trồng sầu riêng khác hợp tác bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Quá trình này gặp nhiều khó khăn do nông dân quen bán “mão” hoặc đã ứng tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu buộc phải bán sản phẩm cho đại lý, thương lái. Hơn nữa, thời điểm đó anh Tuấn mới chỉ nhận lời qua điện thoại, chưa ký hợp đồng, chưa chốt giá với doanh nghiệp thu mua nên nhiều người nghĩ anh “nói xạo”.

Anh Tuấn nghĩ, mình phải làm trước để bà con thấy, tin và theo. Anh xin ra quân và bắt tay cải tạo vườn sầu riêng. Anh nghiên cứu cách ủ phân vi sinh bón để giảm thay phân hóa học. Trồng thảm cỏ đậu trong vườn sầu riêng để giữ ẩm và hạn chế sâu bệnh, cỏ dại. 1 tháng trước khi thu hoạch, anh ngưng hoàn toàn sử dụng thuốc trừ sâu…

Nhìn vườn sầu riêng trái to tròn, xanh mướt, xe tải đến tận vườn đóng thùng chở đi, bà con bắt đầu tin lời anh Tuấn. Một vài người, rồi hơn chục người đến hỏi cách chăm sóc, làm thế nào bán hàng cho công ty. Anh Tuấn đăng ký thành lập tổ hợp tác (THT) sầu riêng xã Xuân Quế. Định kỳ mỗi tháng, tập hợp tổ viên ngay tại vườn nhà mình để mọi người trao đổi kinh nghiệm, cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn cách làm nông nghiệp sạch, bàn phương án tìm đầu ra ổn định.

Đầu năm 2021, anh Tuấn đại diện THT ký hợp đồng cung ứng 200 tấn sầu riêng với giá 40 ngàn đồng/kg cho công ty chế biến và xuất nhập khẩu trên địa bàn huyện.

* Trồng sầu riêng theo chuẩn xuất khẩu châu Âu

Thời điểm hiện tại, nông dân xã Xuân Quế đang thu hoạch sầu riêng. Ai cũng phấn khởi vì mặc dù dịch bệnh, nhiều loại nông sản gặp khó khăn về đầu ra nhưng sầu riêng của họ được công ty thu mua tại vườn, không bị ép giá.

Anh Trần Minh Tuấn tham gia giới thiệu sầu riêng tại một sự kiện giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh
Anh Trần Minh Tuấn tham gia giới thiệu sầu riêng tại một sự kiện giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh

Ông Nguyễn Thanh Châu (ấp 1, xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, những người lớn tuổi như ông quanh năm chỉ biết làm vườn chứ không biết trước giá cả, đầu ra. Đầu mùa, thương lái có thể đến vườn mua giá 50-60 ngàn đồng/kg sầu riêng, nhưng khi sầu riêng chín rộ, nông dân phải tự chở sầu riêng ra đại lý để bán với giá chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. Những quả nhỏ, màu xấu, bị đốm vàng thương lái loại ra, nông dân phải chở đi bán rong với giá rẻ. Nay có THT ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đi châu Âu nên rất mừng. “Làm nông nghiệp mà có đầu ra, biết được giá cả là yên tâm rồi. Tôi sẽ tiếp tục thay đổi quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ để cải thiện năng suất, chất lượng sầu riêng” - ông Châu chia sẻ.

Theo anh Trần Minh Tuấn, hiện tại, sầu riêng của THT đã có đầu ra, tuy nhiên, quy trình chăm sóc của các tổ viên chưa đồng nhất, chưa có vườn sầu riêng được công nhận VietGAP. Do đó, anh sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chăm sóc sầu riêng theo quy trình sạch và bán sản phẩm thông qua THT. “Tôi đang phối hợp với xã hoàn tất hồ sơ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với sầu riêng. Đã có 34 hộ đăng ký thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 43ha. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cho THT và phát triển vùng chuyên canh sầu riêng VietGap, GlobalGAP của xã Xuân Quế” - anh Tuấn cho hay.

Dự định của anh Tuấn là thành lập doanh nghiệp cung ứng sầu riêng cho các công ty chế biến, xuất khẩu trái tươi không qua trung gian. “H.Cẩm Mỹ là vùng trồng sâu riêng lớn của tỉnh. Trên địa bàn huyện có quy hoạch cụm công nghiệp chế biến nông sản. Tôi dự định thành lập doanh nghiệp, hợp tác thu mua sầu riêng của nông dân trong huyện để bán cho công ty chế biến nông sản và xuất khẩu trực tiếp trái tươi. Tôi nghĩ mình làm được” - anh Tuấn khẳng định.

Vấn đề anh Tuấn lo ngại là giá đất ngày càng tăng, nhiều hộ nông dân có suy nghĩ bán rẫy, bán vườn làm việc khác. Do đó, anh sẽ cùng THT vận động các hộ sầu riêng giữ diện tích, chuyển vườn sầu riêng chăm sóc theo quy trình thường sang chăm sóc theo quy trình sạch, tiếp tục tìm đầu ra ổn định cho trái sầu riêng.

Ban Mai

Tin xem nhiều