Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Để lại cho đời những mảnh ghép ký ức

08:07, 31/07/2021

Sau nhiều năm chống chọi bệnh tật nan y, nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã từ giã cõi trần trong lúc TP.HCM - thành phố mà ông hết mực yêu thương, đang trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Sau nhiều năm chống chọi bệnh tật nan y, nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã từ giã cõi trần trong lúc TP.HCM - thành phố mà ông hết mực yêu thương, đang trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa (20-5-1953 - 25-7-2021)
Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa (20-5-1953 - 25-7-2021)

Gần như tất cả đồng nghiệp, bằng hữu, bạn đọc hâm mộ Lê Văn Nghĩa đều chỉ bái vọng tiễn biệt ông từ xa chứ không thể trực tiếp đến tang lễ để thắp nén hương cho ông (Lê Văn Nghĩa mất đêm 25-7, lễ truy điệu và di quan, hỏa táng ngày 27-7).

* Nghiệp viết như “tằm rút ruột nhả tơ”

Dường như sự ra đi trong thời điểm lặng lẽ này của ông cũng có phần phản ánh tính cách của Lê Văn Nghĩa khi ông còn sống: hiền hòa, kiệm lời, khá khiêm tốn khép mình, không phô trương hay ầm ĩ. Ông chỉ thường “lên tiếng” bằng chính sự nghiệp làm báo, viết văn với các tác phẩm giá trị của mình, và khiến bao lớp người đọc nể phục, anh em bằng hữu đồng nghiệp nể trọng bằng nghiệp viết ấy.

Trên mạng xã hội những ngày qua, rất nhiều người tưởng nhớ, bày tỏ lòng thương tiếc và yêu quý “anh Hai Cù Nèo”, “Đại gia Đại Văn Mỗ”, “Điệp viên Không Không Thấy” - những bút danh, nhân vật gắn với Lê Văn Nghĩa trong giai đoạn ông làm chủ biên tờ báo trào phúng Tuổi Trẻ Cười trong 23 năm, đồng thời cũng là cây bút viết truyện phiếm, châm biếm, trào phúng hàng đầu.

Rất nhiều nhà báo, nhà văn, bạn tâm giao, bạn tri tửu tôn kính gọi ông như một “nhà Sài Gòn học”, “nhà văn viết sử bằng trái tim”… cho giai đoạn từ khi ông về hưu (năm 2015) trở đi đã lần lượt cho ra đời hàng loạt tập sách biên khảo, tạp bút, truyện dài, ghi chép về Sài Gòn và những hồi ức đặc sắc.

Đặc biệt kể từ khi biết mình lâm bệnh hiểm nghèo từ độ mười năm qua, nhà văn Lê Văn Nghĩa không tuyệt vọng mà trái lại, đã dồn nhiều tâm sức của mình cho các tác phẩm. Ông trở lại cơ quan cũ (Báo Tuổi Trẻ) vào thư viện ngồi tìm kiếm, tra cứu tư liệu mỗi ngày. Ông chăm chỉ dành thời gian viết đều đặn, kỷ luật với chính mình như “tằm rút ruột nhả tơ”.

* “Kho tàng” ký ức về Sài Gòn

Từ năm 2008-2021, hàng loạt tác phẩm của Lê Văn Nghĩa được xuất bản và đông đảo bạn đọc đón nhận. Có nhiều tựa sách tái bản nhiều lần, nhiều cuộc giao lưu từ Đường sách TP.HCM đến các trường học mà Lê Văn Nghĩa luôn sẵn sàng tham dự để chia sẻ, tâm tình với bạn đọc nhiều thế hệ. Kể cả khi ông chỉ mới vừa xuất viện sau phẫu thuật, kể cả khi ông phải đeo trong mình những dụng cụ y khoa vướng víu hậu phẫu, ông vẫn nhận lời mời từ phía các nhà xuất bản đến với sự kiện có độc giả của mình. Những người muốn lắng nghe “nhà Sài Gòn học” kể thêm câu chuyện về thời niên thiếu, về mảnh đất Sài Gòn - Gia Định đằng sau trang sách. Những người muốn xin chữ ký lưu niệm của một nhà văn đã gửi đến họ một “kho tàng” ký ức quý giá và sinh động về Sài Gòn.

Một số tác phẩm được yêu thích nhất của nhà văn Lê Văn Nghĩa
Một số tác phẩm được yêu thích nhất của nhà văn Lê Văn Nghĩa

Qua những tác phẩm về Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa, bạn đọc có tuổi như được khơi gợi cõi nhớ về thành phố và thời thanh xuân của họ. Bạn đọc trẻ hôm nay thì được tiếp cận những câu chuyện xưa cũ đặc sắc được tác giả vén bức màn phủi bụi thời gian. Nhà báo Dương Thành Truyền (nguyên Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, nguyên Giám đốc NXB Trẻ), tâm đắc về người đàn anh Lê Văn Nghĩa “là một người kể chuyện độc đáo về Sài Gòn bằng câu chuyện chính cuộc đời mình”.

Còn nhà thơ Trần Hoàng Nhân, một đàn em thân thiết của “anh Hai” (tên gọi thân mật của Lê Văn Nghĩa) bồi hồi kể lại kỷ niệm: “Chiều chiều, anh Nghĩa hay gọi điện hỏi các thân hữu, em út: “Đang ở đâu vậy mậy, làm vài ve hôn?” để cùng đến quán bia vỉa hè thoáng mát, bình dân nào đó hàn huyên chuyện chữ nghĩa, chuyện thế thái ân tình…”.

Dù cuộc sống có nhiều nỗi niềm riêng, cả bệnh tật khiến ông lâu lâu phải tắt điện thoại để vào bệnh viện phẫu thuật, Lê Văn Nghĩa không lấy đó để đặt nặng, mà trái lại, nghị lực và ý chí lao động với con chữ của ông lại bùng lên mạnh mẽ ở những tháng năm cuối đời.

Long Khánh

Tin xem nhiều